Xã hội

Cần "biện pháp đặc biệt" trong tìm nguồn vốn phát triển giao thông

01/07/2016, 18:41

Việc tìm nguồn vốn phát triển giao thông sẽ rất khó khăn nếu không có biện pháp đặc biệt trong nhiệm kỳ tới.

ha-tang-giao-thong

Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng cần có "biện pháp đặc biệt" để tìm nguồn vốn phát triển giao thông

Trong khuôn khổ buổi họp báo trực tuyến của Chính phủ với các Bộ, ngành, địa phương diễn ra ngày 1/7, nhiều Bộ trưởng đã báo cáo Chính phủ về những vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua.

BOT có nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khi báo cáo trước Chính phủ.

Đề cập đến vấn đề huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng thực tế sẽ rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn phát triển giao thông, nếu không có biện pháp đặc biệt trong nhiệm kỳ tới.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ GTVT, các biện pháp huy động vốn qua hình thức BOT tuy mang lại kết quả khả quan, nhiều địa phương vẫn đề nghị tiếp tục làm nhưng Bộ trưởng Nghĩa cũng lưu ý, BOT có rất nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nghĩa đề nghị tính đến việc đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác.

Bộ trưởng GTVT đáng giá, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông ở địa phương nào cũng cần thiết, cấp bách. Hiện tại, Bộ GTVT đang tổng hợp các dự án cần triển khai, trong đó đặc biệt phải ưu tiên cho các dự án giao thông trục Bắc – Nam.

Nngười đứng đầu ngành GTVT cho rằng những năm qua chúng ta đầu tư cho giao thông đường bộ quá lớn, giao thông đường thủy dù có tăng trưởng nhưng vẫn thấp, vì vậy cần tăng cường đầu tư phát triển giao thông đường thủy, đặc biệt là các tỉnh khu vực phía Nam.

Nhắc đến dự án đường sắt tốc độ cao, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, hiện nay Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai… đều đề nghị làm đường sắt tốc độ cao kết nối với Hà Nội, bởi nhu cầu kết nối kinh tế với phía Trung Quốc rất là lớn. Nhận định đây là yêu cầu hợp lý, Bộ trưởng Nghĩa cũng nhận định hiện Việt Nam đang sở hữu hệ thống đường sắt gần như là lạc hậu nhất thế giới nên với bài toán tìm nguồn vốn để làm đường sắt tốc độ cao, dù rất bức thiết nhưng thực sự khó khăn.

Tinh giản 10.000 biên chế trong 6 tháng là quá thấp

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đưa ra đánh giá như vậy, khi đề cập đến vấn đề tinh giản biên chế trước Chính phủ.

Theo số liệu báo cáo của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, trong 6 tháng đầu năm, cả nước tinh giản được 10.004 người (bằng 1/4 chỉ tiêu được giao), tính cộng cả năm 2015 tinh giản được 15.779 người.

“Tỷ lệ tinh giản biên chế đạt được như vậy là quá thấp so với yêu cầu giảm 1,5% mỗi năm, tương đương 40.000 biên chế trên tổng số hơn 2,6 triệu công chức, viên chức đang có hiện nay” – Bộ trưởng Tân đánh giá.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thúc giục các bộ ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để nâng tỉ lệ tinh giản biên chế của năm 2016.

NQH_9392

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương - Ảnh: VGP

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo lộ trình, trước mắt quan trọng là số lượng công chức có giảm.

Bộ trưởng Công an lo ngại vì "tiền trong dân lớn"

Trong phần báo cáo của mình, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đề cập ngay đến thực trạng mùa bóng đá EURO năm nay các lực lượng đã phá án, thống kê được lượng tiền đổ vào hoạt động cá độ lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ngay tại các tỉnh vùng cao, từ Điện Biên, Hoà Bình… đều có hiện tượng cá độ lớn. Tình trạng cờ bạc, cá độ gây bất an rất lớn trong dân.

Một hoạt động đáng lưu ý khác, là kinh doanh đa cấp. Bộ trưởng cũng bày tỏ lo ngại khi chỉ một doanh nghiệp, đơn vị chào mời, kêu gọi đổ tiền đầu tư với mức lãi suất “hời một chút” mà đã dễ dàng huy động được không biết bao nhiêu vốn.

"Điều đó cho thấy, nguồn tiền tồn đọng trong dân hiện rất lớn. Vấn đề là làm thế nào huy động nguồn tiền nhàn rỗi đó cho các hoạt động sản xuất, chứ nếu không những khoản tiết kiệm từ lớn tới nhỏ của cả người nghèo, người cao tuổi… lại đổ vào cho các tổ chức tội phạm. Hệ quả xã hội của việc này là rất phức tạp" - Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng thẳng thắn góp ý và cho rằng có những khoảng trống về luật pháp, dù đã sửa hệ thống luật hình sự nhưng vẫn còn rất nhiều.

Điển hình như hoạt động xiết nợ, đòi nợ thuê, hình thành các nhóm đâm thuê chém mướn làm nảy sinh thêm những băng nhóm tội phạm đang rộng đất sống. Đó là vì những khoản tiền, những món nợ nhờ cơ quan nhà nước đòi không được, trong khi đi thuê “dịch vụ” đòi nợ lại đòi được.

Trước thực trạng ấy, Bộ trưởng Công an kêu gọi siết chặt kiểm soát an ninh, trật tự xã hội trên mọi mặt, không để tình hình phức tạp thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.