Đường thủy

Cách nào hút vốn tư nhân đầu tư đường thủy hậu Covid-19?

27/11/2021, 19:26

Nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giai đoạn 2021 - 2030 cần tới hơn 157 nghìn tỷ đồng cho các dự án ưu tiên...

Tập trung kêu gọi vốn xã hội hóa

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều tỉnh thành trở lại "bình thường mới", hoạt động đường thủy diễn ra khá nhộn nhịp do nhu cầu vận tải tăng cao.

Tại cầu Đuống (sông Đuống, Hà Nội) nằm trên tuyến vận tải đường thủy chính Quảng Ninh - Hải Phòng - Việt Trì dài 205km, thuộc Hành lang vận tải thủy Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội qua sông Đuống luôn nhộn nhịp phương tiện qua lại. Nhiều thời điểm ùn tắc, tàu phải chờ để tránh nhau.

Trong khi đó, theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy vừa được phê duyệt, trong 10 năm tới, trên sông Đuống sẽ hình thành 2 cụm cảng thủy hàng hóa để hiện thực hóa mục tiêu phát triển vận tải thủy trên tuyến hành lang này đạt 93 - 100 triệu tấn.

img

Cảng thủy Tân Cảng Quế Võ trên sông Đuống, Bắc Ninh. Ảnh: T.C

Tuy vậy, theo ông Đỗ Cường Quốc, Trưởng phòng Cảng, thuộc Cảng thủy container Hải Linh, trở ngại lớn nhất hiện nay là cầu Đuống có khoang thông thuyền thấp, hẹp (cao chỉ 2,8m và rộng 26m; trong khi tiêu chuẩn tối thiểu là cao 9m, rộng 50m), khiến tàu chở container hoặc có kích thước lớn lưu thông khó khăn, thậm chí khi nước lên phải dừng tàu.

“Các doanh nghiệp vận tải, cảng thủy trên hành lang vận tải nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng sớm đầu tư, nâng cấp để giải phóng “nút thắt” đường thủy này, song chưa biết đến bao giờ mới có thể giải quyết”, ông Quốc nói.

Ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, trở lại bình thường mới, nhu cầu vận tải trên tuyến rất lớn. Trong khi đó, dự án cải tạo, nâng cấp cầu Đuống được đề xuất trong danh mục xã hội hóa đầu tư giai đoạn 2016 - 2017, song không có nhà đầu tư quan tâm nên phải chuyển hướng đầu tư.

“Các dự án xã hội hóa đầu tư nâng cấp cầu, luồng tuyến khó khăn trong việc thu hồi vốn nên không hấp dẫn nhà đầu tư. Dự án cải tạo, nâng cấp cầu Đuống đang được chuyển hướng đề xuất ưu tiên dùng nguồn vốn đầu tư công. Đây cũng là giải pháp về nguồn vốn đối với cải tạo, nâng cấp tĩnh không cầu, cải tạo luồng tuyến trên 55 tuyến vận tải thủy chính được xác định trong quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt. Còn các dự án kêu gọi vốn xã hội hóa đầu tư tập trung vào dự án cảng thủy hàng hóa, hành khách”, ông Đạo cho biết.

Cụ thể hơn, Ban QLDA 6 đang trình Bộ GTVT thẩm định và phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nâng cấp cầu Đuống, với tổng mức đầu tư khoảng 1.793 tỷ đồng, từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Tương tự, tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 (Tiền Giang, dự kiến khởi công vào cuối năm 2021) cũng phải chuyển chủ trương đầu tư từ vốn xã hội hóa sang dùng vốn ngân sách để đảm bảo tính khả thi.

Còn dự án nâng cấp cầu Bình Lợi (sông Sài Gòn, vốn xã hội hóa), sau khi hoàn thành cải tạo cầu, nhà đầu tư đang đề nghị Nhà nước mua lại dự án vì khó thu hồi vốn do quy hoạch cảng, bến trên tuyến có sự thay đổi.

Rà soát tăng ưu đãi về đất, thuế

img

Vận chuyển container bằng sà lan tại cảng Hải Linh, TP Việt Trì

Theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy thời kỳ năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đường thủy được định hướng phát triển theo 9 hành lang vận tải quốc gia và 55 tuyến vận tải thủy chính.

Hệ thống cảng thủy cũng được quy hoạch theo các hành lang, tuyến vận tải thủy với 54 cụm cảng hàng hóa và 39 cụm cảng hành khách.

Khi triển khai chi tiết quy hoạch, mỗi cụm cảng bao gồm các cảng chính và cảng vệ tinh; kích cỡ phương tiện thủy cũng được cơ quan quản lý quyết định để đồng bộ theo khả năng khai thác của tuyến luồng và cảng thủy.

Ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho biết, quy hoạch đường thủy lần này đặt trọng tâm, trọng điểm phát triển GTVT đường thủy ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng, tạo sự kết nối thuận lợi hơn với vận tải hàng hải, đường bộ, đường sắt.

“Giải pháp về vốn để triển khai quy hoạch là vốn Nhà nước đầu tư vào các công trình trọng điểm, chủ yếu là “vốn mồi” để dẫn dắt đầu tư tư nhân”, ông Mười nói.

Liên quan giải pháp thúc đẩy đầu tư cảng thủy, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Lê Minh Đạo cho biết, thời gian qua, nhiều cảng thủy mới được đầu tư xây dựng bằng vốn doanh nghiệp, ngoài ngân sách Nhà nước.

Tại khu vực phía Bắc có thể kể đến như cảng Tri Phương, Tân Cảng Quế Võ, Hải Linh…

Các dự án đầu tư cảng thủy cần nhất là ưu đãi về đất và thuế. Theo Quyết định số 47/2015 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển GTVT đường thủy, dự án đầu tư cảng được hưởng ưu đãi nhất định.

Bộ Tài chính đã có quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 10% trong 15 năm đối với dự án đầu tư cảng thủy mới; cũng như hướng dẫn ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất đối với các dự án nói chung, bao gồm cả dự án đầu tư mới cảng thủy, kho bãi. Thực tế đã có các dự án được hưởng ưu đãi trên.

“Chúng tôi đang tiếp tục rà soát, đề xuất bổ sung ưu đãi liên quan đến đất, thuế, vốn vay và nhất là hỗ trợ về thủ tục đầu tư liên quan đến thẩm quyền của chính quyền địa phương”, ông Đạo thông tin.

Theo ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN, để thu hút đầu tư xã hội hóa phát triển cảng thủy cần có cơ chế tạo thuận lợi về đất đai và hệ thống đường bộ kết nối.

“Hạn chế lớn hiện nay đối với hệ thống cảng thủy là giao thông đường bộ kết nối với cảng thủy không tốt, nhiều cảng bị hạn chế khả năng khai thác do đường công cộng nối với cảng hẹp, trọng tải thấp. Vì vậy, nguồn vốn ngân sách cũng cần ưu tiên đầu tư hệ thống đường kết nối với cảng để thúc đẩy, thu hút tư nhân đầu tư xây dựng, khai thác hiệu quả hệ thống cảng thủy”, ông Liêm đề xuất.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.