Chuyện dọc đường

Cần cái nhìn công bằng về BOT

09/11/2017, 06:11

Nếu so với quy hoạch phát triển mạng lưới GTVT Việt Nam thì Dự án cao tốc Bắc-Nam chỉ là một phần rất nhỏ...

cao toc

Ảnh minh họa

Nếu so với quy hoạch phát triển mạng lưới GTVT Việt Nam thì Dự án cao tốc Bắc - Nam chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng thể phát triển giao thông của đất nước. Và so với nhu cầu của 63 tỉnh thành, dự án chưa thể thỏa mãn nhu cầu.

Trong 118 nghìn tỷ đồng tổng mức đầu tư cho dự án, vốn Nhà nước chiếm khoảng 46,3%, tương đương 55 nghìn tỷ đồng. Do đó, khi thẩm tra dự án, chúng tôi không dùng từ vốn Nhà nước hỗ trợ như Tờ trình của Chính phủ, mà dùng là vốn Nhà nước đầu tư.

Nhà nước đã bỏ ra ngần ấy tiền là để giảm tổng mức huy động từ nguồn vốn xã hội khác và có thể điều chỉnh giá dịch vụ, rút ngắn thời gian thu phí. Về tài chính, nếu đọc kỹ báo cáo về ngân sách, riêng trong năm nay tiền dùng để trả nợ gốc và lãi của năm 2016 bằng 2/3 vốn đầu tư cho giáo dục và chi thường xuyên chứ không ít. Nên nếu không huy động nguồn lực xã hội tham gia cùng thì ngân sách trong những năm tới sẽ hết sức khó khăn.

Chúng ta đã có Nghị quyết về BOT, xác định phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng tuyến đường. Vừa qua cũng có nhiều ý kiến xung quanh câu chuyện này, ví như có lái xe nói nhà tôi ở đấy, ngày đi 5 lần là phải đóng 5 lần phí, nhưng thực ra thì đã có cơ chế vé tháng rồi. Người ta thường chỉ nói đến những trường hợp cá biệt, nếu không bình tĩnh mà biến nó thành điển hình để nói về BOT thì không chính xác.

Có quan điểm cho rằng dự án BOT thu phí là đánh vào người nghèo, khiến chi phí vận tải tăng, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Nhưng đứng về mặt kinh tế khi giải bài toán vận tải thì ý kiến đó chưa hoàn toàn chính xác. Nếu tính rành rọt ra thì lợi ích của dự án BOT đem lại sẽ rất lớn. Vấn đề là chia sẻ lợi ích giữa các thành phần trong nền kinh tế, giữa người sử dụng như thế nào thì làm chưa tốt.  

Từ tháng 5 - 8/2017, khi giám sát việc dùng vốn đầu tư BOT, dư luận còn nhiều ý kiến. Nhưng như Nghị quyết của Quốc hội đã chỉ rõ, chủ trương đầu tư theo hình thức BOT là hoàn toàn chính xác. Trong 55 dự án đã hoàn thành và đang thu phí chỉ có khoảng 12% “có vấn đề” chứ không phải 100%. Vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ rà soát lại toàn bộ dự án BOT, điều chỉnh giá thu trên quan điểm bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư nhưng đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân trên tuyến đường.

Nguyễn Đức Kiên
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.