Bất động sản

Cái kết nào cho mối bất hòa đang xảy ra tại Coteccons?

27/06/2020, 14:11

Không chỉ mới đây mà từ 2019, nhà đầu tư - cổ đông lớn của Coteccons đã lên tiếng “tố” ban tổng giám đốc làm việc không hiệu quả, sở hữu chéo...

img
Coteccons - một cái tên lẫy lừng trong lĩnh vực xây dựng bị nhà đầu tư, quỹ đầu tư, ban kiểm soát tố hàng loạt các sai phạm.

Sở hữu chéo… cùng với lợi nhuận lao dốc

Mới đây, dư luận bất ngờ trước việc Coteccons - một cái tên lẫy lừng trong lĩnh vực xây dựng bị nhà đầu tư, quỹ đầu tư, ban kiểm soát tố hàng loạt các sai phạm, điều hành không hiệu quả, yêu cầu chủ tịch và tổng giám đốc phải rút khỏi vị trí ghế nóng.

Bắt đầu là việc quỹ đầu tư Red River đang bỏ vốn vào Coteccons bày tỏ không hài lòng về cách điều hành của ban quản trị hiện nay. Kế đến là The8th Pte. Ltd cũng là một nhà đầu tư lớn đã công khai đề nghị đưa nội dung bãi miễn tư cách Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Coteccons hiện tại thành một mục riêng trong kỳ họp đại hội cổ đông sắp tới.

Nhưng mâu thuẫn chỉ thực sự được đẩy lên đỉnh điểm khi mới đây Công ty Kusstocem Pte. Ltd., một công ty có trụ sở tại Singapore là một trong những cổ đông lớn nhất và lâu dài tại Coteccons đang giữ 17,55% cổ phần đã tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để biểu quyết về việc thay đổi Hội dồng quản trị hiện tại.

Đặc biệt chính Ban kiểm soát (BKS) đương thời của Coteccons cũng làm đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng, tố cáo hàng loạt hành động trái luật pháp của ban lãnh đạo Coteccons.

Theo BKS Coteccons báo cáo gửi đến Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM ngày 5/6, cho rằng ban lãnh đạo Coteccons vi phạm hàng loạt các quy định, trong đó có việc cắt xén, chỉnh sửa sai sự thật trong báo cáo của BKS. Đặc biệt là nội dung liên quan đến sự lũng đoạn của ban lãnh đạo đương thời.

Sự việc đáng báo động đó là việc Coteccons đã thành lập các công ty khác có cùng lĩnh vực cho người nhà, họ hàng… đứng tên. Việc thành lập hàng loạt công ty khác nhau và sở hữu chéo, trong đó đưa người nhà và người của Coteccons sở hữu cổ phần nhưng không công bố theo quy định của pháp luật. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm quyền lợi của công ty cũng như quyền lợi của cổ đông.

Cụ thể ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện theo pháp luật của Coteccons đồng thời là cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons với tỷ lệ sở hữu là 49%. Vợ ông Dương là bà Huỳnh Thị Tuyết Ngọc, là cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần BM Windows với tỷ lệ sở hữu là 60%. Ông Nguyễn Minh Hoàng, con ông Nguyễn Bá Dương, là cổ đông sáng lập Công ty TNHH Boho Decor với tỷ lệ góp vốn 40%.

Ông Nguyễn Xuân Đạo, em của ông Nguyễn Bá Dương, tham gia vào các công ty khác nhau như cổ đông sáng lập của Newtecons, với tỷ lệ sở hữu là 34%...

Song song đó, lợi nhuận của Coteccons bất ngờ giảm mạnh trong năm 2019 với chỉ 711 tỷ đồng, trong khi đó lợi nhuận năm 2018 là 1.510 tỷ đồng. Kết quả lợi nhuận quý I/2020 cũng được cho là thấp nhất trong 5 trở lại đây.

Trùng với thời điểm 2017, 2018, việc làm ăn của Coteccons chững lại, thì Centralcons một cái tên mới nổi trong ngành xây dựng liên tục gặt hái những thành công với tốc độ tăng trưởng chóng mặt.

Centralcons cũng là một nhà thầu, do ông Trần Quang Tuấn làm Chủ tịch Công ty. Ông Tuấn đã từng là cựu Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực xây lắp người đồng hành cùng Coteccons. Ông Tuấn rời Coteccons vì lí do gì cho đến nay vẫn là một ẩn số.

Thế nhưng dù sinh sau đẻ muộn hơn Coteccons nhưng khi mới ra đời vào năm 2017, Centralcons có ngay dự án đầu tay đình đám như Vinhomes Riverside The Harmony và sau đó trúng thầu loạt công trình khủng của các chủ đầu tư Phát Đạt, SSG Group hay BIM Group. Những cái bắt tay cùng Vingroup - một khách hàng truyền thống của Coteccons khiến cho các nhà đầu tư Coteccons đứng ngồi không yên.

Các nhà đầu tư Kusstocem Pte. Ltd., Red,.. cổ đông liên tục đặt câu hỏi về lợi nhuận trong 2 năm trở lại đây và hàng loạt các vấn đề khác. Trong khi đó cũng có ý kiến cho rằng, đây chỉ là một chiêu thức để khiến các nhà đầu tư ngoại thâu tóm DN Việt.

Ban tổng giám đốc Coteccons nói gì?

Ông Nguyễn Sỹ Công - Tổng giám đốc Coteccons cho rằng với vốn điều lệ chỉ hơn 792 tỉ đồng, trong nhiều năm qua Coteccons là đơn vị xây dựng hiếm hoi từng lọt vào top những DN có lợi nhuận trên 1.000 tỉ đồng nhiều năm liên tiếp. Năm 2019 là năm rất khó khăn, nhưng công ty vẫn đạt lợi nhuận sau thuế 710 tỉ đồng, xấp xỉ vốn điều lệ cũng là nỗ lực lớn.

Những phát ngôn như kết quả hoạt động của Coteccons thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng là do vấn đề về quản trị… là những nhận định chung chung, thiếu khách quan, không có căn cứ mang tính bôi nhọ danh dự của ban Điều hành.

“Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Coteccons đã và đang được vận hành theo những thông lệ quản trị tốt nhất, tuân thủ đúng quy định của pháp luật”, ông Công cho biết.

Ông Công cũng khẳng định, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc và tất cả các cấp quản lý sẵn sàng lắng nghe ý kiến từ các cổ đông, và cũng sẵn sàng chuyển giao vị trí của mình cho những ứng cử viên do cổ đông lớn tiến cử với điều kiện ứng cử viên đó có đủ uy tín và năng lực để dẫn dắt công ty phát triển lâu dài, bền vững.

Theo chuyên gia kinh tế Dương Hảo, việc có hay không chuyện các nhà đầu tư ngoại bắt tay "lật đổ" ban tổng giám đốc để thâu tóm DN Việt vẫn là câu chuyện về cổ phần cần phải xem xét rất kỹ.

Tuy nhiên ở góc độ khác, với các nhà đầu tư, các cổ đông quyền của họ là yêu cầu ban tổng giám đốc phải làm việc hiệu quả hơn để đem về lợi nhuận cao chứ không phải là lợi nhuận giảm tới 50% so với năm trước.

“Trong khi đó các đối thủ từng là những người có liên quan đến Coteccons lại tăng tốc ngay trong chính bối cảnh được cho là “khó khăn”, vậy nhà đầu tư nội hay nhà đầu tư ngoại đều có quyền đặt nghi vấn và đặt yêu cầu cho ban điều hành.

Được biết, Công ty Cổ phần xây dựng Coteccons là đơn vị xây dựng hàng đầu Việt Nam được thành lập vào năm 2004 với vốn điều lệ ban đầu là 15.2 tỷ đồng.

Chỉ sau 15 năm, Coteccons đã có 10 năm liên tiếp đứng đầu khối DN tư nhân ngành xây dựng. Tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân hàng năm luôn tăng trên 40%. Vốn điều lệ Công ty hiện nay đạt mức 792.55 tỷ đồng gấp 52 lần so với thời điểm ban đầu.

Coteccons đã trở thành tổng thầu của những dự án lớn như toà nhà The Landmark 81 (toà nhà cao nhất Việt Nam và top 10 thế giới tại thời điểm thi công), nhà xưởng sản xuất ô tô Vinfast (hoàn thành chỉ sau 8.5 tháng), dự án Nam Hội An (giá trị hơn 7,000 tỷ đồng)...

Coteccons nhiều năm liền lọt top 50 công ty đóng thuế nhiều nhất Việt Nam. Lợi nhuận năm 2019 là hơn 792 tỉ đồng, lợi nhuận năm 2018, 2017 dao động từ 14.000 - 15.000 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.