Chuyện dọc đường

Ông Nguyễn Đình Hương: "Tôi từng đề nghị cách chức một Bộ trưởng"

07/05/2018, 06:20

"Từng đề nghị bổ nhiệm một Bộ trưởng, nhưng sau người này đổi khác, tôi đề nghị Bộ Chính trị cách chức người này".

nguyễn đình hương hội nghị trung ương 7

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó ban Tổ chức TƯ.

Hội nghị T.Ư 7 khóa XII lần này đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, bài bản. Hội nghị sẽ kiểm điểm những công việc trong nửa nhiệm kỳ vừa qua để rút kinh nghiệm cho nửa nhiệm kỳ còn lại. Vì thế, đây được đánh giá là hội nghị mang tính “bản lề” rất quan trọng

Những nội dung mà Hội nghị T.Ư 7 bàn thảo đều là những vấn đề quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, tôi quan tâm nhất tới Đề án công tác cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng toàn quốc sắp tới. Bởi lẽ, Bác Hồ đã từng nói, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “gốc rễ của mọi vấn đề là ở công tác cán bộ”, Vì thế, công tác cán bộ là vấn đề đặc biệt quan trọng.

Ngay từ Hội nghị lần thứ ba, BCH T.Ư khóa VIII (tháng 6/1997), chúng ta đã có hẳn một nghị quyết về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Trong đó đánh giá rất kỹ về thực trạng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao, đưa ra những tiêu chí rất cụ thể, về lựa chọn, bồi dưỡng và bố trí cán bộ.

Và để phù hợp trong tình hình mới hiện nay, Hội nghị T.Ư 7 lần này ngoài quan tâm đến các tiêu chuẩn cơ bản đã từng đề ra, còn phải nhấn mạnh, tập trung vào hai tiêu chí mà tôi cho rằng vô cùng quan trọng, đó là “trong sạch” và “không lợi ích nhóm”.

Những vụ việc khiến dư luận xôn xao thời gian gần đây cho thấy chúng ta phải rất quan tâm các tiêu chí này. Vụ Vũ “nhôm” gây xôn xao dư luận, có ai chống lưng, ai bao che mà có thể thao túng nhiều người, nhiều tổ chức như thế? Tôi tin nếu không có những cán bộ cấp cao hư hỏng bao che, tiếp tay, thao túng thì không bao giờ có chuyện “coi trời bằng vung” như vậy được.

Nếu như trước đây trong công cuộc chống tham nhũng, đa số đều có tâm lý e ngại, tránh động chạm, nếu có chỉ dám động đến sai phạm của cán bộ cấp dưới, thì nay tư tưởng ấy đã không còn. Thay vào đó, chúng ta thấy một quyết tâm rất lớn, thể hiện không có vùng cấm trong chống tham nhũng, tiêu cực, minh chứng rõ nhất là hàng loạt cán bộ cấp cao, kể cả những người đã về hưu đều bị xem xét, xử lý nghiêm.

Với công tác cán bộ, cán bộ càng ở cấp cao càng phải liêm khiết, trong sạch. Như có lần nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “Nếu không làm được gì cho dân, cho nước thì cũng phải giữ gìn trong sạch để làm gương cho cấp dưới”. Nhưng thực tế có trường hợp cán bộ khi mới vào T.Ư thì “trong sạch” và “không lợi ích nhóm”, nhưng khi đã có quyền lực trong tay thì lại tự diễn biến và chuyển hoá, không còn trong sáng nữa. Có lẽ bởi vì, chỉ khi nắm quyền lực, nhất là quyền lực ở cấp cao, con người ta mới bộc lộ hết tham vọng của mình.

Việc này khiến tôi nhớ lại câu chuyện khi còn làm ở Ban Tổ chức T.Ư, tôi đã đề nghị Bộ Chính trị bổ nhiệm một người làm Bộ trưởng, nhưng khi nắm quyền trong tay, người ấy đã đổi khác, dù chúng tôi khuyên nhưng người đó không thay đổi. Vì thế, sau vài năm, tôi đã buộc phải đề nghị Bộ Chính trị cách chức người này.

Câu chuyện đó nhắc chúng ta về việc kiểm soát, giám sát quyền lực.

Nguyễn Đình Hương
(Nguyên Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.