Quản lý

Cán bộ công chức làm việc từ 8h30, nghỉ trưa 1 tiếng có giảm được ùn tắc?

02/05/2019, 19:41

Đề xuất giờ làm việc trong các cơ quan hành chính trên cả nước sẽ tác động không nhỏ đến tình hình giao thông tại các thành phố lớn...

img
Ùn tắc giao thông được dự báo sẽ phức tạp hơn nếu thống nhất giờ làm trong các cơ quan hành chính trên cả nước - Ảnh minh họa

Tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) công bố để lấy ý kiến, một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận là đề xuất giờ làm việc trong các cơ quan hành chính trên cả nước sẽ bắt đầu từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 1 giờ.

Quy định này không áp dụng với những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24h để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân.

Theo Bộ LĐTB&XH, đề xuất trên xuất phát từ thực trạng giờ làm việc trong các cơ quan Nhà nước hiện nay đang gặp một số tồn tại như: chưa đảm bảo sự liên kết, kết nối giữa giờ làm việc của khối cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương và địa phương, chưa phù hợp xu thế chung của các nước phát triển.

Việc đề xuất giờ làm mới này được đánh giá sẽ tác động không nhỏ đến tình hình giao thông tại các thành phố lớn, nhất là vào các giờ cao điểm sáng và chiều.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, GS.TS Từ Sỹ Sùa, Giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, không nên áp đặt giờ bắt đầu và giờ kết thúc làm việc một cách máy móc. Giờ bắt đầu làm việc của mỗi địa phương cần xây dựng dựa trên mục tiêu cụ thể. Ví như, thời gian trước, Hà Nội đã đưa ra giờ bắt đầu làm việc của công nhân viên chức sớm hơn so với các cơ quan TW 30 phút, buổi chiều về sớm hơn 30 phút để tránh ùn tắc giao thông.

Cũng theo GS.TS Sùa, thay vì đưa ra khung giờ bắt buộc cho khối hành chính, cơ quan chức năng cần nghiên cứu mở rộng, xây dựng khung thời gian tham chiếu để không chỉ cơ quan hành chính mà nhiều thành phần khác có thể hoạch định thời gian hợp lý, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn.

“Nếu lấy giờ bắt đầu làm việc của công nhân viên chức là 8h30 (giờ bắt đầu mặc định), có nên đề nghị các trường mầm non, tiểu học điều chỉnh thời gian học phù hợp hay không? Vì học sinh mầm non, tiểu học thường phụ thuộc vào bố mẹ đưa đón nên cũng phải thay đổi theo. Hoặc nếu lấy thời gian bắt đầu làm việc của khối hành chính là 8h30, có nên đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại mở sau đó khoảng nửa tiếng (9h00) để đánh lệch thời điểm xuất phát của các chuyển đi, góp phần hạn chế lượng phương tiện ồ ạt ra đường trong cùng một lúc? Nếu không có sự thay đổi đó, việc điều chỉnh giờ làm việc của công chức bắt đầu tư 8h30 và kết thúc 17h30 cũng không ý nghĩa, không giảm được ùn tắc giao thông”, GS. TS Sùa nói.

Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng, việc quy định cứng giờ làm của công chức có thể khiến ùn tắc giao thông ngày càng phức tạp hơn, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh do lượng phương tiện ra đường trong cùng một thời điểm tăng lên.

"Cơ quan hành chính không nhất thiết phải quy định cứng thời gian mà có thể lệch nhau từ 30 phút đến một tiếng. Ví dụ như giờ làm việc ở Hà Nội bắt đầu từ 7h30 thì khối cơ quan hành chính TW là 8h30 hoặc ngược lại. Chúng ta nên ưu tiên cho việc lệch giờ để tránh ùn tắc và hậu quả do ùn tắc giao thông gây ra thay vì quy định cứng giờ làm việc giữa cơ quan hành chính các cấp chỉ để phù hợp với xu thế”, TS. Thủy nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.