Tài chính

Cạm bẫy bủa vây người vay ngân hàng mua ô tô

26/05/2016, 10:24

Nhiều trường hợp người vay bị ngân hàng tịch thu ô tô thế chấp vì không đủ khả năng trả nợ.

11

Người vay tiền mua ô tô nên nhờ tư vấn trực tiếp để tính toán các khoản phải trả hợp lý trên cơ sở thu nhập để tránh rủi ro - Ảnh: Khánh Linh

Chọn gói nào khi vay ngân hàng mua ô tô?

Thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng (chưa kể thu nhập của vợ cũng xấp xỉ), anh L.N.P. ở Thanh Trì đang tìm mua xe có giá dưới 500 triệu đồng, trả góp trong 5 năm. Liên hệ với một cửa hàng bán xe khu vực Q Cầu Giấy (Hà Nội), anh P. được tư vấn khá nhiều gói vay của gần 40 ngân hàng, trong đó có cả ngân hàng nước ngoài. Theo đó, hầu hết các gói vay lãi suất đều từ 6 - 8%/năm cố định trong 6 - 12 tháng đầu.

Gói vay có lãi suất thấp nhất là 5%/năm cố định trong 6 tháng đầu, sau đó sẽ thả nổi theo lãi suất thị trường với giá trị vay 100% giá trị xe. Điều khiến anh P. lăn tăn đây là ngân hàng nhỏ, lãi suất cho vay tiêu dùng của ngân hàng này hiện ở mức khá cao. Tính toán chi tiết, anh P. vay 500 triệu đồng trong 5 năm, trừ 6 tháng đầu lãi suất ưu đãi 5%/năm còn lại 54 tháng sau anh P. phải chịu lãi suất thị trường hiện khoảng 11 - 12%/năm. Như vậy, từ tháng thứ 7, anh P. phải trả tổng cộng suýt soát 13 triệu đồng/tháng gồm cả tiền gốc từng phần và tiền lãi hàng tháng. Còn nếu lãi suất cao hơn 12%/năm thì số tiền chi trả của anh P. sẽ cao hơn.

Theo nhân viên cửa hàng xe, một ngân hàng thương mại Nhà nước cũng mới áp dụng gói cho vay mua ô tô với hai lựa chọn, một là vay với lãi suất tối thiểu 7,5%/năm trong 6 tháng đầu, sau đó thả nổi hoặc lựa chọn vay với lãi suất 9,5%/năm trong hai năm đầu, sau đó lãi suất thả nổi.

“Liên hệ với ngân hàng để tư vấn thì họ bảo tùy khả năng tài chính của mình. Nếu có khả năng chi trả nhanh nên chọn gói có lãi suất 7,5%/năm, còn nếu vay trả góp trong dài hạn thì nên chọn gói lãi suất 9,5%/năm (cố định trong hai năm đầu). Trong hai năm đầu, tôi không phải lo lắng lãi suất sẽ bị điều chỉnh vì sắp tới rất có thể các ngân hàng sẽ nâng lãi suất cho vay”, anh P. nói.

Như vậy, nếu vay theo gói lãi suất 9,5%/năm của ngân hàng này, anh P. sẽ phải chi trả khoảng 12,3 triệu đồng gồm cả gốc từng phần và lãi mỗi tháng trong hai năm đầu. Sau hai năm này, anh P. sẽ trả theo lãi suất thả nổi. Rõ ràng, theo các mức tính toán ở trên thì anh P. khó có khả năng mua được ô tô mới có giá 500 triệu đồng bởi thu nhập của anh không đủ chi trả lãi và gốc hàng tháng.

Thu nhập 10 triệu, đừng… mơ mua ô tô mới

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, nam nhân viên tín dụng cá nhân một ngân hàng thương mại Chi nhánh Hoàng Quốc Việt (Q Cầu Giấy) cho hay, khi cho khách hàng vay mua ô tô, các ngân hàng đã tính toán rất cụ thể. Đơn cử như ngân hàng sẽ phải kiểm soát chặt thu nhập của khách hàng. Thông thường, khách hàng phải chứng minh được khoản thu nhập hàng tháng, khoản này phải hơn ít nhất gấp đôi mức chi trả mà khách hàng chịu được.

Ví dụ, khách hàng có thu nhập 20 triệu đồng/tháng, phía ngân hàng sẽ cho vay với khả năng chi trả tối đa là 10 triệu đồng/tháng. “Ngân hàng sẽ phải trừ đi các chi phí sinh hoạt của gia đình, tiền học cho con cái… trong tháng đó để đảm bảo khách hàng có khả năng trả nợ”, nhân viên này cho biết. Bên cạnh đó là tài sản thế chấp (thường là chính xe ô tô khách hàng vay tiền để mua). Hai điều này nhằm hạn chế rủi ro tăng nợ xấu của ngân hàng. Thực tế, có khá nhiều khách hàng do không trả được nợ nên ngân hàng buộc phải tịch thu tài sản thế chấp.

Hàng loạt ngân hàng triển khaigói cho vay mua ô tô

Techcombank hỗ trợ khách hàng vay vốn mua ô tô với lãi suất từ 7,99%/năm trong 3 tháng đầu với hạn mức 80% giá trị tài sản đảm bảo, thời gian giải ngân trong 48 giờ. PVcomBank cho vay tối đa đến 4 tỷ đồng, trong 60 tháng. VietcapitalBank cho vay tối đa 70% giá trị xe ô tô đối với tài sản đảm bảo là chính xe mua trong thời gian vay tối đa 60 tháng. VIB cũng cho vay 75% giá trị tài sản thế chấp và thời hạn vay lên đến 7 năm. TP Bank cho vay 100% giá trị xe trong thời hạn tới 5 năm, lãi suất là 7,8% trong 18 tháng đầu. Vietcombank cho vay 70% giá trị xe trong 5 năm với lãi suất 7,3%/năm hoặc MBBank cũng cho đối tượng có thu nhập từ 8 triệu đồng trở lên vay 100% giá trị xe trong thời hạn 96 tháng…

Được biết, khách hàng phải đối mặt với khá nhiều rủi ro khi vay tiền ngân hàng mua ô tô. Cụ thể, khả năng tài sản thế chấp gặp vấn đề khiến giá trị của khoản tài sản này giảm đi. Ví dụ, ô tô trị giá 500 triệu đồng trong thời gian thế chấp bị tai nạn, giá trị chiếc xe sẽ giảm còn 300 triệu đồng.

Khi đó, khách hàng sẽ phải ngay lập tức trả cho ngân hàng một phần khoản vay gốc để đảm bảo khoản vay còn lại tại ngân hàng còn đúng 300 triệu đồng, ngang giá trị của chiếc xe. Hoặc rủi ro khác là trong khoảng thời gian vay nợ, người vay thay đổi công việc dẫn tới thu nhập không đủ chi trả. Trong trường hợp này, khi đến hạn nếu không thanh toán được gốc và lãi ngân hàng sẽ tiến hành tịch thu xe thế chấp.

Ngoài ra, tăng lãi suất cũng là khả năng xảy ra rất lớn. “Khi xảy ra tình trạng trượt giá, tăng tỷ giá… thì các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất. Khoản vay thả nổi của khách hàng đương nhiên sẽ bị điều chỉnh theo”, nhân viên tín dụng cho hay. Chính vì thế, khách hàng phải tính toán kỹ trước khi quyết định vay ngân hàng để mua ô tô, nhất là với khách hàng mua ô tô không phải để kinh doanh.

TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc trường Đào tạo BIDV, cũng khuyến cáo người vay tiền ngân hàng để mua ô tô cần phải tính toán kỹ trước khi quyết định. Theo ông Lực, hiện ngân hàng có các nhân viên tư vấn, người mua nên đến các ngân hàng để nhân viên dựa trên điều kiện cụ thể về thu nhập và hoàn cảnh gia đình sẽ tính toán và tư vấn gói vay với gốc, lãi cụ thể phải trả từng tháng. Căn cứ vào đó, khách hàng hãy quyết định. “Ngân hàng sẽ không chấp nhận trường hợp có thu nhập bấp bênh bởi khả năng trả nợ cũng bấp bênh”, ông Lực nói. Cũng theo ông Lực, nếu chỉ có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng thì chỉ nên mua xe ô tô cũ khoảng 200 triệu đồng để phòng rủi ro.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.