Xã hội

Cán bộ được giao việc mà làm chậm thì phải bị thay thế

17/03/2014, 06:29

Trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời trên Đài Truyền hình VN tối nay (16/3), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã trả lời nhiều câu hỏi của người dân về những vấn đề nóng bỏng của Ngành.

Trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời trên Đài Truyền hình VN tối nay (16/3), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã trả lời nhiều câu hỏi của người dân về những vấn đề nóng bỏng của Ngành.

fddgfh
Bộ trưởng Bộ GTVT trả lời nhiều câu hỏi người dân về những vấn đề nóng bỏng của Ngành

Dự án cầu Chu Va còn nhiều khiếm khuyết

Thưa Bộ trưởng, qua vụ lật cầu treo Chu Va tại Lai Châu, một cán bộ hưu trí cho biết, rất hoan nghênh những chỉ đạo kịp thời tại hiện trường của Bộ trưởng và đặc biệt là phát biểu “Chúng ta còn nợ người Chu Va một lời xin lỗi và một kết luận nguyên nhân rõ ràng vụ lật cầu”. Xin Bộ trưởng cho biết, dựa trên cơ sở nào để tuần qua, Bộ GTVT đề nghị khởi tố vụ án, truy cứu trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân liên quan?

Vụ lật cầu này hết sức nghiêm trọng và đau xót. Chúng tôi đã cử ngay một Tổ điều tra độc lập phối hợp với các cơ quan tỉnh Lai Châu để tìm hiểu nguyên nhân vụ lật cầu.

Căn cứ báo cáo của Tổ điều tra, chúng tôi xác định nguyên nhân không phải do người dân đi quá đông, thực tế là do quá trình tổ chức thực hiện dự án còn nhiều khiếm khuyết. Đó là, việc thi công không đảm bảo đúng thiết kế, thiết diện ắc neo chỉ bằng 50% thiết diện thiết kế. Ắc neo cũng được chế tạo không đúng quy trình.

Từ đó, chúng tôi xác định được trách nhiệm cụ thể của ban QLDA, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát. Đây là tai nạn hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người, nhưng nghiêm trọng hơn là mất lòng tin của người dân vào công tác quản lý Nhà nước. Vì vậy, chúng tôi báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Bộ Công an, UBND tỉnh Lai Châu xem xét khởi tố cá nhân và các đơn vị liên quan đến vụ lật cầu này.

Bộ trưởng đánh giá mức độ sai phạm như thế nào?

Chúng tôi xác định đây là cây cầu có giá trị không lớn, chỉ hơn 1 tỷ đồng nhưng vụ lật cầu đã gây chết và bị thương nhiều người. Và điều quan trọng hơn là nó làm ảnh hưởng đến niềm tin, gây mất lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan quản lý Nhà nước.

Chính vì vậy chúng tôi phải chỉ đạo khẩn trương xác định nguyên nhân và đề nghị khởi tố để cố gắng chứng minh cho mọi người biết không phải lỗi của họ mà do lỗi trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện cây cầu này.

Và chúng tôi đã xác định là những việc làm khẩn trương như khắc phục những hậu quả, xác định rõ nguyên nhân, đề nghị khởi tố truy cứu trách nhiệm cá nhân và tổ chức liên quan chính là lời xin lỗi thiết thực nhất đến với người dân.

Ưu tiên số 1 là các chuyến bay phải an toàn, chất lượng

Nhiều người dân cho biết, thời gian gần đây tại sân bay Tân Sơn Nhất, việc kiểm soát an ninh đã được tăng cường. Nhiều người ủng hộ Bộ GTVT áp dụng các biện pháp an ninh cấp độ 1 ngay sau vụ mất tích máy bay Malaysia Airlines. Bộ trưởng có thể cho biết, cụ thể hơn kế hoạch đảm bảo an toàn hàng không trong thời gian sắp tới?

Không chỉ có công văn yêu cầu các đơn vị hàng không tăng cường an ninh hàng không lên cấp độ 1, Bộ GTVT cũng chỉ đạo các cơ quan của Bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao kịp thời có thông tin về âm mưu, phương thức thủ đoạn của các tổ chức khủng bố quốc tế, cũng như các trường hợp sử dụng giấy tờ hộ chiếu giả đi máy bay.

Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện một số văn bản, trước mắt sớm trình Chính phủ sửa đổi một số điều của Luật Hàng không dân dụng.

Chúng tôi xác định đảm bảo an ninh, an toàn hàng không là mục tiêu số 1 trong hoạt động của hàng không dân dụng. Và với việc áp dụng an ninh cấp độ 1, chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi gây phiền hà cho người dân nên chúng tôi cũng mong người dân hết sức chia sẻ, vì những biện pháp này là đảm bảo an toàn cho chính người dân, cho chính hành khách.

Cụ thể, những đề xuất mà Bộ GTVT đang mong muốn chỉnh sửa đảm bảo an toàn, an ninh hàng không là những gì, thưa Bộ trưởng?

Chúng tôi có đề xuất sửa đổi khoảng hơn 30 điều trong Luật Hàng không dân dụng. Trong đó, có đề nghị nâng cao yêu cầu đảm bảo an ninh an toàn, tăng cường trang thiết bị, hiện đại hóa công tác đảm bảo an toàn hàng không, cũng như nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn của những người trực tiếp làm công tác đảm bảo an ninh an toàn hàng không, để làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho những người tham gia hàng không cũng như đảm bảo yêu cầu ưu tiên số 1 là tất cả các chuyến bay phải an toàn và chất lượng.

Lãnh đạo bộ trực tiếp xuống hiện trường

Người dân ven tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai thắc mắc dự án đã triển khai được nhiều năm, tuy nhiên đến thời điểm này chưa hoàn thành. Xin hỏi Bộ trưởng có những giải pháp cụ thể nào để giải quyết những dự án giao thông trọng điểm hiện đang chậm tiến độ như cao tốc Nội Bài - Lào Cai hay cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây?

Trên cơ sở tổng kết đánh giá kinh nghiệm tổ chức triển khai các dự án trọng điểm thời gian qua, chúng

Sẽ không còn dự án giao thông chậm tiến độ, chất lượng kém

Có thể nói, hiện nay các dự án trọng điểm đã khắc phục được tình trạng chậm tiến độ như dự án Nội Bài - Lào Cai. Năm nay, chúng tôi đảm bảo thông toàn tuyến từ Hà Nội lên Lào Cai và tất cả các dự án trọng điểm, các dự án giao thông đã và đang đưa vào thi công chỉ có đúng tiến độ, vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng chứ không còn tình trạng thi công chậm tiến độ và kém chất lượng như trước đây”.

        Bộ trưởng Đinh La Thăng

tôi thấy rằng nguyên nhân số một khiến chậm tiến độ là do công tác GPMB, thứ hai là năng lực của các chủ thể tham gia triển khai dự án như Ban QLDA, nhà thầu, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát...

Vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là tập trung xử lý những vấn đề đó. Trước hết phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc tuyên truyền, vận động tổ chức đền bù GPMB, tạo điều kiện cho người dân đến những nơi ở mới ít nhất cũng bằng nơi ở cũ và mong người dân thông cảm, chia sẻ. Thứ hai là việc thiết lập quản lý các ban QLDA, quy định 12 điều các ban QLDA không được làm, nâng cao chất lượng tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát.

Đối với nhà thầu thi công, chúng tôi tổ chức phân loại. Nhà thầu nào được phép thi công các công trình trọng điểm, nhà thầu nào chỉ được thi công những dự án cấp thấp hơn... để từ đó tăng cường triển khai giám sát, tổ chức công khai minh bạch, cũng như lo giải ngân kịp thời, đầy đủ tài chính cho các dự án.

Lãnh đạo Bộ, trực tiếp Bộ trưởng và các thứ trưởng tăng cường giám sát, đến tận hiện trường trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho các dự án.

Vấn đề GPMB QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên vốn là một thách thức nay sẽ được giải quyết thế nào, thưa Bộ trưởng?

Trên QL1 do yếu tố lịch sử người dân đã sinh sống từ lâu nên vấn đề xem xét hồ sơ để đền bù hết sức khó khăn.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và đặc biệt là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nên chậm nhất trong tháng 3 này cơ bản GPMB xong. Còn lại một số địa phương sẽ hoàn thành vào các tháng 4, tháng 5, chậm nhất là tháng 6 toàn bộ mặt bằng của QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên sẽ được bàn giao.

Mục tiêu thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là phải cơ bản hoàn thành, nâng cấp mở rộng QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên vào cuối năm 2015, đầu 2016.

Sẽ cổ phần hoá được nếu ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu

Bộ GTVT được đánh giá cao vì CPH các doanh nghiệp nhanh nhất. Tuy nhiên, nhiệm vụ CPH trong năm nay vẫn còn rất khó khăn, với những doanh nghiệp Nhà nước như: Vinashin, Vinalines... Khó nhất là ở sự trì hoãn của chính người lãnh đạo doanh nghiệp. Xin Bộ trưởng cho biết, sẽ có giải pháp gì đối với vấn đề này?

Chúng tôi cho rằng, CPH các doanh nghiệp Nhà nước là rất khó khăn. Tuy nhiên, các khó khăn này chắc chắn sẽ vượt qua. Vì đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo hết sức quyết liệt của Chính phủ. Chính phủ coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong cả nhiệm kỳ. Đó là, thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là CPH.

Chính vì vậy, Bộ GTVT chỉ đạo hết sức quyết liệt, xây dựng lộ trình cổ phần hóa. Khó khăn không chỉ của Vinashin, Vinalines mà doanh nghiệp nào cũng khó, nhưng phải xác định quan trọng đây là nhiệm vụ chính trị thì phải thực hiện và quyết tâm làm bằng được.

Và muốn làm được phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu. CPH phải xác định trước hết phải là trách nhiệm của chủ tịch, tổng giám đốc các doanh nghiệp. Trên đó là trách nhiệm của bộ trưởng, thứ trưởng. Xác định rõ trách nhiệm như vậy thì sẽ đôn đốc chỉ đạo thực hiện.

Đúng là hiện nay có một số doanh nghiệp lừng chừng CPH. Vì lãnh đạo doanh nghiệp sợ không biết CPH xong mình có làm chủ tịch hay tổng giám đốc nữa không. Hai nữa, khi thực hiện CPH là cả một rừng thủ tục. Thứ ba là thị trường ảm đạm, bối cảnh thực tế hiện nay liệu có bán được không và nhiều lý do để trì hoãn.

Tuy nhiên, chúng tôi xác định khó đến mấy cũng phải cổ phần hóa và chủ tịch, tổng giám đốc là người chịu trách nhiệm chính. Nếu không hoàn thành sẽ điều chuyển làm việc khác, để người khác có quyết tâm hơn thay thế.

Thực tế 3 năm qua, ngành GTVT đã thực hiện được chương trình và lộ trình đã đề ra. Hai năm tới, chúng tôi sẽ CPH toàn bộ doanh nghiệp Nhà nước còn lại và Nhà nước không cần giữ cổ phần, kể cả Vinashin trước đây và Vinalines. Vấn đề là xử lý được các tồn tại trước mắt, những vấn đề về tài chính, xác định trách nhiệm người đứng đầu thì công tác CPH chắc chắn thành công.

Thưa Bộ trưởng, đã có lãnh đạo nào bị điều chuyển vì chậm CPH chưa?

Ở Bộ GTVT thực tế là có, ví dụ như ở Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8. Và thời gian tới không chỉ là việc không hoàn thành CPH phải điều chuyển việc khác mà kể cả những lĩnh vực khác cũng thế.

Giao nhiệm vụ cho anh mà không làm, hoặc làm chậm thì phải bị thay thế bằng những người xứng đáng hơn, có quyết tâm cao hơn. Như thế thì mọi việc sẽ tốt chứ không phải chỉ CPH.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Thiện Anh (Lược ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.