Kinh tế

Cần chống suy giảm kinh tế như chống dịch

20/04/2020, 06:15

Cùng với những chủ trương chính sách thì việc thúc đẩy thực thi cần phải đặc biệt coi trọng trong bối cảnh hiện nay.

img
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Cuối tháng 4 sẽ diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế, ứng phó dịch Covid-19. Trước thềm Hội nghị, Báo Giao thông trao đổi với ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cơ quan được Thủ tướng giao chuẩn bị báo cáo về các kiến nghị tổng hợp của doanh nghiệp/hiệp hội doanh nghiệp, đề xuất giải pháp hỗ trợ.

Thủ tướng sốt ruột, đâu đó vẫn ung dung

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đến nay ông đánh giá hiệu quả thực hiện các biện pháp này như thế nào?

Đến nay, trên trận tuyến phòng chống dịch Covid-19, chúng ta có thể yên tâm. Tuy nhiên, đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp thì vẫn còn không ít quan ngại.

Quan ngại vì việc thực hiện các chủ trương chính sách mà trực tiếp là Chỉ thị 11, 16 của Thủ tướng còn chậm và thiếu nhất quán. Dường như việc hỗ trợ doanh nghiệp chưa được triển khai thật quyết liệt, khẩn trương, rốt ráo như chống dịch và vẫn có hiện tượng mỗi địa phương làm một kiểu.

Tôi có điều kiện tiếp xúc nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, họ nói rằng, nghe chủ trương chính sách từ trên, nhất là những thông điệp quyết liệt của Thủ tướng thì rất phấn khởi, nhưng khi gặp cán bộ ở cấp thực thi thì vẫn chưa thể yên tâm bởi chưa có những hướng dẫn, tiêu chí, quy trình cụ thể.

Cho nên, cùng với những chủ trương chính sách thì việc thúc đẩy thực thi cần phải đặc biệt coi trọng trong bối cảnh hiện nay. Việc này cần phải được triển khai với tinh thần khẩn trương như chống dịch.

Nhanh một ngày là doanh nghiệp có thể phục hồi, chậm một ngày doanh nghiệp có thể bị xóa sổ. Thủ tướng thì sốt ruột, doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa, song cơ quan công quyền thì ở đâu đó vẫn ung dung.

Cần thành lập Ban chỉ đạo tái khởi động nền kinh tế
“Cuộc chiến” chống suy thoái, duy trì tăng trưởng chắc chắn sẽ kéo dài và sẽ cam go không kém cuộc chiến chống dịch Covid-19. Tôi đề nghị Chính phủ cho thành lập ngay Ban chỉ đạo và tổ công tác tái khởi động và phục hồi kinh tế. Thủ tướng Chính phủ nên đảm nhiệm vai trò Tổng tư lệnh - Trưởng ban chỉ đạo của chiến dịch này, có đại diện các hiệp hội doanh nghiệp tham gia.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI


Đến nay, chúng ta đã xác định sẽ sống chung với dịch bệnh, vậy hoạt động sản xuất kinh doanh tới đây sẽ duy trì theo cách nào?

Tổn thất lớn nhất của doanh nghiệp cho tới nay là đứt gãy sản xuất và tổn thất nguồn nhân lực. Hầu hết các doanh nghiệp đều phải giảm quy mô sản xuất hay đóng cửa ngừng hoạt động.

Do đó, theo tôi, doanh nghiệp nào còn có thị trường, có nguyên liệu để có thể duy trì được sản xuất kinh doanh, chúng ta phải rất trân quý, chắt chiu và tạo điều kiện thuận lợi cho họ.

Tất nhiên với điều kiện họ phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Bởi sau hoạt động của doanh nghiệp là tăng trưởng, là nguồn thu ngân sách, là công ăn việc làm và là nguồn bảo đảm an sinh, xã hội.

Không ai có thể biết được chính xác bao giờ dịch bệnh sẽ qua đi khi nó vẫn còn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Chúng ta chuẩn bị tâm thế “sống chung với dịch bệnh”, còn với doanh nghiệp phải thực hiện “kinh doanh an toàn”.

Cụ thể ,“kinh doanh an toàn” như ông đề cập là thế nào?

Có nghĩa là doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động kinh doanh nhưng trong điều kiện bảo đảm các yêu cầu giãn cách xã hội. Đây phải là giải pháp của các doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời đại dịch.

Để trợ giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức này, tôi đề nghị Chính phủ ban hành ngay danh mục các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu và các sản phẩm dịch vụ có liên quan trong cả chuỗi giá trị, nhằm có phương án chủ động bảo đảm sản xuất cung ứng các mặt hàng này được thông suốt, phục vụ đời sống nhân dân và các yêu cầu của xã hội ngay cả trong trường hợp phải siết chặt thêm các biện pháp như cách ly hay phong tỏa.

Hiện tại, chúng ta đã có danh mục mặt hàng thiết yếu song đó vẫn danh mục theo quan niệm truyền thống, rất hẹp, không còn phù hợp, rất cần phải sửa đổi ngay.

Ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ còn kéo dài

img
Việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay (Trong ảnh: Thi công cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.607 tỷ đồng, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ). Ảnh: Đình Quang

VCCI đã có khảo sát nào liên quan đến sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp sau gần 4 tháng chống chọi với tác động của dịch Covid-19?

Chúng tôi vừa thực hiện một cuộc khảo sát nhanh, kết quả là trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã có tới gần 35 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - con số kỷ lục từ trước đến nay. Và lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Đến nay, có gần 85% doanh nghiệp cho biết bị thu hẹp thị trường tiêu thụ, gần 60% doanh nghiệp thiếu vốn và đứt dòng tiền, trên 40% doanh nghiệp thiếu nguồn cung nguyên liệu, 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm. 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019; 30% doanh nghiệp có thể sụt giảm tới 30 - 50% và 22% sẽ sụt giảm trên 50%.

Nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. Trên 75% số doanh nghiệp cho biết sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.

Tuy nhiên, khảo sát trên còn chưa có số liệu của 5 triệu hộ kinh doanh cũng đang chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh này.

Nếu chống dịch như chống giặc thì trong cuộc chiến chống suy thoái và duy trì tăng trưởng cũng cần phải khẩn trương quyết liệt, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân.

Nhưng thực tế cũng có không ít doanh nghiệp đã nỗ lực và tìm cách biến nguy thành cơ, trụ vững trong dịch bệnh?

Trong đầu doanh nghiệp hiện nay không phải vấn đề lỗ lãi mà là tồn tại và bảo vệ được sinh kế cho người lao động. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp đã tích cực và chủ động triển khai các biện pháp chống dịch lại vừa cố gắng nỗ lực cao nhất để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. “Nhiệm vụ kép” đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo khảo sát của chúng tôi, 73% số doanh nghiệp đã kịp thời có chính sách hỗ trợ người lao động trong khủng hoảng. Chỉ khoảng 20% doanh nghiệp cho biết đã buộc phải cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động và 21% doanh nghiệp cho biết đã phải cắt giảm lương để không phải cắt giảm lao động.

Chưa ai dự báo được khi nào thì dịch bệnh sẽ qua đi, nhưng một điều chắc chắn là hệ lụy, ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế sẽ còn kéo dài, không thể khắc phục được ngay khi dịch bệnh kết thúc. Và khó khăn với doanh nghiệp còn chất chồng trước mắt.

6 tháng tới là thời gian vàng để giải cứu doanh nghiệp

img
Việc chuyển sang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn giúp Tập đoàn Vinatex giải quyết việc làm cho 20% số lao động bị thiếu việc

Trước thềm Hội nghị Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp tới đây, các doanh nghiệp đã gửi những kiến nghị gì tới Chính phủ, thưa ông?

Dự kiến Hội nghị diễn ra vào cuối tháng 4 này với chủ đề “Tái khởi động nền kinh tế” để vượt qua dịch bệnh. Các doanh nghiệp và hiệp hội đã và đang gửi nhiều kiến nghị và theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, VCCI sẽ tiếp tục tập hợp ý kiến để báo cáo với Thủ tướng tại Hội nghị này.

Các doanh nghiệp nói với tôi rằng, ở cấp độ kinh doanh, quyết định của lãnh đạo doanh nghiệp phải “trong một nốt nhạc”. Nếu như hơn 50% doanh nghiệp sẽ không thể trụ lại được trong thời gian 5 - 6 tháng và 80% doanh nghiệp khó trụ vững sau 12 tháng nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì 5 - 6 tháng tới chắc chắn sẽ là khoảng thời gian vàng để chúng ta có thể tiếp sức và giải cứu, giúp doanh nghiệp trụ vững.

Tình trạng chung của doanh nghiệp là mất khả năng thanh khoản và các biện pháp quan trọng hiện nay là tiếp sức doanh nghiệp tiếp nối khả năng thanh khoản cho họ. Nên các biện pháp bây giờ là phải tập trung vào tài khóa và tín dụng, nhanh chóng đưa các gói hỗ trợ vào thực tiễn, là cách hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất hiện nay.

Các gói hỗ trợ hiện nay phải đến được đúng những doanh nghiệp khó khăn tạm thời và có tiềm năng phục hồi. Tôi vẫn nghĩ gói giải pháp tiền tệ quan trọng nhưng nguồn lực là hữu hạn, tiếp sức bằng thể chế, bằng niềm tin mới là vô hạn.

Cộng đồng doanh nghiệp mong rằng cải cách thể chế sẽ được đẩy mạnh trong những tháng tới đây để yểm trợ và làm bệ đỡ cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch và chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau này.

Trong kiến nghị được gửi tới VCCI, các doanh nghiệp có đề cập gì tới biện pháp tiếp tục giảm thuế, giãn nợ không, thưa ông?

Doanh nghiệp nói với tôi, có thể họ không chết vì Covid-19 nhưng chết vì các khoản nợ đồng loạt ập đến trong 5 - 6 tháng tới, nên chúng tôi cũng đề nghị giãn thêm thời gian trả các khoản nợ cho doanh nghiệp.

Mong mỏi của doanh nghiệp thời điểm này là làm thế nào đưa các chính sách hỗ trợ nhanh cuộc sống. Và đồng thời với kiềm chế dịch bệnh thì nới lỏng giãn cách xã hội để tái khởi động tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiêp. Bên cạnh đó, Chính phủ quyết tâm cao là trong năm nay sẽ giải ngân hết các khoản đầu tư công của các năm trước và cả năm nay. Đây là biện pháp kích cầu tốt, tạo nền tảng cho giai đoạn sau.

Nhưng các doanh nghiệp cũng đề nghị bên cạnh đẩy mạnh đầu tư công thì cũng phải thúc đẩy nhanh đầu tư tư nhân, giải quyết các thủ tục, gỡ các cơ chế để huy động nguồn lực từ dân.

Cảm ơn ông!

Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí (PVN) Lê Mạnh Hùng:
Tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực

img

Trong bối cảnh ngành Dầu khí phải chịu tác động kép từ giá dầu giảm sâu kỷ lục trong gần 20 năm trở lại đây, cùng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, PVN và các đơn vị đã tập trung triển khai gói giải pháp chung của Tập đoàn và gói giải pháp riêng cho từng lĩnh vực/từng khối đơn vị; Xây dựng phương án, kịch bản điều hành cụ thể tại từng thời điểm để giảm thiệt hại do tác động của thị trường.

Tuy nhiên, các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn tất yếu không đạt như kế hoạch. Trong tháng 4, PVN cần tập trung quản trị biến động, tiếp tục tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực (cắt giảm chỗ chưa cần thiết, ngược lại tăng chi cho nhiệm vụ cấp bách), để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh được hiệu quả…

Trịnh Tuyết (ghi)

Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường:
Ưu tiên số 1 là giữ chân người lao động

img

Ngay từ những ngày đầu xuất hiện đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã chỉ đạo các đơn vị thành viên sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn phòng chống dịch, cung ứng thị trường trong nước khoảng 80 triệu chiếc, giúp Tập đoàn giải quyết việc làm cho 20% số lao động bị thiếu việc.

Tập đoàn cũng vừa đưa ra thị trường sản phẩm mới khẩu trang vải 3 lớp chống giọt bắn, kháng khuẩn và đang xúc tiến xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ nhằm bù đắp một phần đơn hàng may mặc bị thiếu hụt. Hiện ưu tiên số 1 của Tập đoàn là giữ chân người lao động, cố gắng duy trì việc làm luân phiên, tạm dừng các dự án đầu tư mới.

Vừa qua Chính phủ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ về gia hạn các khoản thuế, cơ cấu thời hạn trả nợ. Vinatex mong muốn các Bộ ngành sớm có hướng dẫn thực thi một cách thông thoáng và thuận lợi nhất để hỗ trợ hiệu quả, nhanh chóng giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Hồng Hạnh (ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.