Chuyện dọc đường

Cần bổ sung “ma men” lái xe thành tội phạm hình sự

06/05/2019, 07:33

Điều khiển phương tiện khi uống rượu bia quá mức cho phép là vi phạm rất nghiêm trọng vì mất kiểm soát, uy hiếp an toàn của người khác.

img
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn lái xe khách trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Ảnh minh họa: Khánh Linh

Luật GTĐB năm 2008 quy định một nguyên tắc xử lý căn bản là mọi vi phạm pháp luật giao thông phải được phát hiện xử lý kịp thời và nghiêm minh.

Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm ở Việt Nam hiện chưa đạt được theo nguyên tắc này. Khi tham gia giao thông trên đường còn quá nhiều vi phạm đang diễn ra công nhiên, nhưng tỷ lệ bị xử phạt chưa tương xứng. Nguyên nhân tôi xin nói thẳng là do việc xử lý chưa công minh, thậm chí có cả những tiêu cực của lực lượng thực thi công vụ, hay kiểu xử lý “thông cảm”, “gọi điện cho người thân” dẫn đến nhờn luật. Tôi cho rằng, việc nâng mức phạt cao không quan trọng bằng việc thực hiện nghiêm nguyên tắc hễ ai vi phạm phải bị xử lý.

Trên thế giới hiện phổ biến hình thức xử phạt nguội qua hình ảnh. Thông tin vi phạm sẽ được gửi đến địa chỉ hay dán trước kính xe. Người bị xử phạt theo hình thức này sẽ có mức phạt thấp hơn so với người vi phạm bị CSGT xử phạt trên đường vì chi phí cho công tác tuần tra, xử lý Nhà nước mất nhiều hơn. Nếu người vi phạm nộp phạt chậm, mức phạt sẽ tăng cao và tăng lũy tiến nếu tiếp tục chậm nộp phạt. Hình thức áp dụng công nghệ cao để quản lý vi phạm sẽ tăng tính giáo dục hơn là tăng mức phạt. Việt Nam muốn thực hiện được nguyên tắc đã nêu trong Luật GTĐB cần phải áp dụng hình thức xử phạt nêu trên.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, ở Việt Nam khó phạt nguội do có nhiều xe không chính chủ. Tôi cho rằng, đây chỉ là ngụy biện, cố “níu kéo” thêm thời gian tình trạng “nhập nhằng” trong xử phạt. Việc này giải quyết không khó, có thể thực hiện được bằng điều chỉnh quy định pháp luật. Quy luật xã hội đến giai đoạn phát triển hiện đại, văn minh, nếu có chỉ đạo mạnh mẽ, dứt khoát sẽ thúc đẩy giai đoạn này đến nhanh hơn. Ngược lại, nếu cứ nhân nhượng, tình trạng như hiện nay sẽ kéo dài.

Đi cùng đó phải hoàn thiện cơ chế chính sách kèm theo để việc thực hiện khả thi. Chúng ta cũng cần thực hiện nguyên tắc, người vi phạm nhiều lần thì lần vi phạm sau phải tăng nặng gấp nhiều lần trước. Trong trường hợp người vi phạm chống đối, phải dùng lực lượng truy đuổi, cưỡng chế mức phạt phải tăng cao hay đã có thông báo mà vẫn nộp phạt chậm.

Đối với trường hợp uống rượu bia khi lái xe, các giải pháp có thể được sử dụng rất đa dạng như phạt tiền, phạt điểm trên bằng lái, phạt lũy tiến, buộc tham gia chương trình huấn luyện đặc biệt cho người có hành vi lái xe nguy hiểm, treo hoặc tịch thu bằng lái, buộc lắp đặt thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe, tạm giữ và tịch thu phương tiện và cuối cùng phạt tù.

Trước mắt, nên nhanh chóng sửa đổi hệ thống pháp luật, bao gồm cả Bộ luật Hình sự, đưa thêm loại hình vi phạm lái xe có nồng độ cồn quá mức cho phép vào một loại phạm tội, đồng thời bổ sung các chế tài nghiêm khắc cho vi phạm này nếu tái phạm, làm căn cứ cho việc cưỡng chế thực thi. Những bài học như cấm đốt pháo năm 1995 hay bắt buộc đội MBH năm 2008 cho thấy có một số trường hợp trước khi thực hiện gặp khá nhiều khó khăn, nhưng vẫn cần quyết tâm làm vì không thể nhân nhượng với sự an toàn của người dân.

Ông Nguyễn Văn Quyền
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.