Thời sự

Cái gì luật không cấm thì cho dân làm!

14/11/2014, 09:48

"Trong lĩnh vực dân sự, luật càng ít thì khoảng không tự do của con người lại càng nhiều. Cái gì luật không cấm thì phải cho xã hội, cho dân làm". Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu...

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên thảo luận chiều 13/11 về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên thảo luận chiều 13/11 về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Dân được làm những gì luật không cấm

Bộ trưởng Tư pháp cho biết, DN cũng là tổ chức được hình thành trên cơ sở Bộ luật Dân sự nhưng vừa qua khi góp ý về Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, tranh luận mãi mà vẫn chưa ngã ngũ. Nếu Quốc hội thông qua mà DN là tổ chức kinh tế chỉ nhằm mục đích kinh doanh cũng là rất khó. Vì Bộ luật Dân sự quy định hai loại một là tổ chức pháp nhân, một loại vì lợi nhuận và loại thứ hai không vì lợi nhuận. Đây chính là cái nền để từ đó Luật Doanh nghiệp quy định thế nào để bao quát được điều đó.

“Việc xác định người chuyển giới cũng thế. Tâm tư của tôi cái gì luật không cấm thì phải cho xã hội, cho dân làm. Nếu cấm trong nước ta thì người ta sang các nước như: Thái Lan, Singapore, Campuchia làm… Vấn đề là nếu họ vi phạm pháp luật thì giam ở đâu? Cần phải nhìn thẳng vào thực tế. Khổ nỗi, Bộ luật Dân sự hiện hành mới chỉ cho xác định lại giới còn nếu “nổ” ra chuyện chuyển giới thì lại là vấn đề khác. Tôi rất sợ xã hội không chấp nhận thôi, chứ chấp nhận thì luật không cấm thì công dân được làm và cho người ta chuyển giới", Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.

Người đứng đầu Bộ Tư pháp cũng cho rằng, đừng để một bộ luật lớn như thế này mà 10 năm phải sửa một lần (năm 1995 có bộ luật, 2005 sửa và lần này lại sửa hoàn toàn). Như thế môi trường pháp lý đầu tư, kinh doanh, cuộc sống của người dân đảo lộn.

Các bạn trẻ thời gian qua đã rất nỗ lực trong chiến dịch ủng hộ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới
Các bạn trẻ thời gian qua đã rất nỗ lực trong chiến dịch ủng hộ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới

Luật chung và luật chuyên ngành đang vênh nhau

Theo đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh, về nguyên tắc tất cả tài sản phải đăng ký sở hữu, dự thảo Bộ luật Dân sự tôn trọng tính chuyên ngành của các luật khác. Ví dụ Luật Nhà ở đang có câu chuyện xác lập quyền sở hữu không đúng với Bộ luật Dân sự cũ. Vì thế, Bộ luật mới sửa đổi cũng cần tôn trọng những gì đã có trong Luật Nhà ở. Bất cập theo như Luật Nhà ở quy định chuyển quyền sở hữu quá rộng và không chặt chẽ dẫn đến trật tự xã hội đảo lộn, bất ổn định trong quan hệ xã hội cũng như trong các giao dịch.

Đồng tình quan điểm này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, Luật Dân sự để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tài sản của công dân... Đây là bộ luật chung, tất cả các chuyên ngành phải căn cứ vào bộ luật chung này để thể hiện. Trong Bộ luật Dân sự cũ có quy định quyền sở hữu của chủ sở hữu, nhưng lại ít quy định quyền liên quan đến chủ sở hữu. Ví dụ quyền sở hữu tài sản, đất đai... chưa được thể hiện trong Bộ luật này, cần sửa đổi.

Bộ luật cũng thiếu những quy định về các quyền khác đối với vấn đề tài sản. Điều 10 của Bộ luật Dân sự và các luật khác liên quan quy định đây là bộ luật chung điều khiển các quan hệ dân sự, nhưng ở khoản khác lại ghi việc điều chỉnh các quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể do các luật khác quy định. Quy định như vậy là vênh nhau.

Thế nào là xâm phạm đời tư?

Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), nhiều quyền nhân thân quy định nhưng không khả thi gây nhiều tranh cãi như quyền bí mật cá nhân. Xem báo chí thấy người A tiết lộ người B, nói về diễn viên này, ca sỹ kia, xâm phạm bí mật đời tư. Nhưng tòa án không có căn cứ giải quyết vì không biết đến mức độ nào là xâm phạm bí mật đời tư.

Luật lần này lại chưa khắc phục được những bất cập này. Hiến pháp mới quy định bí mật đời sống riêng tư và bí mật cá nhân… nhưng vẫn còn chung chung và khó giải quyết. Hiến pháp đưa ra khái niệm bí mật gia đình, nhưng đây có phải là quyền nhân thân, cần phải xác định rõ trong Bộ luật Dân sự sửa đổi lần này.

Anh Thiện

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.