Tài chính

Cách tiết kiệm tiền điện mùa nắng nóng

02/06/2021, 09:42

Hóa đơn tiền điện tăng vọt giữa mùa nắng nóng và dịch bệnh Covid-19, xử lý cách nào?

img

Hóa đơn tiền điện của nhiều gia đình tăng vọt giữa thời điểm nắng nóng lại hạn chế ra ngoài để phòng chống dịch bệnh

Dù mới chớm bước vào mùa nắng nóng, song hóa đơn tiền điện của nhiều gia đình đã tăng vọt. Nguyên nhân một phần do giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn áp biểu giá lũy tiến 6 bậc thang, trong khi nhu cầu sử dụng cũng cao hơn. Đại diện EVN khuyến cáo nhiều giải pháp để người dân có thể tiết kiệm được tiền điện trong mùa nắng nóng.

Tiêu dùng điện tiết kiệm, cách nào?

Để hóa đơn tiền điện của khách hàng không tăng vọt như năm trước, ông Bùi Trung Kiên khuyến cáo, khách hàng cần chủ động theo dõi lượng điện sử dụng hàng ngày, có giải pháp tiết kiệm để giảm khả năng hóa đơn tiền điện tăng “sốc”.

Bởi, theo ông Kiên, việc theo dõi hàng ngày sẽ giúp phát hiện sớm được những sai sót không đáng có trong việc ghi số điện thanh toán.

Khi thời tiết nắng nóng tiêu thụ điện của máy lạnh, điều hòa tăng cao, chiếm từ 28 - 64%, thậm chí chiếm đến 80% chi phí điện của cả gia đình. Lúc này, tiết kiệm sẽ hạn chế việc phải trả quá nhiều tiền ở bậc giá cao...

Tương tự, ông Nguyễn Trọng Phụng, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cũng cho rằng cần biết “mẹo” sử dụng để giảm tiền điện.

“Nghiên cứu và thực nghiệm cho thấy, khi nhiệt độ ngoài trời tăng 10 độ C thì tiêu thụ điện của điều hòa tăng 2 - 3%. Do đó, cần để mức nhiệt độ tốt nhất là từ 26 - 28 độ C. Bởi, để nhiệt độ thấp sẽ làm cho điều hòa chạy liên tục, gây tốn điện và không bảo đảm sức khỏe. Ngoài ra, sử dụng thêm quạt sẽ giúp tiết kiệm điện khoảng 2 - 3% điện năng so việc bật điều hòa ở mức nhiệt thấp hơn”, ông Phụng lưu ý.

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã chính thức triển khai công cụ ước tính sản lượng điện tiêu thụ trong sinh hoạt cho tất cả các khách hàng sử dụng điện năng trên toàn quốc. Các thiết bị cơ bản được đưa ra tính toán như bếp điện, tủ lạnh, đèn chiếu sáng…; Thiết bị tiêu thụ nhiều điện như điều hòa nhiệt độ, máy giặt, máy sấy quần áo, lò nướng…

“Thông qua công cụ tính toán, khách hàng sẽ ước tính được điện năng tiêu thụ trong 1 tháng là bao nhiêu số điện (kWh) dựa trên những thiết bị điện có trong gia đình. Qua đó, khách hàng có thể điều chỉnh thói quen, hành vi sử dụng điện của mình để việc sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm, đặc biệt vào những thời điểm xảy ra thời tiết nắng nóng cực đoan”, EVN thông tin.

Về tình trạng nhân viên ngành điện cập nhập sai chỉ số khiến cho nhiều gia đình “bật ngửa” với hóa đơn tiền điện như năm ngoái, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN nhận định, việc ghi sai chỉ số công-tơ đã giảm khi số lượng công-tơ điện tử hiện chiếm hơn 60%, thay vì tỷ lệ 52 - 54% của năm ngoái. Trong đó, một số đơn vị tại TP HCM, miền Trung và Hà Nội có số lượng công-tơ điện tử đã chiếm trên 90%.

Theo ông Lâm, việc lắp công-tơ điện tử sẽ giúp minh bạch chỉ số điện khi ưu điểm là độ chính xác cao, người dân cũng có thể xem chỉ số thông qua các ứng dụng của ngành điện, giám sát lượng điện sử dụng hàng ngày.

Hỗ trợ tiền điện đợt 3: Sao người dân không được hưởng chính sách?

Dù nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng cao trong những ngày qua phần lớn là do thời tiết nắng nóng, tuy nhiên, việc người dân phải ở nhà để thực hiện các biện pháp phòng dịch đã khiến họ thêm khó khăn khi công việc gián đoạn, thu nhập thấp.

Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nên đưa người dân vào đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ trong phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 đang được Bộ Công thương xây dựng.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nếu lần này giảm giá điện cho người dân, cơ sở sản xuất sẽ có ý nghĩa rất lớn khi đây là thời điểm quan trọng để phục hồi kinh tế.

Vị này đánh giá, với nhiều doanh nghiệp chế biến, sản xuất những mặt hàng thiết yếu thì việc giảm chi phí tiền điện đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được hàng tỷ đồng.

Hơn nữa, đây là thời điểm các doanh nghiệp đều đang chạy đua để sản xuất, kinh doanh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% đã đặt ra.

Đưa ra con số cụ thể, ông Thịnh cho rằng, đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, mức giảm giá nên từ 5 - 10%, còn với các cơ sở cách ly tập trung, mức giảm cần cao hơn, thậm chí có thể miễn tiền điện từ 1 - 2 tháng cao điểm.

Còn theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, người dân đang rất khó khăn, nếu mất việc làm, giảm thu nhập lại phải chi thêm khoản tiền điện tăng cao. “Giảm giá điện là biện pháp thiết thực nhất hỗ trợ người dân thời điểm này”, ông Ngãi nói.

Tiêu thụ điện tăng vọt, nhiều người phải trả tiền điện giá cao

Số liệu thống kê mới nhất của Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) cho thấy, từ cuối tháng 4 đến nay, sản lượng điện tiêu thụ của TP duy trì ở mức cao, có thời điểm đạt 90,69 triệu kWh/ngày, vượt mốc kỷ lục 90,03 triệu kWh vào tháng 4/2019. Sản lượng bình quân ngày trong tháng 5 đạt 81,94 triệu kWh, vượt 46% so với bình quân ngày của tháng 2. Nếu tính theo tuần từ ngày 10 - 16/5 thì bằng 153% bình quân tuần của tháng 2.

Tương tự, tại Hà Nội, dù chưa có thống kê chi tiết nhưng Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) cho biết, tiêu thụ điện những ngày tháng 5 đã tăng mạnh so với những tháng trước. Cụ thể, bình quân lượng điện tiêu thụ một ngày trong tháng 5 (tính đến ngày 21/5) là 66,071 triệu kWh, tăng 17,7% so với bình quân tháng 4/2021, có thời điểm đạt gần 90 triệu kWh.

Báo cáo của EVNHCMC cũng chỉ rõ, việc tiêu thụ điện đạt mốc kỷ lục cộng với yếu tố “nhảy” bậc theo thang giá điện là nguyên nhân gộp khiến cho tiền điện các kỳ tháng 4, 5 tăng cao so với kỳ tháng 3. Trong đó, các trường hợp tiêu thụ từ dưới 200 kWh/tháng đã tăng lên trên 200kWh/tháng ứng với các bậc thang giá cao từ bậc 4 - 6 có mức tăng hơn 150% với bậc 1.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc EVNHCMC cho biết, có hơn 880.000 khách hàng trên địa bàn TP có hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng trên 1,3 lần so với tháng trước và 220.000 khách hàng có hóa đơn tiền điện tháng 5 tăng trên 1,3 lần so với tháng 4.

Đáng chú ý, có đến 41,52% khách hàng sinh hoạt có mức tiêu thụ điện “nhảy” sang bậc thang giá cao từ bậc 5 trở lên (giá từ 2.834 - 2.927 đồng/kWh).

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Bộ Công thương cho biết, Bộ này đang nghiên cứu các phương án hỗ trợ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Đồng thời, sẽ chỉ đạo, đôn đốc EVN thực hiện đồng bộ các giải pháp bao gồm tiết kiệm chi phí thường xuyên, các khoản chi không cấp thiết khác tại các Tổng công ty Điện lực, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các đơn vị thuộc EVN để không gây áp lực tăng giá điện vào các năm sau.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.