Từ ngày 25/5, TP Dĩ An ban hành quyết định điều chỉnh giao thông, trong đó cấm ô tô lưu thông một chiều trên các tuyến đường Nguyễn An Ninh, Lý Thường Kiệt, Cô Bắc, Cô Giang.
Mặc dù chính quyền thành phố cho biết "đã lấy ý kiến của người dân, Mặt trận Tổ quốc và đã khảo sát", song dư luận vẫn không ngừng phản ứng. Trên các diễn đàn mạng xã hội của Bình Dương, nhiều ý kiến cho rằng không biết thành phố hỏi ý kiến ai, cần công khai kết quả khảo sát, khảo sát những ai, địa chỉ như thế nào?
Thực tế, trên các tuyến đường mới cấm ô tô một chiều, không xảy ra ùn tắc trong tất cả các ngày trong tuần. Thời gian trước đó, trong giờ cao điểm, khi học sinh chưa nghỉ hè, chỉ có một số điểm qua trường học, chợ là đông đúc và đôi khi tắc cục bộ.
Trong khi đó, lộ trình thay thế lòng vòng, qua nhiều khu dân cư. Đáng nói, việc cấm đường bốn làn xe để buộc ô tô đi vào đường hai làn xe nhỏ hẹp không thuyết phục được nhiều người.
Một bạn đọc đã gửi ý kiến ngay dưới các bài viết về phương án tổ chức này trên báo Giao thông: "Ai cũng hiểu, mục đích của việc điều chỉnh tổ chức giao thông là để tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông, hạn chế ùn tắc, tai nạn… Tuy nhiên, việc điều chỉnh không phù hợp, lộ trình thay thế không hợp lý có khi lại là nguyên nhân gây ra bất cập".
Trong các tuyến đường mà TP Dĩ An cấm ô tô một chiều, có hai tuyến là đường Cô Giang, cấm từ đoạn giao nhau với Nguyễn Thái Học - Nguyễn An Ninh và đường Cô Bắc, cấm từ đoạn Nguyễn An Ninh đến Nguyễn Thái Học. Cả hai tuyến này cấm ô tô từ 6 - 8h và từ 16 -18h, người dân rất ủng hộ. Lý do: các tuyến đường này chỉ cách nhau chừng trăm mét, kết cấu theo dạng bàn cờ nên cấm ô tô một chiều thuận tiện cho việc đi lại, lại giải quyết ùn tắc cục bộ.
Nhưng với hai tuyến đường Nguyễn An Ninh (từ đoạn giao với đường tỉnh 743 tới rạp hát Dĩ An) và đường Lý Thường Kiệt (đoạn giao với Nguyễn An Ninh đến Lê Quý Đôn) thì cấm ô tô một chiều không hợp lý.
Nên chăng cần cấm ô tô theo giờ, tại điểm giao cắt với đường sắt cần lắp camera giám sát phạt nguội ô tô đi sai làn, hoặc tăng cường lực lượng xử phạt hỗ trợ nhân viên đường sắt túc trực gác chắn thay vì cấm toàn tuyến như hiện nay.
Điều đáng nói, sau khi cấm ô tô một chiều, nhiều thời điểm phóng viên ghi nhận ô tô đi vào đường cấm như chưa hề có bất cứ thay đổi nào.
Việc này khiến dư luận đặt câu hỏi: Việc cấm có thực sự cần thiết hay không? Công tác tổ chức giám sát giao thông ở địa phương thế nào? Nếu biển cấm "treo cho có" sẽ làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật, giảm hiệu quả tuyên truyền an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Việc phân luồng, điều tiết giao thông với bất cứ tuyến đường nào đều có những tác động nhất định đối với đời sống người dân và doanh nghiệp... Vì vậy, để đưa ra quyết định cấm phương tiện lưu thông cần có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, thực thi quyết liệt, nghiêm minh.
Chỉ khi các bước được thực hiện một cách chuẩn chỉ, khoa học thì hiệu quả của việc điều tiết giao thông mới phát huy tác dụng.
Còn nếu trả lời như một lãnh đạo UBND TP Dĩ An rằng "trong thời gian triển khai cấm đường, nếu thấy không phù hợp sẽ xem xét lại", e rằng không thuyết phục.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận