Không được đóng bảo hiểm vì "là đối tác"
Hơn 5 năm làm lái xe công nghệ toàn thời gian, dù biết công việc vất vả nhưng vì mưu sinh, anh Nguyễn Văn Phong (Kim Thành, Hải Dương) thường xuyên làm việc hơn 12 tiếng, hầu như không ngày nghỉ.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần buộc các hãng xe công nghệ nộp bảo hiểm xã hội cho tài xế (ảnh minh họa).
"Lái xe công nghệ không có bảo hiểm xã hội (BHXH), dù hãng thu tiền chiết khấu và thuế thu nhập cá nhân từ những cuốc xe. Tôi rất lo về cuộc sống sau này", anh Phong chia sẻ.
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động VN, cả nước có khoảng 200.000 lái xe ô tô và mô tô là đối tác của ứng dụng gọi xe Grab, trong đó phần lớn thuộc độ tuổi 25 - 40, chưa tính các hãng khác. Trong số này, chỉ có 7% tham gia BHXH tự nguyện. Nhiều lái xe mong được công ty đồng chi trả tiền đóng BHXH, giống các tài xế taxi khác.
Cũng theo khảo sát, do đặc thù công việc, nhóm lái xe công nghệ phải đối mặt với áp lực cường độ làm việc cao và tai nạn lao động, không có hỗ trợ tiền ăn, nghỉ phép, khám sức khỏe định kỳ. Thu nhập của họ chủ yếu là phần còn lại sau khi đã trích lại cho hãng và thưởng do làm vượt định mức.
Ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện chiến lược GTVT (Bộ GTVT) cho hay, với tham vọng chiếm lĩnh thị trường, Grab thực hiện nhiều giải pháp, dẫn đến nhiều thời điểm phát triển nóng. Nhiều tài xế vay mua xe nhưng khó trả được nợ, tạo nhiều hệ lụy xã hội. Loại hình xe công nghệ cũng chưa có bảo hiểm, chưa được quan tâm đến đời sống.
Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, Grab có cả trăm nghìn tài xế trên toàn quốc, nhưng hầu hết đều không được đóng BHXH, ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội. Vướng mắc lớn nhất chính là việc các đơn vị cung cấp ứng dụng như Grab chỉ coi các tài xế là "đối tác", không có hợp đồng lao động nên lái xe không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Tài xế mong ngóng
Tìm hiểu của PV, hiện các ứng dụng gọi xe như: Grab, Be, Gojek mới chỉ có hình thức hỗ trợ bảo hiểm tai nạn và hỗ trợ một phần chi phí bảo hiểm sức khỏe. Cách áp dụng của mỗi hãng cũng khác nhau.
Lái xe công nghệ phải đối mặt với áp lực cường độ làm việc cao và tai nạn lao động. Ảnh minh họa: Tạ Hải.
Như Grab có bảo hiểm tai nạn nhưng phạm vi áp dụng bảo hiểm chỉ từ thời gian ứng dụng của tài xế trong chế độ sẵn sàng nhận cuốc xe, bao gồm cả thời gian trước và trong cuốc xe. Ngoài ra, Grab có gói bảo hiểm sức khỏe và chỉ hỗ trợ một phần chi phí, giới hạn khu vực và đối tượng tài xế tham gia.
Be đang áp dụng bảo hiểm tai nạn toàn diện kể cả tài xế trong giai đoạn đón khách, trong lúc chờ, thậm chí khi tắt ứng dụng; cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho tài xế khi ốm đau, bệnh tật... Tuy nhiên, sau 3 tháng Be sẽ xét lại hiệu quả làm việc của tài xế để quyết định mức bảo hiểm.
Thảo luận tại Quốc hội về dự Luật BHXH (sửa đổi) vừa qua, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) đề xuất đưa đối tượng tài xế xe công nghệ vào nhóm bổ sung tham gia BHXH bắt buộc.
Theo bà Thúy, tài xế có thỏa thuận làm việc cho doanh nghiệp xe công nghệ; có trả lương, mặc dù 2 bên lựa chọn hình thức thanh toán căn cứ vào kết quả công việc; có sự điều hành giám sát thông qua app do doanh nghiệp vận tải quản lý. Do đó, các đối tượng này cần được bổ sung vào nhóm đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Anh Nguyễn Đức Nghĩa, một tài xế công nghệ cho rằng, nếu không có sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, việc đóng BHXH bắt buộc lúc này với bản thân là điều khó khăn. Cả ngày làm 12 tiếng, doanh thu được 1.000.000 đồng, trừ chiết khấu cho hãng hơn 36% và các chi phí khác, anh còn lại được gần 300.000 đồng.
"Mức thu nhập 9.000.000 đồng/tháng của tôi còn phải trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình, tiền trọ, tiền ăn uống, giờ thêm tiền đóng BHXH thì không kham nổi. Nếu được hỗ trợ một phần, tôi sẵn lòng đóng", anh Nghĩa nói.
Cần quy định buộc hãng xe phải đóng
Cũng theo ông Nguyễn Công Hùng, hằng ngày các tài xế phải tuân thủ các chỉ dẫn của Grab về phân chia cuốc xe, về kỷ luật lao động, an toàn, đồng phục, giờ giấc… thể hiện rõ mối quan hệ lao động tại doanh nghiệp. "Nhưng để trốn tránh các nghĩa vụ, họ được hãng chụp cho cái mũ "đối tác". Vì vậy, cần có quy định buộc hãng xe phải đóng BHXH cho người lao động", ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, cần làm rõ mối quan hệ giữa lao động trên nền tảng công nghệ với công ty cung cấp dịch vụ. Mức đóng BHXH bắt buộc hiện nay mà các doanh nghiệp taxi đang thực hiện là 32% tiền lương của lao động, trong đó lao động đóng 10,5%, doanh nghiệp đóng 21,5%.
"Lái xe công nghệ đang mang lại quyền lợi cho các công ty nên cần quy định trong dự thảo luật. Nếu được đóng BHXH bắt buộc, lao động làm việc trên nền tảng công nghệ chia sẻ chỉ phải bỏ một phần tiền, phần còn lại sẽ do công ty công nghệ đóng", ông Hùng nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, dự thảo Luật Đường bộ (sửa đổi) đã giao Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Quy định đóng BHXH cho tài xế công nghệ sẽ được nghiên cứu khi xây dựng nghị định hướng dẫn, đảm bảo đồng bộ với Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc. Trong đó, lái xe công nghệ nằm trong diện người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ Luật Lao động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận