Hồ sơ tài liệu

Campuchia “hùa theo” quan điểm phi lý của Trung Quốc về Biển Đông

22/06/2016, 18:07

Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố, Campuchia sẽ trung lập trong vấn đề Biển Đông, theo Kyodo News 20/6.

adaf03e9

Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố: "Campuchia không phải con rối của bất kỳ ai trong vấn đề Biển Đông". (Ảnh: Reuters)

Ông Hun Sen cho rằng, vấn đề Biển Đông là “một vụ tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc”. Quan điểm này không khác những gì mà Bắc Kinh từng “ra rả” trước đó, rằng nên tổ chức đàm phán song phương giữa các bên liên quan trực tiếp trong vấn đề Biển Đông, chứ tranh chấp Biển Đông “không phải vấn đề giữa ASEAN-Trung Quốc”. Điều này hoàn toàn đi ngược lại những tuyên bố chung và nguyên tắc đồng thuận của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp của trường Quản trị Hoàng gia ở thủ đô Phnom Penh hôm 20/6, Thủ tướng Campuchia Hun Sen thẳng thắn tuyên bố, Campuchia không phải là bên tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, giống như Philippines, Malaysia, Việt Nam và Brunei, do đó “sẽ không tham gia việc ủng hộ bất kỳ một tuyến bố chung nào ủng hộ phán quyết của Tòa quốc tế”.

“Philippines khiếu nại vụ việc lên Tòa quốc tế, đối đầu với Trung Quốc. Vậy tại sao chúng ta không để Philippines và Trung Quốc giải quyết những bất đồng của họ? Tại sao họ cần sự ủng hộ của ASEAN?”, Thủ tướng Campuchia nói mà dường như quên mất, Campuchia là một thành viên chính thức lâu năm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Không lâu nữa, Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague sẽ đưa ra phán quyết của mình về vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng, trong đó tố cáo các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh. Những phát ngôn của Thủ tướng Campuchia diễn ra chỉ chưa đầy 1 tuần sau Hội nghị đặc biệt các ngoại trưởng ASEAN-Trung Quốc diễn ra tại thành phố Côn Minh, miền Nam Trung Quốc. Tại đó, một tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông được ASEAN đưa ra và rút lại chỉ vài giờ sau đó, theo truyền thông quốc tế.

Tuyên bố chung từng phát đi bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về các hành động bồi đắp, xây dựng trái phép ở Biển Đông. Mặc dù không trực tiếp lên án Trung Quốc, song tuyên bố ám chỉ các hành động của Bắc Kinh “gây xói mòn lòng tin của các quốc gia trong khu vực”.

Kyodo News dẫn nguồn tin riêng cho hay, Campuchia và Lào có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc, phản đối cách thể hiện gay gắt của ASEAN đối với Trung Quốc. Trong đó, Lào là Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay, còn Campuchia thì bác bỏ việc nước này góp phần phá vỡ tuyên bố chung tại Hội nghị ở Côn Minh: “Làm ơn, các nước có tranh chấp Biển Đông, hay đến và nói chuyện với nhau, Campuchia sẽ trung lập trong vấn đề này”, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói.

“Campuchia sẽ không thể là con rối của bất cứ ai trong vấn đề Biển Đông”, ông Hun Sen nhấn mạnh, rằng mặc dù là một nước nhỏ và nghèo, song Campuchia sẽ “không ngu ngốc trong các chính sách đối ngoại của mình”.

Tờ Kyodo News còn bình luận, năm 2012, tại cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, lần đầu tiên trong lịch sử Hiệp hội các quốc gia này, các bên đã không phát hành thông cáo chung, sau khi nước chủ nhà Campuchia cũng từng phản đối việc đề cập tới những căng thẳng Biển Đông.

Liên quan tới vấn đề Biển Đông, tờ Thời báo Phố Wall của Mỹ hôm 17/6 vừa qua đã có bài viết vạch trần việc Trung Quốc tự nhận có tới 60 quốc gia ủng hộ lập trường của nước này ở Biển Đông. Theo tờ báo Mỹ, đây thực chất chỉ là một danh sách do Bắc Kinh tự… nghĩ ra, thực chất, con số ủng hộ Bắc Kinh chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Mỹ và các đồng minh, trong đó có Các nước kinh tế phát triển G7, đã nhất trí trong một Hội nghị tổ chức ở Nhật Bản hồi tháng trước, rằng Trung Quốc nên tôn trọng các phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế, tôn trọng luật pháp quốc tế nếu không muốn tự cô lập mình trong vấn đề Biển Đông. Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo, Trung Quốc có nguy cơ xây dựng một “Vạn lý trường thành” để tự cô lập mình ở Biển Đông.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra hồi tháng 5 năm nay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và đại diện các quốc gia tham dự đã nhất trí về việc có thái độ dứt khoát và mạnh mẽ đối với các hành động “” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Về phần mình, Mỹ kiên định quan điểm rằng, nước này tuy không liên quan trực tiếp tới các tranh chấp Biển Đông, song Washington cam kết sẽ duy trì bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông – một khu vực có giá trị thương mại quan trọng hàng đầu khu vực, cũng như Washington có không ít lợi ích ở khu vực này. Quan điểm từng được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ với lãnh đạo Trung Quốc trong một chuyến công du Bắc Kinh hồi tháng 5 năm nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.