Bóng đá

Cách nào triệt tiêu vấn nạn bạo lực ở V-League?

08/05/2019, 06:55

V-League 2019 chưa đi được 1/2 chặng đường nhưng đã tồn tại không ít vấn đề, một trong số đó là lối chơi bạo lực đang có dấu hiệu bùng phát.

img
Văn Kiên của Hà Nội FC nằm sân sau pha vào bóng của Quế Ngọc Hải tại vòng 3 V-League 2019

V-League 2019 thời gian gần đây chứng kiến những trận cầu, những tình huống đậm chất bạo lực. Đáng nói hơn, bạo lực giống như căn bệnh trầm kha của bóng đá Việt Nam, lây lan từ mùa này sang mùa khác.

Nỗi lo bạo lực bùng phát

V-League 2019 chưa đi được 1/2 chặng đường nhưng đã tồn tại không ít vấn đề, một trong số đó là lối chơi bạo lực đang có dấu hiệu bùng phát. Theo số liệu thống kê từ Ban Điều hành giải, tính đến sau vòng 7, V-League 2019 có 132 bàn thắng nhưng có tới 156 thẻ vàng (trung bình 3,18 thẻ/trận), 13 thẻ đỏ (trung bình 0,26 thẻ/trận). Những con số này đã nói lên tất cả, tuy vậy vẫn cần những dẫn chứng đủ sức nặng.

Ngay vòng 1 V-League 2019, trung vệ Quế Ngọc Hải (Viettel) có tình huống vào bóng khiến cầu thủ Dominik Schmitt (SHB Đà Nẵng) gãy xương sườn. Trung vệ đội tuyển Việt Nam sau đó còn đạp vào ống đồng Văn Kiên (Hà Nội FC) ở vòng 3. Dù không phải nhận án phạt trên sân nhưng sau đó Ngọc Hải đã bị Ban Kỷ luật VFF treo giò 4 trận.

Tại vòng 5, Hải Phòng và SHB Đà Nẵng biến sân Lạch Tray thành sàn đấu võ với liên tiếp những pha vào bóng thô bạo của cầu thủ hai bên. Hệ quả, phút thứ 50 trận đấu, Trịnh Văn Lợi của Hải Phòng và phút thứ 78, Bùi Tiến Dụng của đội khách SHB Đà Nẵng đã phải nhận thẻ đỏ. Tại vòng 6, trận Nam Định tiếp B.Bình Dương chứng kiến nhiều pha bóng bạo lực, Mai Xuân Quyết (Nam Định) và Đinh Hoàng Max (B.Bình Dương) phải nhận thẻ đỏ.

Cũng tại vòng 6, trận đấu giữa Hải Phòng và Hà Nội FC trên sân Hàng Đẫy cũng chứng kiến rất nhiều pha va chạm trên mức cần thiết. Tổng cộng 4 bàn thắng được ghi nhưng có tới 7 thẻ vàng, 4 dành cho Hà Nội FC, 3 thuộc về đội khách. Hay như ở vòng 7, trận đấu giữa Than Quảng Ninh và Sanna Khánh Hòa chứng kiến 6 tấm thẻ dành cho các cầu thủ, bao gồm cả chiếc thẻ đỏ của Toure Youssouf vì có hành vi phản cảm đẩy ngã Mạc Hồng Quân khi hiệp 1 đã khép lại.

Lật lại hồ sơ những mùa giải gần đây, người hâm mộ chắc chắn không khỏi giật mình bởi gần như mùa nào cũng có pha bóng rợn người. Tại vòng 5 V-League 2018, Hải Huy (Than Quảng Ninh) đạp thẳng vào người Trùm Tỉnh (Sanna Khánh Hòa) khiến cầu thủ này phải nhập viện. Trước đó, ở vòng 3, Tăng Tiến (HAGL) cũng đạp gầm giày vào ống đồng Duy Mạnh (Hà Nội FC). Vì pha vào bóng này, Tăng Tiến bị treo giò 5 trận.

Vòng 3 V-League 2017, Hoàng Vũ Samson (Hà Nội FC) bỏ bóng đá thẳng vào đầu gối Châu Ngọc Quang (HAGL), dẫn đến bị treo giò 2 trận. Tới vòng 14, một cầu thủ khác của Hà Nội FC là Sầm Ngọc Đức bị treo giò 8 trận do vào bóng triệt hạ với Anh Hùng của Hải Phòng. Ở vòng 2 V-League 2016, Horace James (SHB Đà Nẵng) tung chân đạp cực mạnh vào ngực Văn Pho (HAGL) trong một pha đột nhập vòng cấm HAGL khiến cầu thủ phố Núi phải nhập viện vì gãy xương sườn. Ngạc nhiên ở chỗ, Horace James không phải nhận bất kỳ án phạt nào.

Xa hơn nữa, tại V-League 2015, Quế Ngọc Hải khi đó còn khoác áo SLNA có pha vào bóng khiến Anh Khoa của SHB Đà Nẵng gãy chân, phải chia tay sự nghiệp. Tình huống phạm lỗi này khiến Hải bị treo giò 6 tháng, chịu toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương cho cầu thủ sông Hàn. Xâu chuỗi lại các dữ kiện, phần nào có thể nhận xét, bạo lực giống như một căn bệnh trầm kha của V-League, lây lan từ mùa này qua mùa khác, khiến hình ảnh giải đấu trở nên xấu xí.

Phải chữa trị từ gốc

HLV Phan Thanh Hùng (Than Quảng Ninh) cho rằng, đa phần những tình huống bạo lực ở V-League là do ý thức và sự bột phát của một bộ phận cầu thủ chứ không thể quy kết cho cả giải đấu bạo lực. “Tôi cũng như đội bóng không bao giờ khuyến khích cầu thủ vào bóng thô bạo. Những lỗi về kỹ thuật có thể được chấp nhận nhưng tư tưởng đá triệt hạ không được phép tồn tại. Nhưng diễn biến trên sân khiến nhiều cầu thủ mất kiềm chế là điều có thể hiểu được. Bóng đá châu Âu cũng có không ít pha bóng thô bạo dù trình độ của họ rất cao. Thế nên, tôi đánh giá vấn nạn bạo lực ở V-League đơn thuần là hiện tượng chứ không hẳn là bản chất”.

Bình luận viên Vũ Quang Huy lại có góc nhìn khác, ông Huy tán đồng quan điểm V-League là sân chơi tồn tại quá nhiều tình huống bạo lực và khẳng định nguyên nhân xuất phát từ chính xã hội: “Nói gì thì nói, bóng đá là tấm gương phản chiếu xã hội. Mà xã hội Việt Nam đâu đâu cũng thấy sự manh động, sẵn sàng ẩu đả nên đương nhiên cầu thủ cũng ít nhiều bị ảnh hưởng về mặt tư tưởng. Cộng thêm bóng đá là môn đối kháng, tính ăn thua cao, tiền thưởng nhiều nên càng kích thích những cái đầu nóng”.

Là một người từng lăn lộn nhiều năm ở V-League và nay đang đảm nhận công tác đào tạo trẻ ở CLB Hà Nội, cựu danh thủ Dương Hồng Sơn nhìn nhận, bạo lực trên sân cỏ V-League là điều tất yếu. Bởi bóng đá Việt Nam đang phát triển mà đặc trưng của những nền bóng đá đang phát triển là dùng nhiều sức mạnh, thể lực để va chạm, chiếm lợi thế. Ngược lại, yếu tố kỹ, chiến thuật thường bị coi nhẹ.

Về giải pháp triệt tiêu tận gốc bạo lực sân cỏ, theo HLV Phan Thanh Hùng, cách duy nhất vẫn là đưa ra những án phạt nghiêm khắc. Không chỉ VFF phạt, các CLB cũng cần có hình phạt để răn đe cầu thủ của mình, nhằm tạo ra một rào cản vô hình trong đầu mỗi cầu thủ trước khi ra sân. Cùng suy nghĩ, nhưng bình luận viên Quang Huy nhấn mạnh: “Phạt nặng nhưng phải công bằng, đúng người, đúng tội và kịp thời. Tôi thấy có những tình huống rất phản cảm nhưng trọng tài không rút thẻ, phải tới khi dư luận lên tiếng, Ban Kỷ luật VFF mới đưa ra án phạt nguội, như vậy sẽ dẫn tới tiền lệ xấu”.

Cũng theo bình luận viên Quang Huy, lãnh đạo, HLV trưởng các CLB cần nêu gương cho cầu thủ: “Ở V-League, vẫn còn hiện tượng HLV trưởng hô hào cầu thủ đá hăng, đá chết bỏ, như vậy rất nguy hiểm”. Trong khi đó, cựu danh thủ Dương Hồng Sơn hiến kế, muốn xử lý triệt để vấn nạn bạo lực cần thời gian và phải làm từ gốc rễ. “Chúng ta thấy từ lứa U23 của Quang Hải, Công Phượng, Đình Trọng, cầu thủ đã chơi đẹp hơn rất nhiều. Để tạo ra thêm những thế hệ cầu thủ như vậy thì công tác đào tạo trẻ phải đặt giáo dục đạo đức lên hàng đầu. Các lò đào tạo phải giáo dục cho cầu thủ ý thức tôn trọng nghề nghiệp, tôn trọng đồng nghiệp, từ đó sẽ có những ứng xử phù hợp trên sân”, ông Sơn nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.