Olympic 2021

“Cấm sex ở Olympic Tokyo 2021 là một trò cười”

29/07/2021, 06:00

Câu chuyện sex ở làng vận động viên các kỳ Olympic luôn là đề tài thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận quốc tế.

Đó là ý kiến của cựu vận động viên điền kinh người Đức Susen Tiedtke khi nhà tổ chức Olympic Tokyo 2020 khuyến cáo các vận động viên “không sex” trong thời gian diễn ra Thế vận hội.

img

Làng vận động viên tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Twitter

Phát bao cao su để… mang về

Câu chuyện sex ở làng vận động viên các kỳ Olympic luôn là đề tài thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận quốc tế. Truyền thống phát bao cao su cho các vận động viên bắt đầu từ Thế vận hội Seoul năm 1988.

Ban tổ chức đã phân phát 8,5 nghìn bao cao su trong sự kiện thể thao này. Những năm 80 cũng là thời điểm thế giới chứng kiến ​​sự gia tăng đáng báo động về số ca nhiễm HIV/AIDS. Các nhà tổ chức muốn việc quan hệ tình dục phải được diễn ra an toàn.

Con số bao cao su miễn phí qua mỗi kỳ Olympic đều tăng lên chóng mặt. Tờ Wionews tiết lộ, tại Olympic Sydney (Australia) 2000, Ban tổ chức ban đầu cung cấp 70 nghìn bao cao su nhưng sau đó phải bổ sung 20 nghìn chiếc vì nhận thấy nhu cầu quá lớn. Năm 2002, tại Thế vận hội mùa đông Salt Lake (Mỹ), 100 nghìn bao cao su được phát ra, dẫn tới một cuộc biểu tình của phe cánh tả.

Kỷ lục phát bao cao su cho vận động viên thuộc về Olympic Rio (Brasil) 2016 với 450 nghìn chiếc đến tay vận động viên. Chủ nhà Brasil tổ chức các cây ATM ở khắp làng vận động viên và thậm chí cắt cử nhân viên kiểm tra thường xuyên và lấp đầy chúng khi có dấu hiệu “cạn”.

Như vậy, có thể nói sex tại Olympic giống như một việc công khai trong vòng bí mật và mặc định được thừa nhận. Tuy nhiên, tại Olympic Tokyo 2021, giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang khiến nhiều quốc gia châu Á, gồm cả nước chủ nhà Nhật Bản lao đao, sex đem đến nguy cơ lây nhiễm không nhỏ.

Theo tờ New York Times, Ban tổ chức nước chủ nhà phát khoảng 150 nghìn bao cao su cho các vận động viên. Với khoảng 18 nghìn vận động viên tham dự, mỗi người sở hữu trung bình tới hơn 80 chiếc.

Tuy nhiên, Ban tổ chức cũng khuyến cáo, vận động viên không nên sử sụng trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Người vi phạm có thể bị phạt tiền, truất quyền thi đấu, thu hồi huy chương nếu bị phát hiện.

“Nhà tổ chức nói rằng, vận động viên nên mang bao cao su về nhà làm quà lưu niệm và sử dụng chúng để nâng cao nhận thức về HIV/AIDS”, New York Times cho hay. Cũng bởi động thái này mà chiếc giường bằng bìa carton tại làng Olympic được cho là nhằm hạn chế “vận động mạnh”.

Tuy nhiên, Airweave - đơn vị phụ trách sản xuất 18 nghìn chiếc giường khẳng định, dù làm bằng chất liệu bìa carton nhưng độ chắc chắn của nó thậm chí còn cao hơn giường bằng gỗ. “Chúng tôi sản xuất giường từ các nguyên liệu tái chế và sau Olympic chúng tôi tiếp tục tái chế giường để cho ra các sản phẩm khác”, đại diện Airweave cho biết.

Sex không thể thiếu ở Olympic

Theo tạp chí GQ, nhu cầu sex của các vận động viên thể thao cao hơn rất nhiều so với người không tập thể thao. Chính bởi vậy, mỗi kỳ Olympic, nơi tập trung hàng nghìn vận động viên từ các quốc gia khác nhau trở thành môi trường lý tưởng để sex lên ngôi. “Họ ở cùng nhau trong vòng 2 tuần gần như khép kín nên dễ hiểu khi sex trở thành công cụ giúp họ giải tỏa”.

“Thế vận hội mùa Đông ở Nga năm 2014 đã bị hủy hoại bởi các báo cáo về chỗ ở và cơ sở thể thao không như ý. Nhưng ứng dụng hẹn hò mới có tên Tinder đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tinder ra mắt trước đó vài năm nhưng chưa tạo được tiếng vang. Thế vận hội mùa Đông Sochi 2014 đã giải quyết vấn đề đó khi Tinder báo cáo lượng người dùng tăng 400% trong suốt thời gian diễn ra Olympic”, GQ cho hay.

Susen Tiedtke, một cựu vận động viên nhảy xa người Đức cho rằng, việc cấm sex trong làng vận động viên Olympic 2021 là một trò cười và nó không hề có tác dụng.

“Tình dục luôn là một vấn đề trong làng vận động viên. Các vận động viên hầu hết đang trong thời kỳ đỉnh cao thể lực tại Thế vận hội. Khi cuộc thi kết thúc, họ muốn giải phóng năng lượng của mình”, Tiedtke giải thích.

Susen Tiedtke còn chia sẻ, HLV khuyên vận động viên không nên sex trước khi thi đấu bởi nó khiến cơ thể rơi vào tình trạng nạp lại năng lượng, khó đạt phong độ cao nhất. Tuy nhiên, khi một vận động viên thi đấu xong thì lại là chuyện khác.

“Sau mỗi cuộc thi, những người bạn cùng phòng sẵn sàng nhường không gian cho bạn để giải quyết nhu cầu”, cựu vận động viên nhảy xa cho hay.

Nhưng Susen cũng cho biết, cô từng chứng kiến vận động viên sex vào ngay đầu giờ sáng: “Bạn dễ dàng nghe thấy tiếng “party” của những người khác, đôi khi nó khiến bạn khó ngủ. Việc quan hệ tình dục diễn ra thường xuyên, không kể giờ giấc. Uống rượu cũng khiến các vận động viên trở nên hưng phấn hơn trong chuyện ấy”.

Trong khi đó, Hope Solo, thủ môn tuyển bóng đá Mỹ, người từng giành 2 HCV Olympic chia sẻ với kênh truyền hình ESPN rằng, quan hệ tình dục cực kỳ phổ biến và nó giống như một sự kiện riêng tại mỗi kỳ Olympic.

“Tôi đã thấy mọi người quan hệ tình dục ngoài trời. Trên bãi cỏ, giữa các tòa nhà, nhà vệ sinh hay bất cứ chỗ nào có thể”.

Tất nhiên, sex ở Olympic không đơn thuần là chuyện qua đường. Nhiều cặp đôi đã bén duyên sau khi trở về từ Thế vận hội. Susen Tiedtke là một ví dụ điển hình. Cô hẹn hò với chồng mình - một vận động nhảy xa đồng hương sau Thế vận hội Barcelona năm 1992.

Sau Olympic Bắc Kinh (Trung Quốc) 2008, kình ngư người Mỹ Michael Phelps có thời gian dài hẹn hò với vận động viên bơi lội người Úc Stephanie Rice. Đáng tiếc sau đó cả hai đã đường ai nấy đi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.