Phát triển - Kết nối

Cận cảnh cuộc sống mới của người dân làng "biệt lập" hạ sơn

30/11/2021, 21:51

Để giúp người đồng bào dân tộc thiểu số ổn định chỗ ở để phát triển kinh tế và thế hệ trẻ được đến trường, một ngôi làng đã được "hạ sơn"...

Ở Gia Lai, nhiều năm trước đây có những ngôi làng dân tộc thiểu số biệt lập trong rừng, hoặc các ngôi làng quá lạc hậu... tỉnh Gia Lai đã ra "quyết sách" quy hoạch "làng nông thôn mới" với mục tiêu để dân không còn sống trong khổ sở, lạc hậu...

img

Làng Hek, xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện, Gia Lai) thay da đổi thịt từng ngày.

Ngôi làng biệt lập trên đỉnh núi

Khi màn sương sớm còn lãng đãng, ngôi nhà của anh Siu Loal (làng Hek, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai) rộn rã hơn bao giờ hết. Tiếng người lớn gọi nhau dậy thổi lửa buổi sáng, tiếng những đứa trẻ ngủ nướng bị gọi dậy để chuẩn bị đến trường. Đứng trên nhà sàn hướng mắt ra phía đường bê tông thẳng tắp, tiếng công nông nhà ai đang băng ngang đường, tất cả đều tất bật để thu hoạch vụ mùa trong một ngày nắng...

Cái nếp sống mới này chỉ tồn tại ở mảnh đất làng Hek, xã Chư A Thai chừng 2 năm. Trước đây, gia đình anh Loal và 13 hộ dân (khoảng 60 khẩu) sống biệt lập ở ngôi làng nhỏ trên đỉnh núi Cheng Leng. Tên làng cũng là tên núi cách nơi gia đình anh nông dân mà chúng tôi đang đứng chừng vài cây số, tút lút trên cao, đường gập gềnh.

Ngôi làng cũ ấy vẫn còn những căn nhà rẫy. Tất cả đều “5 không”: không điện, đường, trường, trạm, hộ khẩu. Suốt 30 năm đằng đẵng. Mà thực ra chỉ có tầm nửa số thời gian đó người ở Cheng Leng nhìn thấy ánh sáng. Bởi mọi sinh hoạt của người dân đều diễn ra từ lúc mặt trời ló dạng và kết thúc dãy núi phía tây che mất ánh mặt trời.

Trong căn nhà sàn, phía trước là đường bê tông sạch đẹp, anh Loal hồi tưởng: "Mấy chục năm trước, gia đình mình sinh sống ở ngôi làng dưới núi (làng Hek). Do không có đất sản xuất, cha mẹ rời làng lên Cheng Leng trồng mì, trỉa bắp từ nhỏ. Cha mẹ, gia đình hầu như ở trên núi lâu lâu mới về. Năm đó mình cao hơn cái đòn gánh thì cha mẹ về nói chuyện rồi dắt lên rẫy. Và rồi từ đó, mình ở hẳn trên núi Cheng Leng. Mấy anh em bà con mình cũng vậy".

Ngọn núi Cheng Leng có mấy hộ dân làng rải rác, sống trong cảnh thiếu thốn, kham khổ, thức ăn chủ yếu là lá mì, cá khô, mì tôm nhưng đổi lại có nơi phát nương làm rẫy. Đi lại cực lắm, chỉ có một con đường mòn lởm chởm đá. Gần 5 cây số mà đi bộ 2 giờ mới tới nơi. Vì vậy, đã lên đây thì lúc cấp bách lắm bà con mới xuống núi”, anh Loal chia sẻ lý do chọn định cư trên ngọn núi cheo leo này.

Những năm tháng niên thiếu của anh Loal gắn liền với không gian biệt lập, quẩn quanh này. Sau đó, anh lập gia đình và cũng ở hẳn Cheng Leng. Để đủ ăn, vợ chồng anh quanh năm phát nương làm rẫy. Quay quắt với cái ăn, cái mặc đến nỗi anh không nhớ rõ tuổi 5 đứa con của mình.

Chúng sống đời hoang dã, lớn lên như cỏ cây trong rừng. Không trường học, cũng như bao đứa trẻ trong làng, các con anh đều mù chữ. Thậm chí, chúng còn không nói được tiếng Kinh, hỏi gì cũng lắc đầu, che miệng cười. Người làng khi ốm đau cũng thường tự chữa, nặng hơn thì tìm đến thầy cúng. Cũng từ suy nghĩ lạc hậu cộng với giao thông cách trở, có trường hợp đã tử vong trước khi kịp xuống núi điều trị.

“Trên đó khó khăn lắm, cái gì cũng thiếu, nhất là nước sinh hoạt. Đến mùa khô không lo đói mà sợ nhất là thiếu nước”, anh Loal chia sẻ.

img

Trẻ em ở làng Hek, xã Chư A Thai (Phú Thiện, Gia Lai) nghịch ở vòi nước công cộng. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên

Làm đường, đón dân Cheng Leng "hạ sơn"

Để có được một không gian tươi đẹp, giao thông rộng thoáng và môi trường đẹp để bà con người Cheng Leng "hạ sơn" như ngày hôm nay, tỉnh Gia Lai đã cử nhiều đoàn công tác tìm hiểu về đời sống của người dân.

Tháng 2/2018, Tỉnh uỷ Gia Lai đã ban hành Chỉ thị 12 về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, tỉnh Gia Lai chỉ đạo địa phương tập trung triển khai mô hình “Làng nông thôn mới”.

Xã Chư A Thai được chọn triển khai thực hiện mô hình, trong đó lấy làng Hek làm điểm. Đây là xã có các làng đặc biệt khó khăn, nằm ở vùng sâu, vùng xa, đất đai cằn cỗi, điều kiện sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, nếp sống sinh hoạt lạc hậu. Bệnh cạnh đó, một số hộ dân ở ngôi làng này đã tách ra rồi dời lên núi Cheng Leng ở.

Đầu tiên là quy hoạch, sắp xếp lại dân cư, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; tiếp đó tổ chức lại sản xuất gắn liền với giữ gìn bản sắc văn hóa và cốt cách của làng đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phùng Trung Toàn, Chủ tịch UBND xã Chư A Thai nhớ lại: “Lúc bấy giờ, giữa bên ủng hộ chủ trương sắp xếp, quy hoạch lại dân cư và một bộ phận không muốn thay đổi tập quán cũ đã nổ ra cuộc tranh cãi tưởng chừng không có hồi kết; nhiều vấn đề khác cũng đề cập như xung đột văn hoá phong tục của người dân Jrai, Bana cũng đặt ra.

Chưa hết, trong quá trình thực hiện lại phát sinh thêm nhiệm vụ di dời, ổn định cuộc sống cho 13 hộ dân trên núi Cheng Leng bằng cách đưa họ về sinh sống cùng làng. Vừa vận động người dân làng Cheng Leng dời nhà xuống núi, chúng tôi vừa thuyết phục người dân làng Hek đồng thuận tiếp nhận. Chính quyền xã và các đoàn thể tổ chức vận động linh hoạt, lúc thì “đánh du kích” với những “ca khó”.

Khi tuyên truyền, lúc đầu nhiều người dân đồng ý di dời, nhưng vài hôm sau lại không đồng ý. Rất khó để di dời. Nhưng rồi bằng tất cả từ tấm lòng, bằng mong muốn lớn nhất là giúp người dân hình dung ra được viễn cảnh mới người dân mới sẵn sàng chuyển chỗ ở, chấp nhận thay đổi...

“Ban đầu khi đường giao thông nội làng, liên làng, đường ra khu sản xuất chưa được đầu tư; phong tục tập quán còn nhiều lạc hậu. Để hỗ trợ bà con, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã cùng nhân dân “đồng tâm hiệp lực” di dời những ngôi nhà sàn về vị trí mới, bố trí, sắp xếp lại dân cư thành làng kiểu mẫu”, ông Toàn nói và cho biết, quá trình dời làng có nhiều lực lượng quân đội đóng chân trên địa bàn tỉnh đã chung tai giúp đỡ.

“Ở đây có hàng trăm chiến sĩ quân đội, người dân gồng gánh những ngôi nhà di dời. Đó là những “thần đèn” với hàng trăm đôi chân, hàng trăm đôi vai di dời những ngôi nhà để đời sống người dân tốt hơn”, ông Toàn hồ hởi kể.

Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Thiện, ông Vũ Hồng Duy cho biết, việc sắp xếp lại nhà ở, đất vườn, mỗi hộ đều được bố trí tối thiểu 500-600 m2; phân định ranh giới giữa các hộ bằng hàng rào, cổng ngõ, tạo không gian thông thoáng, xanh, sạch, không ô nhiễm môi trường, từng bước tổ chức hợp lý đời sống sinh hoạt cho các hộ dân; Nước sạch, nước sinh hoạt và không gian văn hoá cộng đồng được quy hoạch bài bản nhưng không làm mất đi giá trị văn hoá ngàn đời của người đồng bào. Đời sống tốt hơn, các cháu cũng được đến trường. Bên cạnh đó, các hộ dân cũng mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị cơ giới hoá để làm rẫy.

Dẫn chúng tôi thăm làng Hek, ông Duy cho biết, hiện nay, các ngôi làng ở xã Chư A Thai đã thay đổi toàn bộ mọi mặt. Nhận thức của bà con cũng thay đổi nhiều trong nếp nghĩ nếp làm. Người dân bước đầu ổn định an cư. Bước tiếp theo, huyện hỗ trợ chuyển đổi phương thức, tập quán canh tác; chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất, dần thoát khỏi tình trạng đói nghèo...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.