Xã hội

Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên, chuyên gia môi trường nói gì?

22/09/2020, 18:39

Theo các chuyên gia, sông Tô Lịch có giá trị lịch sử quan trọng và muốn làm "hồi sinh" phải thực hiện nhiều bước, lâu dài và mất nhiều công sức.

img
Hình ảnh mô phỏng “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch”.

Liên quan đến đề xuất cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” của CTCP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) đánh giá đây là một ý tưởng tốt và có tính khả thi.

Theo GS. Huỳnh, sông Tô Lịch trước đây rất trong, rất đẹp, nhưng trải qua hàng nghìn năm khi Hà Nội ngày càng đông dân với lượng nước thải lớn xả ra môi trường, sông Tô Lịch trở thành một dòng nước đen. Do đó, cần phải có giải pháp để biến dòng sông “chết” này “sống” trở lại.

Ngoài ra, Hà Nội vẫn luôn khát vọng về môi trường xanh, sạch, đẹp, để mọi người được hưởng thụ, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng cũng như du khách khi đến Hà Nội có một không khí trong lành, là điểm đến lý tưởng.

"Với tư cách là nhà nghiên cứu sinh thái học, tôi hoàn toàn tin tưởng vào đề án này. Nếu dự án thành công sẽ không chỉ xử lý được vấn đề môi trường mà còn biến dòng sông Tô Lịch đi vào tâm thức của mỗi người.

Tất nhiên, không có việc gì dễ làm bởi sông Tô Lịch đã quá ô nhiễm nên bây giờ làm lại phải kiên trì. Vừa làm, vừa học, vừa cải tạo bởi điều kiện khí hậu, môi trường ở Việt Nam khác với Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhưng qua công nghệ của họ, chúng ta sẽ cải tiến dần để đạt được mục đích cuối cùng là biến dòng này thành một công viên văn hóa, một địa điểm du lịch của Hà Nội", Nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật chia sẻ.

img
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam).

Còn theo GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường, sông Tô Lịch có giá trị lịch sử vô cùng quan trọng. Vì vậy, muốn làm "hồi sinh" lại dòng sông phải thực hiện nhiều bước, lâu dài và mất nhiều công sức.

"Tôi được biết, bản thân đơn vị này đã có kinh nghiệm về thí điểm xử lý nước trên sông Tô Lịch. Kết quả sơ bộ nhờ công nghệ Bio-Nano Nhật Bản giúp lớp bùn đáy đã giảm khoảng 40-50%. Đây là tiền đề để chúng ta tiếp tục thực hiện kết quả bước đầu này và song song đồng bộ với các dự án khác của Hà Nội.

Hy vọng rằng ý tưởng sẽ được hiện thực hóa. Đặc biệt, từ phía Nhật Bản cũng đang hỗ trợ một số dự án trong vấn đề xử lý nước thải môi trường tại Việt Nam", GS.TS Trần Hiếu Nhuệ bày tỏ.

img
GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường.

Trước những băn khoăn về việc thực hiện dự án cần lựa chọn đội ngũ các chuyên gia am tường để tham vấn ngay từ đầu, tránh để tình trạng xây dựng lên nhưng không đúng, phía công ty JVE cho biết, đơn vị này và tổng thầu Nhật Bản nắm được quy trình rất rõ. Sau khi được Thành phố phê duyệt chủ trương cho phép thực hiện sẽ thực hiện các bước tiếp theo như mời các đơn vị liên quan vấn đề tham vấn yếu tố liên quan đến lịch sử, cảnh quan kiến trúc; Yếu tố môi trường, thoát nước, thoát lũ chống ngập; Yếu tố liên quan đến thủ tục về vốn, định mức tài chính, thủ tục liên quan giữa Việt Nam - Nhật Bản...

"Chúng tôi sẽ nghiên cứu và mời các đơn vị tham dự những hội thảo được tổ chức bài bản, thận trọng để cuối cùng cùng đạt được mục tiêu chung là làm sống lại, hồi sinh và khẳng định vị thế của dòng sông đã gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến", ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT JVE nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.