Quản lý

Cần chính sách điều tiết để bảo vệ người tiêu dùng

11/12/2018, 06:09

Một nghịch lý đã lặp lại nhiều năm nay là khi giá xăng dầu tăng, cước vận tải tăng theo rất nhanh...

2

Giá cước vận tải vẫn chưa giảm theo giá xăng - Ảnh: Tạ Tôn

Xăng dầu chiếm khoảng trên 30% giá cước vận tải. Thế nên, khi xăng dầu giảm giá mà cước không giảm khiến người tiêu dùng cảm thấy bị “móc túi” 2 lần. Bởi, giá cả những mặt hàng liên quan khác cũng vin vào cước vận tải để “neo” giá theo. Với hàng triệu người sử dụng dịch vụ vận tải, số tiền thiệt hại về phía người tiêu dùng và số lợi nhuận về người kinh doanh không hề nhỏ. Đây là hành vi ứng xử không công bằng với người tiêu dùng.

Doanh nghiệp vận tải không bao giờ “lấy đá ghè chân mình”, vì họ không bao giờ tự hạ giá. Khi yêu cầu giảm, doanh nghiệp chắc chắn vin nhiều lý do giải thích cho việc chưa, hoặc không giảm giá cước như: Cần tôn trọng cơ chế thị trường, để các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau về giá... Rồi tổng mức tăng giá xăng dầu qua các lần điều chỉnh tăng vẫn cao hơn tổng mức giảm, mỗi lần điều chỉnh mất thời gian, tốn kém chi phí do phải cài lại đồng hồ, in lại hóa đơn... Những lý do doanh nghiệp đưa ra là không hợp lý. Bởi thực tế không ai có thể chối bỏ được là khi giá xăng tăng lập tức doanh nghiệp tăng giá cước.

Chúng ta cũng cần xem lại cơ chế quản lý của Nhà nước hiện nay với lĩnh vực này. Dù giá cước do doanh nghiệp vận tải tự định giá và điều tiết theo cơ chế thị trường. Thế nhưng, khi thị trường có khiếm khuyết, bất hợp lý, Nhà nước phải điều tiết để bảo vệ người tiêu dùng. Tuy không bắt được doanh nghiệp giảm giá cước, nhưng có thể dùng biện pháp kiểm tra lợi nhuận để yêu cầu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với mức cao; Đồng thời, công bố trên phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân biết để tẩy chay doanh nghiệp.

Cần xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp không thực hiện yêu cầu kê khai lại giá theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý Nhà nước cần kiểm tra yếu tố hình thành giá; tiến hành xử phạt hành chính, buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi do việc lợi dụng cơ chế thị trường để định giá bất hợp lý theo Nghị định số 109/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.

Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước cần thúc đẩy cạnh tranh trong ngành về giá và chất lượng vận tải thông qua cơ chế quản lý hợp lý, phát triển thị trường, khuyến khích các thành phần kinh tế và các loại hình dịch vụ mới tham gia thị trường. Cần sự can thiệp của Nhà nước bằng các biện pháp hành chính cũng như sự lên tiếng mạnh mẽ của công luận và người tiêu dùng, kể cả biện pháp tẩy chay những đơn vị cố tình chây ỳ giảm giá cước.

Cùng đó, các doanh nghiệp vận tải cũng nên vì lợi ích, chia sẻ trách nhiệm cũng như chăm lo an sinh xã hội với Nhà nước và cộng đồng. Trước hết là hành động nhỏ như giảm giá cước khi có biến động về giá xăng dầu để thúc đẩy sản xuất phát triển. 

Ngô Trí Long
Chuyên gia kinh tế

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.