Xã hội

Cách tính bồi thường cho người bị kết án tử hình oan

12/08/2016, 19:29

Liên ngành tư pháp T.Ư đã công bố công khai xin lỗi đối với ông Trần Văn Thêm

7

Ông Trần Văn Thêm tại buổi công bố xin lỗi

Sáng 11/8, tại thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, liên ngành tư pháp T.Ư đã công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi đối với ông Trần Văn Thêm (80 tuổi, ngụ Bắc Ninh).

Thống nhất số tiền bồi thường qua thương lượng

Thay mặt cơ quan tố tụng nói lời xin lỗi, Phó chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội Trần Văn Tuân nhận đây là lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng, trực tiếp điều tra, truy tố, xét xử sơ và phúc thẩm vụ án vào giai đoạn năm 1970. “Đây là bài học đắt giá. TAND Cấp cao tại Hà Nội chân thành xin lỗi ông và xin rút kinh nghiệm, mong ông Thêm và gia đình thông cảm, chấp nhận. Ngay sau ngày hôm nay, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ khẩn trương giải quyết những yêu cầu bồi thường cho ông Thêm theo đúng quy định của pháp luật”, ông Tuân cho biết.

Trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Vũ Lợi cho biết, ông cùng các cộng sự sẽ tiếp tục làm đơn cho ông Thêm gửi các cơ quan chức năng để yêu cầu được bồi thường oan sai theo quy định của pháp luật. Trước hết, mức bồi thường về mặt tinh thần sẽ được tính theo mức 160.000 đồng/ngày tù oan. Bên cạnh đó, ông Thêm còn được bồi thường các khoản thiệt hại khác bao gồm: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; Thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khỏe; Chi phí thực tế người bị thiệt hại đã bỏ ra trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp sức khỏe bị xâm phạm... Nguyên tắc bồi thường phải được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường với người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ. Như vậy, số tiền thực tế ông Thêm được bồi thường còn phải chờ các cơ quan chức năng và bản thân ông Thêm, đại diện của ông Thêm thống nhất qua quá trình thương lượng.

Từng yêu cầu được chết càng nhanh càng tốt

Việc đầu tiên ông Thêm làm khi về tới nhà là đặt bản Quyết định đình chỉ điều tra bị can lên bàn thờ tổ tiên và thắp ba nén hương. Ông lặng lẽ vái lạy và đứng lặng trước bàn thờ một hồi lâu. Ông Thêm nhớ lại: “Bố tôi trước khi chết còn nhìn thẳng vào mặt tôi mà rên: “Thằng giết người kia tránh xa tao ra”. Vậy là bố ông về với tổ tiên vẫn cứ nghĩ rằng con mình là một kẻ sát nhân máu lạnh. Còn bà con trong xóm, ngoài làng thì nghĩ rằng ông đã đút lót tiền để được ra tù. Không một tờ giấy trong tay, không một chứng cớ thì làm sao ông có thể giải thích cho bà con hiểu, trong khi xét xử ông, người ta đã tổ chức mở phiên tòa ngay tại sân kho có hàng trăm người tới dự. Tại phiên tòa đó, bản án tuyên ông tội giết người, cướp của với mức tử hình được tuyên án trước sự chứng kiến của mọi người. Vì vậy mà khi còn ngồi trong tù, ông Thêm từng yêu cầu được chết càng nhanh càng tốt.

“Tôi cứ nghĩ rằng, cuộc đời mình sẽ phải chịu nỗi oan khiên cho đến khi chết, nhiều lúc tuyệt vọng, tôi đã từ bỏ ý định nhưng nghĩ về người cha đến lúc chết vẫn không tin tôi vô tội, tôi quyết tâm phải tìm bằng được công lý cho mình”, ông Thêm xúc động nói.

Khi được hỏi về yêu cầu bồi thường, ông Thêm lặng đi một hồi rồi nói: “Thực sự đến tận bây giờ tôi mới được giải oan là quá muộn, cuộc đời tôi, gia đình tôi không có cơ hội ngẩng mặt lên chỉ vì nỗi oan ức của tôi. Nhưng dù sao, được giải oan là tôi mãn nguyện rồi. Mấy chục năm chịu án oan giết người, mất cả anh em, hàng xóm, bạn bè. Con cái thì không khá được vì điều tiếng thì giá trị vật chất nào đền bù lại cho tôi được? Tôi muốn được minh oan không phải mong được đền bù mà chỉ muốn mọi người hiểu được tôi không phải là kẻ giết người thôi”, ông Thêm nghẹn ngào.

Ngồi tù oan 5 năm, 6 tháng, 7 ngày

Ông Trần Văn Thêm bị cáo buộc sát hại ông Nguyễn Khắc Văn tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (cũ) đêm 21/7/1970. Sau hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, ông Thêm bị tuyên phạt tử hình về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Ngày 26/1/1976, ông Thêm được trả tự do vì cơ quan điều tra xác định được thủ phạm của vụ án. Trước đó, hai bản án kết tội đã được Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao tuyên hủy để điều tra lại từ đầu.

Với thủ phạm sát hại ông Văn, do bối cảnh đất nước sau chiến tranh nên cơ quan chức năng chưa đưa ra xét xử. Đầu những năm 1980, thủ phạm đã chết. Bộ Công an cho rằng, đây là lý do vụ án bị kéo dài đến nay và ông Thêm chưa được cơ quan có thẩm quyền nào xác định vô tội. Từ tháng 4/2015, vụ án của ông Thêm được lật lại.

Theo cơ quan tố tụng, ông Thêm phải chịu cảnh tù oan trong 5 năm, 6 tháng, 7 ngày (khoảng 2.015 ngày).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.