Quản lý

Cần bố trí đường gom, xóa lối đi tự mở mới giảm được tai nạn đường sắt

13/12/2019, 15:30

Tính đến hết tháng 10, 9 tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Bình Định có 855 lối đi tự mở giao cắt đường sắt, trong năm 2019 chỉ xóa được 15 lối đi.

img
Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Năm 2019, xóa được 15/855 lối đi tự mở

Sáng 13/12, Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo TTATGT đường sắt theo Nghị định 65/2018/NĐ-CP và các quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung năm 2019.

Theo Cục Đường sắt Việt Nam, tính đến 31/10/2019, tổng số điểm giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt cả nước là 5.557 vị trí. Trung bình 1,72 giao cắt/km đường sắt. Riêng 9 tỉnh miền Trung (từ Nghệ An - Bình Định) có 1.364 vị trí.

Trong đó, 509 đường ngang hợp pháp; 203 đường ngang có người gác; 159 đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động; 12 đường ngang cảnh báo tự động; 135 đường ngang biển báo. “9 tỉnh có 855 lối đi tự mở. Trong năm 2019 chỉ xóa được 15 lối đi”, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết.

Theo ông Lê Thành Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, công tác đảm bảo trật tự ATGT đường sắt được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, Ban ATGT, Sở GTVT thành phố đã tuyên truyền, phổ biến các các quy định về ATGT đường sắt đến các địa phương, đến người dân, học sinh... trên địa bàn thành phố.

Từ năm 2016 đến nay, chúng tôi đã thực hiện cảnh giới 8 lối đi tự mở, 1 đường ngang. Tổ chức giải tỏa tầm nhìn, thu hẹp 14/14 lối đi dân sinh, xóa bỏ 11 lối đi tự mở”, ông Hưng nói và cho biết, sau này Chính phủ và Bộ GTVT đầu tư đường gom trên địa bàn thành phố, Sở sẽ phối hợp với các địa phương đóng các lối đi này. Đặc biệt, là đường gom dọc đường sắt dọc cầu vượt Hòa Cầm đến Cầu Đỏ, thành phố đã chuẩn bị công tác chuẩn bị đầu tư.

Ông Hưng cũng kiến nghị Bộ GTVT quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư các đường gom dọc đường sắt trên địa bàn thành phố. Đề nghị Cục Đường sắt giải quyết kiến nghị của địa phương, trong đó cung cấp giờ chạy của mỗi chuyến tàu để hỗ trợ, nâng cao công tác cảnh giới ở các lối đi tự mở... Riêng đoạn đường sắt quay đầu tại ga Đà Nẵng, về lâu dài ngành đường sắt cần bố trí quay đầu trong phạm vi ga để đảm bảo ATGT.

img
Một đường ngang có cảnh giới trên tuyến đường sắt qua địa bàn TP Đà Nẵng

Kiến nghị nhiều giải pháp bảo đảm ATGT đường sắt

Ông Nguyễn Quả, Chánh TTGT Bình Định cho biết, tuyến đường sắt đi ngang qua tỉnh Bình Định dài 146 km. Từ năm 2018, các đường ngang hợp pháp đã được xây dựng các biển báo, pano tuyên truyền. Sở GTVT đã dùng kinh phí bảo trì của Sở để xây dựng các gờ giảm tốc.

“Có 4 vị trí phải tổ chức cảnh giới nhưng mới làm 3 vị trí. Tới đây, Sở GTVT sẽ xin ý kiến UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo tổ chức cảnh giới vị trí còn lại để đảm bảo ATGT”, ông Quả nói.

Ông Quả kiến nghị ngành đường sắt xây dựng phương án cắm mốc lộ giới đường sắt để quản lý, chống lấn chiếm hành lang ATGT. Đồng thời, báo cáo Bộ GTVT bố trí kinh phí để xây dựng các đường gom, xóa lối đi tự mở.

Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, đã xây dựng xong và trình Thủ tướng đề án xử lý lối đi tự mở. Trong đề án, có các giải pháp về kinh phí, cách thức thực hiện, kể cả công tác đền bù, cắm cọc...

Về cảnh giới ở lối đi tự mở, ông Khôi cho biết Bộ GTVT có Thông tư quy định việc cung cấp giờ tàu, trang thiết bị để cảnh giới. “Những lối đi nào cần cảnh giới các địa phương gửi danh sách về Tổng công ty đường sắt để tổ chức tập huấn, cung cấp trang thiết bị”, ông Khôi nói.

Về bố trí đường gom dọc đường sắt để đóng các lối đi tự mở, ông Khôi đề nghị các địa phương đề xuất gom các lối đi tự mở để làm đường đường ngang chính thức. Sau khi Bộ GTVT thông qua, ngành đường sắt sẽ trực tiếp phối hợp với các địa phương xử lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.