Xã hội

Cảm ơn thày cũ

20/11/2016, 09:49

Thày Phạm Luận-người đã để lại trong nhiều thế hệ sinh viên khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Việt Bắc sự kính trọng...

10

Ảnh minh họa

Giã từ nghề giáo để trở thành một nhà báo nhưng dường như những gì được tiếp nhận từ một người thày tôi vô cùng mến phục vẫn luôn giúp tôi đứng vững trong cuộc đời. Đó là tấm gương của một người thày đã đủ dũng khí bước một lối đi khác với “dòng chảy” khi đó, vì các thế hệ học sinh một cách có trách nhiệm.

Những kiến thức và cả nhân cách sống mà thày đã tỏa bóng đủ kiến tạo cho thế hệ sinh viên chúng tôi những viên gạch tri thức đầu đời, giúp chúng tôi luôn biết nhìn cuộc sống bằng cái nhìn khách quan, mang dấu ấn cá nhân, chứ không phải bằng lăng kính của người khác.

Tôi muốn nhắc tới thày Phạm Luận - người đã để lại trong nhiều thế hệ sinh viên khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Việt Bắc sự kính trọng vẹn nguyên từ thời sinh viên cho đến khi thày đã đi xa, bởi thày là một trí thức hiếm có, thông minh, uyên bác mà khiêm tốn và nhân ái lạ lùng.

Thời tôi là sinh viên, các trường đại học đều tuân theo cách học máy móc phụ thuộc hoàn toàn vào giáo trình. Học sinh chỉ cần học “gạo” là được điểm cao. Nhưng thày Phạm Luận đã đi theo cách của riêng mình: Cho phép học sinh được sáng tạo và “đồng tác giả” trong các tác phẩm. Thày luôn khuyến khích sinh viên tư duy độc lập và bày tỏ quan điểm riêng trước các vấn đề. Bản thân thày cũng không bao giờ giảng bài rập khuôn theo các giáo trình đã soạn sẵn. Ở thời điểm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX mà dám làm điều đó, phải là người rất bản lĩnh.

hang thanh

Nhà báo Thanh Hằng

Hồi đó, khi phân tích các tác phẩm của Nguyễn Dữ, Nguyễn Khuyến… sách nào cũng nói rằng các ông chống phong kiến, chỉ có thày là nhìn bằng sự cảm thụ văn học riêng: Ở Nguyễn Dữ là cái nhìn nhân văn với người phụ nữ, còn Nguyễn Khuyến là sự rung cảm trước thiên nhiên…Vì thế, chúng tôi đã học được nhiều ở thày cách tiếp nhận tác phẩm văn học, đặc biệt là sự khách quan cần có khi phân tích các tác phẩm, mà rộng ra là cách nhìn nhận mọi sự việc. Khi làm bài, chúng tôi được bày tỏ quan điểm theo cách mình cảm nhận, đôi lúc còn mạnh dạn tranh luận với thày đến ngã ngũ mới thôi.

Chính thái độ tiếp nhận của thày trước phản ứng của trò làm tôi nhớ mãi và thấy mình may mắn khi được học các thày giáo không chỉ giỏi chuyên môn, mà luôn cố gắng giúp trò thể hiện khả năng của mình. Nhiều lúc tôi tự hỏi, nếu hơn 30 năm trước, các thày giáo không truyền đạt kiến thức cho chúng tôi một cách khoa học, thúc đẩy sự sáng tạo tiềm ẩn trong sinh viên, đặc biệt là gieo những hạt mầm nhân ái, không hiểu giờ này tôi sẽ ra sao? Chắc sẽ là một cô giáo trường làng chỉ biết máy móc rập khuôn năm này qua năm khác những bài giảng trong giáo trình, mà không cần thổi vào đó cả trí tuệ và tình cảm cần có?

Giờ đây, đôi khi tôi chợt thấy hoang mang về sự học của các sinh viên. Hơn 30 năm trước, các thày đã cho phép chúng tôi được chủ động và sáng tạo mà sao giờ nhiều trường vẫn duy trì cách dạy học cũ rích, biến sinh viên thành những sản phẩm thụ động trong tiếp nhận kiến thức, thay vì để các bạn trẻ được sáng tạo?

Không ít thày cô giáo dạy đại học, THPT vẫn bắt sinh viên học thuộc lòng giáo trình, chỉ được làm bài theo các tài liệu do chính các thày viết. Rất ít thày cô chấp nhận cho các bạn trẻ được nói tiếng nói riêng của mình. Thậm chí, có nơi, giáo viên trẻ hoặc sinh viên có quan điểm riêng trong nghiên cứu khoa học, lại bị cho là “cãi” thày”, là “trứng khôn hơn vịt”, để rồi “trù úm”.

Số người trẻ đủ dũng cảm, đủ hy sinh để tiếp tục bước đi theo con đường, theo phương pháp mà mình đã chọn, thật tiếc, chưa nhiều. Điều này đương nhiên đào tạo ra những lớp người thụ động, luôn sợ sệt trước mọi khác lạ.

Tình trạng “thày không ra thày” sẽ dẫn đến việc “trò không ra trò”. Nhiều thày cô biến nghề nghiệp cao quý thành thương mại, hoặc thày giáo lợi dụng học sinh, để mối quan hệ thày trò thành một cuộc bán mua đổi chác. Không thành tâm trong sự nghiệp trồng người, sẽ khó, hoặc không thể có được sự kính trọng từ học trò.  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.