Điện ảnh

Cải lương và nỗi lo “tre già, măng chưa mọc”

23/03/2023, 07:21

Những nghệ sĩ cải lương gạo cội qua đời để lại niềm tiếc thương với người hâm mộ. Nhưng từ đây, nỗi lo “tre già, măng chưa mọc” lại hiển hiện.

“Đỏ mắt” tìm diễn viên trẻ

Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, số lượng diễn viên trong độ tuổi 20 - 25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỷ lệ 5,6%, độ tuổi từ 25 - 30 chỉ chiếm 42,3%. Trong khi đó, các hình thức đào tạo đội ngũ diễn viên sân khấu cải lương vẫn đang rơi vào thế khó nhiều năm qua.

img

Sân khấu cải lương chứng kiến sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực kế cận trong nhiều năm qua

Dù chưa có thông báo chính thức, nhưng thông tin Khoa Kịch hát dân tộc - Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh (SKĐA) TP.HCM không tuyển sinh từ năm 2023 khiến dư luận xôn xao.

Trong bối cảnh phát triển của công nghệ, hội nhập văn hóa, đời sống của sân khấu cải lương cũng bị ảnh hưởng. Các nghệ sĩ trẻ ít được biểu diễn trực tiếp, sự tôi luyện trực tiếp bằng vai diễn trên sân khấu không được nhiều. Áp lực mưu sinh kéo họ phải tham gia ở gameshow, đám tiệc, hội chợ.
Thiếu sự trau dồi, rèn nghề khiến họ mang màu sắc giống nhau, thiếu sự độc đáo và dấu ấn cá nhân. Thế hệ nghệ sĩ cải lương hiện nay cũng không còn tạo được những làn sóng yêu mến thần tượng như những thế hệ đi trước.

Đạo diễn, NSƯT Lê Nguyên Đạt

Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng Trường Đại học SKĐA Hà Nội cũng “than trời” khi công tác tuyển sinh Khoa Kịch hát dân tộc rất vất vả, khó tổ chức tuyển sinh trực tiếp nhiều năm qua.

Đội ngũ tuyển sinh của trường phải rong ruổi đến tận các tỉnh, thành phố, trường học, tới các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên... chỉ mong tìm được thí sinh.

Ngay cả khi Chính phủ có quy định miễn giảm 70% học phí với học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc, cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc, tình hình cũng không mấy khả quan.

Theo khảo sát, công tác tuyển sinh ngành diễn viên cải lương của hai trường đại học nói trên rơi vào tình trạng năm có, năm không.

Như trường Đại học SKĐA Hà Nội, năm nay chỉ đặt chỉ tiêu 10 sinh viên, năm ngoái thậm chí còn không có trong đề án tuyển sinh.

Ngoài hình thức đào tạo chính quy, đội ngũ sân khấu cải lương còn được đào tạo theo hình thức truyền nghề - “cha truyền con nối” hoặc bán chính quy theo phương thức xã hội hóa do các nhà hát, đơn vị văn hóa tổ chức. Cùng với đó là các lò đào tạo của một số nghệ sĩ.

Tuy nhiên, đến nay, các lò đào tạo một thời như: Nhà hát Trần Hữu Trang, Đồng Ấu Bạch Long - nơi khai sinh ra các tên tuổi trẻ như: Quế Trân, Tâm Tâm, Vũ Luân, Tú Sương… không còn hoạt động sôi nổi như trước.

Điều này cho thấy, công tác đào tạo đa số còn dựa vào những cá nhân hay những dự án có tính chất thời vụ chứ không lâu dài, khoa học. Trong khi đó, tính chính quy, đồng nhất và khoa học đã được thực hiện rất bài bản trong công tác đào tạo của các ngành diễn viên điện ảnh, sân khấu kịch, truyền hình.

Không riêng công tác đào tạo, tuyển sinh, đạo diễn Nguyễn Thanh Hiệp cũng không giấu được xót xa khi ngay cả các cuộc thi tuyển chọn giọng ca và diễn viên cải lương tổ chức hàng năm hoặc cách hai năm một lần như Giải Bông lúa vàng, Giải Chuông vàng vọng cổ, Giải Giọng ca cải lương Nguyễn Thành Châu… vẫn đang “hụt hơi” vì thiếu lực lượng thí sinh, cực khó tìm kiếm được giọng ca hay.

Có bột mới mong gột nên hồ

img

Sân khấu Sen Việt vừa trình làng vở "Kiếp tằm" - phiên bản mới của vở cải lương thử nghiệm "Nhật thực" Ảnh: Ngân Anh

Là người nhiều năm gắn bó với công tác đào tạo đội ngũ diễn viên trẻ, đạo diễn, NSƯT Lê Nguyên Đạt - Trưởng khoa Kịch hát dân tộc, Đại học SKĐA TP.HCM cho rằng, “có bột mới mong gột nên hồ”. Nghệ sĩ đề xuất, các hình thức đào tạo phải được cải tiến từ khâu đầu vào - đầu ra và công tác đào tạo.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Anh Tuấn, quản lý Sân khấu Idecaf khẳng định: “Chúng ta đừng bắt khán giả mua vé xem cải lương để bảo tồn, trong khi chúng ta diễn quá dở. Muốn diễn hay, làm hay thì khâu đào tạo phải tốt, phải có giáo trình chuyên nghiệp”.

Không riêng đội ngũ diễn viên, đạo diễn Lê Nguyên Đạt thừa nhận, hiện đang cạn kiệt nhân lực về tất cả các chuyên môn như: Âm thanh, ánh sáng, sân khấu, thày dạy hóa trang, chuyên gia chuyên sâu về nghệ thuật cải lương… để có thể hoàn thiện một hệ thống sân khấu chuyên nghiệp.

Do đó, cần kết hợp thực hành truyền nghề và đào tạo theo phương pháp sư phạm; ứng dụng công nghệ để tạo sự sinh động và hình thái mới cho sân khấu, bao gồm cả phần nhìn, phần nghe.

Phân tích thêm về vấn đề giáo trình đào tạo, NSƯT Lê Nguyên Đạt cho hay: “Thế hệ nghệ nhân theo thời gian đang ngày một xa rời con cháu, thì việc tổng kết học tập kinh nghiệm thanh nhạc, diễn xuất của các nghệ nhân cần được đẩy mạnh khai thác bằng nhiều hình thức (thu âm, ghi hình, sưu tầm, khảo cứu…), làm sao có được hệ thống tài liệu căn bản về kinh nghiệm luyện giọng, luyện hơi, kỹ thuật ca hát, xướng âm, kỹ thuật diễn”.

Đã qua rồi thời hoàng kim của sân khấu cải lương, song vị đạo diễn không cảm thấy bi quan, vì ông vẫn thấy được đội ngũ nghệ sĩ nhiệt huyết và đam mê, là gạch nối trong công tác bảo tồn, phát triển môn nghệ thuật truyền thống.

“Thế nhưng, tự thân các đơn vị, nghệ sĩ nỗ lực thôi chưa đủ, họ cần sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều phía của các bộ, ngành, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục... Đó là những chính sách đồng bộ, dài hơi, kịp thời, từng bước tái tạo sức sống cho các sân khấu cải lương. Khi đó, nghệ sĩ mới không phải gậm ngùi: “Muốn thêm của thì sắm cày. Muốn ăn mày thì lập gánh hát”.

NSND Trần Ngọc Giàu Chủ tịch Hội sân khấu TP.HCM)
Thay đổi tư duy về tiền - lương cho nghệ sĩ cải lương

Thời kỳ đỉnh cao của cải lương (khoảng những năm 1960 - 1980), gần như tỉnh nào ở phía Nam cũng đến cả chục đoàn cải lương. Thời điểm đó, để có một vai diễn chính, nghệ sĩ phải trải qua nhiều năm gắn bó với đoàn, bắt đầu tìm kiếm cơ hội từ những vai rất nhỏ. Thậm chí, có người rong ruổi theo đoàn hát từ những năm 13 - 14 tuổi. Họ phải trau dồi trong khoảng 15 năm mới có cơ hội đoạt huy chương.

Hiện nay, khi cải lương thoái trào, số lượng suất diễn giảm chỉ còn 1/3 (là nhiều) so với trước, nhiều đoàn cải lương chuyên nghiệp “khai tử” nhưng lại tồn tại nghịch lý về lực lượng nghệ sĩ biểu diễn.

Đó là thực trạng cải lương hiện nay lấy giọng ca là chủ đạo vì sàn diễn không còn, diễn xuất không được chú trọng. Thay vì tìm học nghề ở các đơn vị đào tạo uy tín, dày công luyện tập từ các vở diễn, họ lại tìm danh tiếng bằng cách học các trích đoạn để tham gia cuộc thi không chuyên, gameshow cải lương…

Trong khi đó, không ít nghệ sĩ thật sự đam mê với nghề lại có cuộc sống chật vật. Gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến họ bị phân tâm với nghề vì phải phân bổ thời gian, làm thêm các công việc khác để “nuôi” đam mê. Còn với những nghệ sĩ trẻ, kể cả khi được đào tạo, nhưng các đơn vị chưa đảm bảo được đầu ra.

Trước đây, khi nhiều đoàn cải lương nở rộ họ còn có cơ hội, giờ, nhiều người lấy bằng xong rồi cũng không biết đi đâu về đâu. Đó mới chỉ nói về những vấn đề đầu vào - đầu ra, chưa bàn đến chất lượng đào tạo.

Do đó, Nhà nước cần phải có chính sách phù hợp đối với nghệ sĩ cải lương. Tôi nghĩ, chúng ta nên thay đổi tư duy về vấn đề tiền - lương đối với họ.

Tức là, Nhà nước trả lương để nghệ sĩ làm văn hóa, gìn giữ lưu truyền bản sắc văn hóa, chứ không phải “nuôi” nghệ sĩ. Còn khán giả, là người trả tiền để nghệ sĩ biểu diễn, phục vụ bằng sản phẩm nghệ thuật. Quan điểm Nhà nước “nuôi” nghệ sĩ làm cho cho nghệ sĩ không thấy có trách nhiệm, người trả tiền cho nghệ sĩ dường như cũng có gánh nặng.

Tất nhiên, đi kèm với việc chi trả đó phải đi kèm với các quy chuẩn như: Nghệ sĩ phải diễn hay, hát giỏi, phát huy giá trị văn hóa trong bối cảnh hiện nay… chứ không chỉ dừng ở việc một bên “phải” trả, một bên “phải” làm cho xong. Có như vậy, nghệ sĩ mới toàn tâm toàn ý cống hiến và sống được với nghề.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.