Quản lý

Cận cảnh sửa chữa mặt cầu Thăng Long bằng công nghệ mới

09/12/2020, 16:33

Mỗi đinh neo được hàn vào bản thép bề mặt cầu phải xong trước 0,7s, nhiệt độ khoảng 50 độ; bê tông siêu tính năng chỉ được nóng dưới 35 độ.

img

Cầu Thăng Long (Hà Nội) bắc qua sông Hồng được xây dựng năm 1974, đưa vào sử dụng năm 1985. Nhịp chính cầu dài 1.680m, gồm 15 nhịp giàn thép, với 2 tầng dành cho ô tô ở trên và đường sắt ở dưới. Từ sau lần sửa chữa lớn mặt cầu dành cho ô tô năm 2009, các hư hỏng trên bề mặt cầu chưa được khắc phục triệt để. Theo chuyên gia, nguyên nhân do bản thép mặt cầu không đáp ứng độ cứng, độ bám dính giữa lớp nhựa phủ Asphalt với mặt cầu thấp, tải trọng khai thác vận tải lớn với mật độ cao. Năm 2019-2020, dự án nghiên cứu, thi công sửa chữa mặt cầu được triển khai.

img

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long được khởi công từ 16/8/2020 và sẽ hoàn thành trước 31/12/2020, sớm hơn dự kiến nửa tháng. Theo Tổng cục Đường bộ VN, giải pháp cho lần sửa chữa này là ứng dụng giải pháp kết cấu mặt cầu bản thép liên hợp nhẹ, với công nghệ hàn đinh neo Plasma và bê tông siêu tính năng UHPC.

img

Theo đó, lớp nhựa bề mặt cũ của cầu được cào bóc và đánh sạch bề mặt bản thép mặt cầu. Sau đó, hàn đinh neo chống cắt, rải lưới thép và đổ lớp bê tông có độ cứng cao (siêu tính năng) UHPC lên. Bước tiếp theo là tạo nhám bề mặt, quét lớp keo dính bám Epoxy và thi công lớp nhựa Asphalt phủ bề mặt. Mỗi công đoạn thi công đều có yêu cầu chặt chẽ và qua thí nghiệm.

img

Đinh neo cao 50mm, được bố trí với khoảng cách 150x150mm tại vị trí mặt thép trực hướng chịu lực nén, còn tại vị trí chịu lực kéo dọc được bố trí khoảng cách 150x100mm. Thời gian hàn đinh với bản mặt thép thấp hơn 0,7s, với nhiệt độ khoảng 50 độ C và mặt thép không được cong vênh. Tổng số sử dụng khoảng 2,4 triệu đinh neo, với tỉ lệ hàn hỏng thực tế khoảng 2%.

img

Đổ bê tông siêu tính năng UHPC vào máng máy thi công

img

Bê tông được trộn tại trạm tại hiện trường, với yêu cầu nhiệt độ bê tông dưới 35 độ C. Quá trình rải bê tông được thực hiện đồng bộ với thi công đầm rung và làm phẳng bề mặt.

img

Nhà thầu thi công có sáng kiến làm mái che di động đẩy dọc theo cầu, giúp giải quyết được các vấn đề ảnh hưởng của thời tiết trong quá trình thi công.

img

Sau khi trải xong, lớp bê tông siêu tính năng được đậy bằng khung sắt cao vài chục centimet và phủ bạt để dùng máy sấy hơi nước nóng ở nhiệt độ 80 độ C trong vòng 72h. Yêu cầu thành phần là bê tông không xuất hiện vết nứt co ngót lớn hơn 0,05mm.

img

Máy sấy bê tông bằng hơi nước nóng

img

Một đoạn mặt cầu hoàn thành lớp bê tông, chuẩn bị trải nhựa Aphalst. Tổ hợp kết cấu dính bám, lớp phủ và bê tông nhựa là 4cm.

img

Mẫu kết cấu bề mặt cầu Thăng Long được sửa chữa theo giải pháp công nghệ trên.

img

Giải pháp trên, theo Tổng Cục Đường bộ VN và nhóm các nhà khoa học, chuyên gia tham gia dự án, tiếp thu công nghệ tiên tiến trên thế giới và dựa trên tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam. Nhóm nhà chuyên gia, kỹ sư tham gia dự án cho rằng, các kỹ sư Việt Nam đã làm chủ được công nghệ trên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.