Điện ảnh

Cải lương mới sống nhờ vở cũ

26/03/2019, 07:24

Những vở cải lương nổi tiếng được tái hiện trên nhiều sân khấu theo hình thức hiện đại đang được nhiều nhóm nghệ sĩ, sân khấu XH hóa thực hiện.

img
NSƯT Vũ Luân và NSƯT Tú Sươg trong vở Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài

Chuyện xưa lên sân khấu thời nay

Vừa qua, vở cải lương nổi tiếng Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài được diễn tại rạp Trần Hưng Đạo (TP HCM) đã chật kín khán giả. 500 ghế của nhà hát không còn một ghế trống và nhà hát phải kê thêm ghế phụ. Mỗi khi nhân vật bước ra là khán giả reo hò, vỗ tay. Vở diễn do NSƯT Vũ Luân - NSƯT Tú Sương đảm nhận vai chính đã mang tới hơi thở mới cho một tác phẩm vốn quen thuộc với khán giả của cải lương miền Nam. Phần nhạc được phối mới từ nhạc chuyển cảnh, nhạc cầu hôn… Sân khấu cũng được thiết kế với màn hình led, bài trí cảnh trí đơn giản nhưng ấm áp, gần gũi.

“Ông bầu” - NSƯT Vũ Luân chia sẻ, ý tưởng dựng lại các kịch bản nổi tiếng sau khi anh thấy sân khấu xã hội hóa ở TP HCM xuống dốc. Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài là vở mở màn cho chuỗi dự án dựng lại những kịch bản cải lương kinh điển mà anh đang thực hiện. Sắp tới, anh sẽ lên kế hoạch dựng các vở như: Gánh cải Trạng Nguyên, Bức ngôn đồ Đại Việt, Giang sơn mỹ nhân, Tiếng hạc trong trăng…

Cùng với nghệ sĩ Vũ Luân, NSƯT Kim Tử Long cũng chuẩn bị tái diễn vở cải lương Mạnh Lệ Quân tại rạp Công Nhân. Nghệ sĩ Kim Tử Long tâm sự, nếu vở cũ dài hơn 3 tiếng thì lần này, anh đã cắt gọt những phần dài dòng, gói gọn bằng lời ca để vở chỉ còn thời lượng 2 tiếng rưỡi. Sân khấu được trang trí màn hình led, trang phục được thiết kế mới hoàn toàn. Trước đó, vở Xử án Phi Giao anh diễn cùng NSƯT Ngọc Huyền cũng được viết mới nhiều khúc nhạc, có thêm một số đoạn mới. Nếu trong vở cũ, chỉ có hai cảnh Anh Tôn gặp Phi Giao thì vở mới có thêm tình tiết để hai nhân vật gặp nhau trong 4 đại cảnh. Vở đã “cháy vé” khi diễn tại Nhà hát Hòa Bình vào tháng 12/2017 và dự kiến sẽ tái diễn vào tháng 4 tới.

Tái dựng cải lương kinh điển không còn là câu chuyện mới với sân khấu cải lương. Những vở diễn được ra đời cách đây hàng chục năm và vẫn có sức sống lâu bền qua nhiều thế hệ, với hàng chục, hàng trăm bản dựng như: Tô Ánh Nguyệt, Lan và Điệp… NSƯT Vũ Luân nhìn nhận, những vở cũ thường dễ bán vé vì khán giả đã quen thuộc và nắm được một phần nội dung. Tuy nhiên, dựng vở từ những kịch bản cải lương kinh điển để được khán giả yêu thích cũng gian nan vì phải vượt qua được cái bóng của vở trước. Nghệ sĩ phải làm sao để khán giả không thấy bóng dáng của nghệ sĩ từng đóng đinh với vai diễn đó, nên từ cách ca, vũ đạo, trình diễn, phục trang, cảnh trí… đều phải mới mẻ.

Luẩn quẩn những kịch bản cũ

Thời kỳ hoàng kim của cải lương đã qua và hiện nghệ sĩ của sân khấu cải lương đang tìm cách “chiến đấu” với các loại hình giải trí khác trong trận chiến giành khán giả. Tái dựng cải lương nổi tiếng một thời là một trong những cách ấy. Nghệ sĩ Vân Hà nhìn nhận, nghệ sĩ thường rất thích tập những vở cũ vì đó là những kịch bản đã đi vào lòng người. Chưa kể, kịch bản là cái tên lớn lại rất dễ bán vé. Ngoài ra, dựng vở cũ cũng đỡ tốn kém hơn vì đã có kịch bản sẵn. Làm một vở mới nguyên bản thì phải đặt viết kịch bản, làm nhạc mới tốn kém hơn.

Về điều này, nghệ sĩ Vũ Luân cho rằng, những kịch bản cải lương xưa thường được tác giả viết bằng con tim khối óc, dựa trên kinh nghiệm sống và cuộc sống con người. Khán giả xem sẽ thấy mình đâu đó trong vở diễn nên họ thương và yêu luôn nhân vật. Còn hiện nay, tác giả chủ yếu là người trẻ, không có nhiều trải đời và kinh nghiệm sống nên không có được những vở đi vào lòng người. Anh đánh giá, tái dựng vở cũ thực tế chỉ là cách làm tạm thời và các nghệ sĩ cũng đang trăn trở điều này. Có những đơn vị làm vở mới nhưng không bán vé được nên phải mời, miễn phí mà khán giả cũng không đến.

Đồng quan điểm, theo NSƯT Kim Tử Long, dựng vở từ những kịch bản cũ sẽ rút ngắn thời gian tập luyện và dàn dựng, khoảng 2-3 tuần đã có thể ra vở. Những vở nổi tiếng đã có tên tuổi nên khi đưa tên ra công chúng đã có sức hút nhất định, lại không phải đầu tư nhiều chất xám. Trong khi đó, làm một vở mới phải tốn thời gian và công sức đầu tư kịch bản, dàn dựng, trang phục, diễn viên phải tập từ đầu nên sẽ mất khoảng 2-3 tháng mới xong. Đó cũng là lý do các đoàn cải lương xã hội hóa hay đoàn công lập thường quanh quẩn làm lại những vở “vang bóng một thời”.

“Khi không ai dám mạo hiểm đầu tư thì muốn cải lương có những tác phẩm mới, cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Không thì với tâm huyết của các nghệ sĩ, trước mắt phải kéo được khán giả đến với sân khấu, mới hay cũ tính sau. Nhưng kể cả làm vở cũ mà không có diễn viên ngôi sao thì cũng không thể bán vé, trong khi hiện nay, để tập hợp được các nghệ sĩ ngôi sao cũng không đơn giản”, NSƯT Kim Tử Long cho hay.

Trước câu hỏi việc dựng những kịch bản cải lương cũ theo hình thức sân khấu mới có gây ảnh hưởng tới cải lương gốc, đạo diễn - NSƯT Trần Ngọc Giàu cho hay, không cần quá lo lắng về điều này. Bởi, cần làm vở hay hơn thì vẫn làm được. “Vì điều kiện sân khấu cải lương ngày xưa không được như ngày nay về âm thanh, ánh sáng… Khán giả ngày nay cũng đã khác khán giả xưa, họ sống trong thời đại công nghệ số nên có những đòi hỏi khác và sân khấu cũng cần phải ứng dụng. Vấn đề là đạo diễn cần phải tìm hình thức mới thế nào để truyền tải một câu chuyện cũ, sao cho công chúng hôm nay tiếp nhận được”, đạo diễn - NSƯT Trần Ngọc Giàu chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.