Showbiz

Cải lương kinh điển Nàng Xê Đa được làm lại sau gần 30 năm có gì hấp dẫn?

15/01/2021, 17:06

Sân khấu cải lương bắt đầu nóng lên với dự án phục dựng vở cải lương thần thoại Campuchia “Nàng Xê Đa”.

img

Các nghệ sĩ tập luyện vở Nàng Xê Đa

Sau một thời gian đìu hiu, sân khấu cải lương bắt đầu nóng lên với dự án phục dựng vở cải lương thần thoại Campuchia “Nàng Xê Đa”. Đây từng là vở cải lương kinh điển những năm 80 của thế kỷ trước với hơn 1.500 suất diễn.

Làm mới nhưng không phá truyền thống

Vở cải lương kinh điển “Nàng Xê Đa” của hai kịch gia Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ được tác giả Thể Hà Vân chuyển thể sang cải lương vào những năm 80 thế kỷ trước.

Một vở diễn từng làm nức lòng các sân khấu phía Nam hồi ấy được lấy từ tích một câu chuyện dân gian của Campuchia, nói về cuộc đời của nàng Xê Đa khi làm hoàng hậu trong triều đại vua Prime.

Chuỗi ngày tăm tối và sóng gió của nàng bắt đầu khi vua Prime bị vua Quỷ che mờ lý trí cho rằng vợ mình không chung thủy, buộc Xê Đa phải chứng minh sự trong trắng của mình bằng cách đưa nàng lên giàn hỏa thiêu…

Kịch bản gốc mà các đoàn chèo miền Bắc dựng có tên “Nàng Si Ta”, nhưng bản chuyển thể cải lương của tác giả Hà Vân đã lấy tên “Nàng Xê Đa”.

Cuối năm 1982, vở cải lương ra đời và đã xác lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu, có sức sống mãnh liệt khi trụ hơn một thập niên trên sàn diễn không ngừng nghỉ. Vở diễn đầu tiên ấy do đạo diễn Đoàn Bá dàn dựng, gắn liền với dàn nghệ sĩ gạo cội như: Thanh Vy, Phương Quang, Hoàng Tri… Sau khi cải lương xuống dốc, vở này đã không được diễn lại hay có thêm bản dựng mới nào sau năm 1993.

Gần 30 năm trôi qua, soạn giả Hoàng Song Việt quyết định bỏ tiền túi đứng ra làm nhà sản xuất, phục dựng lại vở diễn kinh điển này.

Ông cho biết, thế hệ khán giả mới nếu xem bản cũ chỉ là thông qua bản quay của đài truyền hình. Thời gian đã quá lâu, bản quay này thậm chí không được đẹp bằng một phần so với xem trực tiếp trên sân khấu.

“Tôi muốn làm lại để khán giả ngày nay biết được có một tác phẩm đặc sắc như thế. Vở cũ được đầu tư chỉn chu về mọi mặt. Chúng tôi không dám mong sánh vai được với vở cũ nhưng chắc chắn không làm nhếch nhác, đánh mất giá trị của vở diễn”, soạn giả gạo cội nói.

Ông cũng mong muốn các nghệ sĩ trẻ có điều kiện tôi luyện, bộc phát khả năng tiềm ẩn. Trong bối cảnh sân khấu cải lương thiếu các tác phẩm chất lượng và được đầu tư chỉn chu, nếu các nghệ sĩ trẻ không được cọ sát với những vai diễn có sức nặng, sẽ khó có thể có một lớp kế cận thay thế các thế hệ nghệ sĩ cũ.

Gọi là phục dựng lại vở “Nàng Xê Đa” nhưng phiên bản 2021 lại mang nhiều điểm mới, từ kịch bản, trang phục tới thiết kế sân khấu.

Theo đó, ê-kíp thực hiện vở do NSƯT Hoa Hạ làm đạo diễn sẽ đào sâu và gia cố công phu hơn ở nhiều lớp diễn. Vẫn là nội dung về câu chuyện cuộc đời của nàng Xê Đa nhưng hình thức thể hiện có nhiều điểm khác biệt.

Cụ thể, nhiều phân đoạn trước đây, các nghệ sĩ chủ yếu dùng thoại để diễn tả tính chất của lớp kịch thì bây giờ, diễn viên sẽ diễn cho ra nội dung bằng hình thể, vũ đạo. Như vậy, diễn viên không chỉ hát mà còn phải múa nhiều hơn. Điều này đòi hỏi diễn viên phải linh hoạt, nỗ lực trong cả về chất giọng lẫn thể lực, sự đầu tư để có thể đáp ứng được yêu cầu.

Phiên bản cải lương trước đây có thời lượng khoảng 4 tiếng thì ở phiên bản mới, kịch bản sẽ được cắt gọt, bỏ bớt các chi tiết rườm rà để thời lượng chỉ dài hơn 2 tiếng.

Trang phục, cảnh trí và âm nhạc đều làm mới toàn bộ. Để phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả ngày nay, phần âm nhạc được nhạc sĩ Thanh Liêm sáng tác đặc biệt khi vẫn dựa trên chất liệu nhạc của Campuchia nhưng cách hòa âm phối khí, tempo mang hơi thở âm nhạc đương đại.

Điều này để giúp phần âm nhạc được trẻ hóa nhưng không phá truyền thống. Ngoài ra, sân khấu và cảnh trí cũng có đổi mới. Mặc dù ít được bật mí nhưng được biết, sân khấu lần này có sử dụng công nghệ 3D để làm tăng chiều sâu, tạo sức cuốn hút mãn nhãn về phần nhìn cho vở diễn.

Mạo hiểm giao “kép chính” cho diễn viên trẻ

“Nàng Xê Đa” thập niên 80 của thế kỷ trước đã làm vang dội một lớp “cây đa, cây đề” trong nghệ thuật cải lương sân khấu phía Nam.

Ở phiên bản mới cũng có sự tham gia của dàn nghệ sĩ nổi tiếng như NSƯT Phượng Loan, Tú Sương, Lê Trung Thảo và nhiều khuôn mặt nghệ sĩ trẻ như Võ Minh Lâm, Cao Thúy Vy, Hoàng Quốc Thanh, Nguyễn Minh Trường...

Với mục tiêu để các nghệ sĩ trẻ có cơ hội trau dồi diễn xuất, bảng phân vai lần này đầy trúc trắc khi những vai quan trọng được giao cho các diễn viên trẻ.

Còn một số các NSƯT đảm nhận các vai phụ để nâng đỡ đàn em. Vốn quen thuộc với các vai đào chính nhưng ở vở diễn lần này, NSƯT Tú Sương sẽ đảm nhận vai phản diện là Nữ quỷ. Võ Minh Lâm vào vai kép chính - vua Prime.

Riêng vai đào chính nàng Xê Đa được giao cho ba nghệ sĩ là Lê Hồng Thắm, Cao Thúy Vi và NSƯT Phượng Loan, thể hiện theo ba giai đoạn của nhân vật. Trong đó, nghệ sĩ Phượng Loan đóng phần cuối để làm đà nâng cho hai diễn viên trẻ trước.

Theo nghệ sĩ Cao Thúy Vi, cô thấy may mắn khi được giao vai diễn quan trọng nhưng cũng áp lực vì đây là vai nặng ký.

Cô không chỉ phải diễn cho ra nội tâm nhân vật mà còn phải thể hiện các điệu múa Khơme. Để tập và diễn được vai này, Thúy Vi hàng ngày phải miệt mài tập vũ đạo và diễn xuất, nhờ đạo diễn và các bạn diễn hướng dẫn, theo sát trong từng lớp kịch.

Cô khẳng định, bản thân phải bỏ công sức, thời gian, trí tuệ gấp 3 lần bình thường mới có thể tiếp cận được vai diễn này.

“Cô Thanh Vy và các cô, chú khác đã diễn quá hay. Vả lại, tôi cũng chưa giỏi về dạng tuồng thần thoại, sử, tuồng cổ vì có vũ đạo. Tôi là người lớn lên từ giải Chuông vàng vọng cổ, chưa có nhiều kinh nghiệm và vốn nghề về diễn xuất nên còn nhiều thứ phải học.

Đó là áp lực không nhỏ”, nữ nghệ sĩ trẻ tâm sự. Dù vậy, Thúy Vi tin tưởng khi mình đầu tư và làm nghề nghiêm túc thì khán giả sẽ dần đón nhận và yêu thương, cho các diễn viên trẻ có cơ hội được thể hiện mình nhiều hơn.

Giao các vai quan trọng cho diễn viên trẻ là một bài toán cân nhắc, bởi họ phải đủ bản lĩnh để thay thế các bậc nghệ sĩ đi trước.

Theo soạn giả Hoàng Song Việt, ông cùng ê-kíp không chọn ngôi sao vào vở diễn vì muốn các nghệ sĩ trẻ đứng được trong vở và tạo được dấu ấn riêng. Sở dĩ vở có nhiều điểm mới vì ê-kíp không muốn khán giả so sánh các diễn viên với những nghệ sĩ trước đây.

“Chúng tôi muốn khi xem các diễn viên trẻ thể hiện, khán giả sẽ thấy sự nỗ lực của họ để đem tới diện mạo và sức sống mới cho các vai diễn. Thậm chí, tôi không xác định sẽ thu hồi được vốn mà điều “lời” nhất chúng tôi có được sau vở diễn là sân khấu cải lương sẽ có 5 - 7 diễn viên trẻ trưởng thành”, ông tâm sự.

Ước tính, kinh phí cho “Nàng Xê Đa” phiên bản mới khoảng 700 triệu đồng và do các nghệ sĩ tự đóng góp. Theo dự kiến, vở sẽ chính thức công diễn tại Nhà hát Bến Thành vào ngày 30/1/2021, sau đó trở lại diễn tại nhà hát Trần Hữu Trang. Dự dịnh, vở sẽ tái diễn 1 tháng 1 lần trong suốt năm 2021.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.