Thị trường

Cần chế tài mạnh doanh nghiệp nợ thuế để bảo vệ người mua nhà

19/07/2015, 10:59

Đối với chây ỳ nghĩa vụ thuế, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng thì cần có chế tài mạnh hơn nữa.

tsd d
Ảnh minh hoạ

Ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Hòa Phát Land cho biết hiện các chủ đầu tư đều thu tiền theo tiến độ dự án, vì vậy chủ đầu tư phải cân đối giữa việc vừa phải triển khai xây dựng vừa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đất. Khi chủ đầu tư chậm nộp thuế đất thì số tiền nộp chậm được cơ quan thuế tính lãi suất.

“Nếu như chủ đầu tư chậm nộp thuế đất theo quy định thì người mua nhà sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án sẽ không được cấp sổ đỏ… Tuy nhiên, trên thực tế cần nhìn nhận vấn đề này khách quan hơn”, ông Hà nói.

Theo phân tích của TGĐ Hoà Phát Land, nếu chủ đầu tư vẫn đang tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nhưng chưa nộp hết. Bên cạnh đó, dự án đang trong quá trình thực hiện việc thu tiền của người mua nhà theo tiến độ thì không nên cho rằng những chủ đầu tư này đang cố tình nợ thuế.

“Hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng, danh sách các chủ đầu tư nợ thuế rất chung chung không phân định rạch ròi giữa chủ đầu tư đang trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế và chủ đầu tư có dấu hiệu chây ỳ”, ông Hà cho hay.

Ông Hà đề nghị, các dự án đã được thành phố cho phép giãn thời gian nộp thuế đất và những chủ đầu tư đã hoàn thành trách nhiệm thuế đến 90% thì không cần thiết phải cho vào danh sách danh nghiệp nợ thuế được công bố.

“Tuy nhiên, đối với những chủ đầu tư không có dấu hiệu tích cực trong việc hoàn thành nghĩa vụ thuế gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng thì cần có chế tài mạnh hơn nữa, quyết liệt để đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà”, ông Hà đề nghị.

Trước đó, Cục thuế Hà Nội đã công bố danh sách ba đợt gồm tổng cộng 38 dự án còn nợ tiền sử dụng đất. Cục thuế Hà Nội cho biết, đến nay, một số chủ dự án đã có công văn hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan Thuế trao đổi và cam kết tiến độ nộp nợ tiền sử dụng đất. Tính đến ngày 15/7, đã có 15/38 dự án nộp nợ tiền sử dụng đất với tổng số tiền 219,377 tỷ đồng.

Theo danh sách của Cục thuế Hà Nội, trong đó gồm 3 dự án đã nộp hết số nợ tiền sử dụng đất là: Công trình hỗn hợp nhà ở, VP và TTTM tại 265 Cầu Giấy (thuộc Công ty cổ phần hóa chất & vật tư KHKT) nộp 93.208 triệu đồng; dự án TTTM, VP và nhà ở (thuộc Công ty TNHH một thành viên đầu tư Việt Hà, Công ty XD và KT Việt Nam) nộp 20.000 triệu đồng; dự án Nhà ở hỗn hợp cao tầng Đồng Phát Hoàng Mai tại Khu công nghiệp Vĩnh Tuy, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai (thuộc Công ty cổ phần đầu tư Đồng Tháp) nộp 5.159 triệu.

Bên cạnh đó là 1 dự án đã nộp 83,18% số nợ tiền sử dụng đất là dự án đầu tư tòa nhà hỗn hợp đa năng và nhà ở chung cư Vinafor tại số 55, đường 430, Vạn Phúc, Hà Đông - thuộc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam – Công ty TNHH một thành viên nộp 5.000 triệu đồng.

“Ngay sau khi Cục thuế TP. Hà Nội công khai danh sách các doanh nghiệp nợ thuế lớn và dự án nợ tiền sử dụng đất nhằm cảnh báo các doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ với NSNN, một số doanh nghiệp đã thu xếp nguồn tài chính và nộp vào NSNN trước khi cơ quan Thuế thực hiện các biện pháp nhằm thu hồi nợ đọng thuế theo đúng luật định”, đại diện Cục thuế Hà Nội cho biết.

Liên quan tới thông tin về việc chủ đầu tư các dự án nợ tiền sử dụng đất gây ảnh hưởng tới quyền lợi người mua nhà, bà Nguyễn Thị Hải Yến - Trưởng phòng Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế (Cục thuế Hà Nội) cho biết, theo quy định về thu tiền sử dụng đất và quy định của pháp luật quản lý thuế, việc chậm nộp tiền sử dụng đất của các chủ đầu tư dự án sẽ bị cơ quan thuế xử lý theo quy định thông qua việc xác định khoản tiền chậm nộp 0,05%/ngày kèm theo là các biện pháp cưỡng chế nhằm thu đủ số tiền sử dụng đất theo quy định.

“Thông qua việc công khai thông tin về tình hình nợ tiền sử dụng đất, người mua nhà sẽ có thêm một kênh thông tin để lựa chọn, quyết định khi tiến hành giao dich nhằm hạn chế rủi ro khi mua nhà từ các chủ đầu tư không chấp hành pháp luật, có hạn chế về năng lực tài chính để triển khai thực hiện dự án", bà Yến nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.