Xã hội

Cấm cán bộ, công chức, viên chức chửi thề, dọa nạt khi giao tiếp với dân

18/03/2023, 12:03

Theo dự thảo Nghị định thì cán bộ, công chức, viên chức không chửi thề, không có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu.

Bộ Nội vụ đang tiến hành lấy ý kiến về dự thảo lần 2 Nghị định Ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ (BQTĐĐCV). Kèm theo Nghị định này là BQTĐĐCV gồm 5 chương, 25 điều.

img

Dự thảo quy tắc đạo đức công vụ quy định cán bộ, công chức, viên chức không được chửi thề, nói tiếng lóng, dọa dân (ảnh minh họa)

Đáng chú ý, tại Điều 9 của BQTĐĐCV (quy định về giao tiếp, ứng xử với tổ chức và công dân) thì cán bộ, công chức, viên chức phải có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, đúng mực.

Ngoài ra, ngôn ngữ giao tiếp phải rõ ràng, mạch lạc, văn minh, không chửi thề, không nói tiếng lóng, quát, dọa nạt; không có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, gây căng thẳng, bức xúc, gợi ý nhằm trục lợi cá nhân.

Đối với việc giao tiếp, ứng xử với cấp trên, Điều 11 BQTĐĐCV nêu rõ cán bộ, công chức, viên chức nghiêm chỉnh chấp hành sự chỉ đạo, điều hành và phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ.

Khi có căn cứ cho rằng quyết định của cấp trên trái pháp luật phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định, trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành phải chấp hành nhưng yêu cầu có ý kiến bằng văn bản và không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành đó, đồng thời báo cáo với cấp trên trực tiếp của người ra quyết định.

Đối với việc giao tiếp, ứng xử với cấp dưới, Điều 12 BQTĐĐCV quy định: Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gương mẫu trong giao tiếp, ứng xử, đạo đức, lối sống, công tác, giữ gìn đoàn kết nội bộ, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, chuyên nghiệp và thân thiện.

Ngoài ra, phải tôn trọng, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những đề nghị chính đáng của cấp dưới; không quan liêu, hách dịch, coi thường cấp dưới.

Mặt khác, cấp trên phân công nhiệm vụ cho cấp dưới rõ ràng, đúng người, đúng việc; không được chuyên quyền, độc đoán; thực hiện dân chủ, tôn trọng kinh nghiệm, tin tưởng, tạo điều kiện phát huy năng lực, sở trường, tính sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ.

Cấp trên không chỉ đạo cấp dưới làm việc không đúng với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cán bộ, công chức, viên chức và của cơ quan, đơn vị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.