Thời sự

Cảm động chào cờ ở Sân bay Lũng Cò

20/12/2015, 08:23

Tiếng nhạc Quốc ca vang lên tại Sân bay Lũng Cò, tất cả chúng tôi lặng người, nghiêm trang chào cờ, hát theo nhịp.

8
Các cán bộ lão thành của Cục Hàng không VN chào cờ trong chuyến thăm di tích Sân bay Lũng Cò

Dấu tích ít ỏi

Các cán bộ lão thành của Cục Hàng không Việt Nam vừa có chuyến tham quan di tích Sân bay Lũng Cò nằm trong Nha Công an T.Ư ở Xã Minh Thanh, Sơn Dương, Tuyên Quang. Ai cũng xúc động trước những dấu tích dù còn ít ỏi, chỉ là tấm bia ghi lại quá trình hoạt động gần hai tháng của sân bay và chiếc máy bay tiêm kích AD5 của Mỹ. Dấu tích rõ nhất là khe núi cất giấu máy bay, nay là con đường dân sinh đi làm đồng.

Trung úy Nguyễn Như Trang, Đội trưởng Đội hướng dẫn tuyên truyền Ban Quản lý Khu di tích Nha Cảnh sát T.Ư dẫn tôi đi dạo trên con đường đã được trải nhựa bằng phẳng, lọt thỏm giữa hai hàng cây thẳng tắp của núi rừng. Con đường dốc thoải, hướng ra phía Nam nơi cánh đồng mênh mông của xã Minh Thanh. Tuy thế nhưng địa thế rất kín đáo và phù hợp để cất giấu thiết bị quân sự.

Sân bay Lũng Cò cách căn cứ Tân Trào khoảng 10 km. Để xây dựng sân bay, khoảng 200 người dân tại các xã Thanh La, Trung Yên, Tân Trào, Tú Trạc và một đơn vị bộ đội đã được huy động và hoàn thành trong hai ngày.

Trung úy Trang bảo con đường đó trước đây là khe núi cất giấu máy bay trong gần hai tháng thời kỳ chống phát xít Nhật. Hồi đó con đường chỉ là hẻm núi nhỏ được ngụy trang dưới rừng cây rậm rạp để tránh bị phát hiện. Từ đây, máy bay được kéo ra đường băng dài khoảng 400 m, rộng 20 m để cất cánh.

Từ tháng 6/1945, Bác Hồ đã có tầm nhìn chiến lược để tăng cường hợp tác giữa lực lượng đồng minh và mặt trận Việt Minh. Hồi đó, quân ta cứu được phi công của Mỹ và trao trả lại. Đó là mối liên hệ đầu tiên, trên cơ sở đó Bác Hồ đã liên lạc trực tiếp gặp vị Tổng Chỉ huy Quân đoàn số 14 đại diện lực lượng đồng minh đóng tại Côn Minh, Trung Quốc. Hai bên thỏa thuận hỗ trợ nhau một số trang thiết bị quân sự, y tế và trang thiết bị quân sự sử dụng thông tin điện đài để chống Nhật.

Từ đó phát sinh nhu cầu cần thiết phải có sân bay dã chiến đón các trang thiết bị này. Bác Hồ đã chỉ đạo đồng chí Lê Giản và Đàm Quang Trung chọn địa điểm xây dựng. Sau khi khảo sát, quyết định chọn cánh đồng Lũng Cò làm sân bay. Trong vòng hơn một tháng sân bay hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đến 30/7/1945, khi chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc và phát xít Nhật có dấu hiệu đầu hàng thì sân bay không sử dụng nữa.

“Dù thời gian ngắn, nhưng ý nghĩa rất lớn bởi thông qua sân bay này mối liên hệ của chúng ta là một trong những mặt trận chống phát xít. Những người lính đồng minh đầu tiên đã nhảy dù xuống và hỗ trợ chống phát xít Nhật”, Trung úy Trang khẳng định.

Đặc biệt, chỉ trong vòng mấy ngày người dân và bộ đội đã hoàn thành một sân bay dã chiến, trong khi ta chưa có kỹ thuật cũng như kinh nghiệm làm sân bay bao giờ. Người dân và bộ đội phải vận chuyển đất, sau đó san, gạt, đập và lu lèn thành đường băng 400 m và rộng 20 m. Từ hướng Nam đi thẳng ra sân bay. Máy bay L5 chỉ nặng gần 1.000 kg có thể cất, hạ cánh an toàn.

Về số lượng chuyến bay và cất, hạ cánh tại đây, một số tài liệu chỉ ghi nhận có ba chuyến bay, nhưng một số tài liệu khác ghi khoảng trên chục chuyến bay. Bà con ở đây cũng ghi nhận hơn chục chuyến. Chuyến cuối cùng ngày 30/7/1945, vận chuyển những người lính cuối cùng của quân đồng minh.

Niềm mong mỏi của một vị tướng

Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh không quân bồi hồi nói với tôi, đây là lần đầu tiên đặt chân đến nơi này, càng thấm thía lịch sử ngành Hàng không hào hùng và anh dũng. Nơi đây còn thể hiện tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Bác Hồ, chủ động tổ chức sân bay dã chiến để đón máy bay của quân đồng minh, cũng là đóng góp của ta với quân đồng minh. Việc xây dựng sân bay này có ý nghĩa với quốc tế, ngành Hàng không dân dụng cũng cảm thấy tự hào bởi lẽ đây có thể coi là điểm khởi đầu của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam.

Thiếu tướng Hy nhớ lại năm 1957 khi đưa Bác Hồ về thăm quê hương tại sân bay Vinh, Bác có nói với các cán bộ rằng, ngành Hàng không là ngành kinh tế kỹ thuật nhưng nước ta còn nghèo, trình độ kỹ thuật còn thấp nên các chú phải cố gắng học tập, nâng cao trình độ để xây dựng ngành Hàng không tương lai hiện đại và văn minh.

Thật sự tôi cũng chưa hiểu vì sao một đường băng nhỏ bé chỉ dài 400 m và rộng 20 m nằm lọt thỏm giữa núi đồi sừng sững lại có thể đón máy bay cất hạ cánh an toàn. Như hiểu được thắc mắc của tôi, Thiếu tướng Hy giải thích Sân bay Lũng Cò tuy nhỏ bé nhưng có thể giúp máy bay nhỏ có động cơ cánh quạt cất cánh được. Hồi đấy chưa có rađa, để hướng dẫn máy bay có thể dùng khói hoặc cờ trắng làm hiệu.

Nay sân bay không còn nữa, dấu tích đường băng chỉ còn là những thửa ruộng màu mỡ, chín vàng của người dân xã Minh Thanh. Nếu không có tấm bia đá ghi lại ngắn gọn quá trình hoạt động của sân bay, chắc chắn không ai biết đây đã từng là sân bay dã chiến. Chia tay những người dân nơi đây, tôi cứ canh cánh câu nói của Thiếu tướng Phan Khắc Hy, đây là sân bay nhỏ nhưng ý nghĩa lớn đối với cả ngành Hàng không quân sự và dân sự. Giá như sân bay được khôi phục lại khuôn viên một sân bay thật như ngày xưa, rộng đủ 20 m và dài 400 m thì có ý nghĩa hơn rất nhiều.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.