Hạ tầng

Cần chính sách riêng để phát triển giao thông kết nối vùng ĐBSCL

18/06/2019, 10:45

Nhìn thấy những yếu kém về hạ tầng, nhiều chuyên gia cho rằng cần có chính sách riêng để phát triển giao thông vùng ĐBSCL.

img
Dự án cầu Vàm Cống vừa được khánh thành đã phát huy vài trò kết nối giao thông liên vùng ĐBSCL.

Kết nối giao thông kém, ảnh hưởng đến kinh tế

Sáng 18/6, tại TP.HCM, trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển ĐBSCL năm 2019, Bộ GTVT phối hợp Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM và 13 tỉnh ĐBSCL tổ chức diễn đàn chuyên đề: Giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, ông Nguyễn Văn Thể - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì hội nghị.

Đại diện Bộ GTVT đã báo cáo những kết quả trong việc thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL. Theo đó, thời gian qua Bộ GTVT đã tập trung và kêu gọi nhiều nguồn vốn đầu tư hệ thống giao thông giữa ĐBSCL với TP.HCM.

Đường bộ hiện có 5 tuyến trục dọc gồm N1, N2, cao tốc, QL1, QL50. Thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, từ năm 2017, Bộ GTVT đã bố trí hơn 10.000 tỷ để thực hiện các dự án như cầu Mỹ Thuận 2, QL53, QL54, Quản Lộ - Phụng Hiệp, QL30… Bộ GTVT đang nghiên cứu xây dựng các tuyến cao tốc trục ngang như: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá- Bạc Liêu.

Đối với hàng hải, tiếp tục hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cảng biển Sóc Trăng và bến cảng biển Trần Đề làm cơ sở kêu gọi xã hội hóa đầu tư, hình thành một cảng biển cửa ngõ đáp ứng cho tàu 100.000 tấn ra vào. Nghiên cứu nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Cùng với đó sẽ phối hợp với TP.HCM và các tỉnh liên quan nghiên cứu và kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

img
Kẹt xe kinh hoàng trên tuyến QL1 qua cầu Mỹ Thuận sau Tết 2019 khiến người dân vô cùng vất vả khi trở lại TP.HCM làm việc

Ghi nhận về những kết quả trong việc đầu tư hệ thống hạ tầng vùng ĐBSCL, tuy nhiên ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng việc nâng cấp hệ thống giao thông hiện hữu và đầu tư các tuyến mới giữa TP.HCM - ĐBSCL thời gian qua triển khai chậm.

Theo quy hoạch, hệ thống giao thông kết nối giữa TP.HCM với vùng ĐBSCL gồm các tuyến đường cao tốc, Vành đai, đường thủy…phải được đầu tư hoàn chỉnh trong giai đoạn trước năm 2020. Tuy nhiên một số trục kết nối mới đầu tư giai đoạn 1 hoặc trong giai đoạn nghiên cứu, vì vậy dẫn đến tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông.

“Do kết nối vùng còn hạn chế, dẫn đến tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra, đặc biệt là vào các dịp lễ Tết, làm chi phí vận tải tăng lên, ảnh hướng đến phát triển kinh tế xã hội của vùng”, ông Hoan nói.

Tập trung nguồn lực đầu tư kết nối vùng ĐBSCL

Để ĐBSCL sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước, cần có một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, bền vững theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ tập trung nguồn vốn để phát triển các dự án như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đoạn Cần Thơ - Cà Mau. Kiến nghị cho phép sử dụng nguồn vốn dư của Dự án Luồng cho tàu biển vào sông Hậu (1.515 tỷ đồng), để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của dự án hoàn chỉnh. Bố trí 1.337 tỷ đồng để nâng cấp Kênh Chợ Gạo giai đoạn 2.

Là địa phương ở cuối cùng đất mũi tổ quốc, tỉnh Cà Mau cũng chịu nhiều thiệt thòi khi hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho rằng Chính phủ cần tập trung nguồn vốn đầu tư hoàn thiện tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau, trước mắt là đoạn từ TP.HCM đến Cần Thơ để phục vụ đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa. Đồng thời với đó là phát triển hệ thống giao thông thủy để tận dụng lợi thế của vùng, giảm tải đường bộ.

img
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận triển khai 10 năm chưa hoàn thành đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế vùng ĐBSCL

Ông Võ Văn Hoan kiến nghị Chính phủ cần tập trung nguồn vốn ngân sách, ODA để đầu tư hệ thống giao thông vùng ĐBSCL, Đông Nam Bộ kết nối với TP.HCM như quy hoạch đã được phê duyệt. Thành phố cũng kiến nghị cho tách riêng công tác GPMB để thực hiện dự án riêng. Đối với dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, giao cho TP.HCM làm đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tổ chức kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP. Đối với các tuyến Vành đai 3, 4, cần sớm thông qua chủ trương đầu tư, bổ sung vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 làm cơ sở Thành phố tạm ứng ngân sách để thực hiện GPMB trong giai đoạn 2019 - 2020 và Bộ GTVT có kế hoạch đầu tư thực hiện dự án hoàn thành giai đoạn 2020 - 2025.

Ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết những ý kiến đóng góp của các địa phương, các nhà khoa học sẽ được Bộ GTVT tập hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ vào chiều nay 18/6.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.