Quản lý

Cần chuẩn hóa mô hình quản lý bảo trì đường bộ

17/07/2015, 14:48

Từ nay đến cuối năm, cần nghiên cứu xây dựng mô hình chuẩn cho công tác quản lý bảo trì đường bộ.

2
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Tổng cục Đường bộ VN

Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đối với ngành Đường bộ tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 vào sáng nay (17/6) của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Nhiều chuyển biến trong bảo trì

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ VN tại Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm Tổng cục đã quyết liệt chỉ đạo công tác đấu thầu bảo dưỡng thường xuyên hệ thống quốc lộ. Đến nay, đã có 114/128 tuyến đường hoàn thành việc đấu thầu bảo dưỡng, 14 tuyến đường còn lại đang tổ chức đấu thầu. Giá trúng thầu giảm hơn dự toán duyệt là 73.9 tỷ đồng. Kết quả này góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý bảo trì quốc lộ.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, đã duy tu bảo trì, bảo đảm trật tự ATGT cho toàn bộ 123 tuyến quốc lộ góp phần lưu thông hàng hóa, hành khách và các nhu cầu khác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh. Đã xóa nhiều "ổ gà", điểm sình lún cao su, lún võng trên đường, sơn kẻ trên mặt đường, hoàn thành việc thẩm định phê duyệt và triển khai thực hiện trên 550 dự án sửa chữa định kỳ, trong đó đã hoàn thành 68 dự án. Xử lý kịp thời các tồn tại phát sinh hư hỏng, xuống cấp của hệ thống quốc lộ phục vụ tốt cho nhu cầu vận tải ngày càng tăng, yêu cầu về giảm tai nạn trên cả 3 tiêu chí.

Tuy nhiên, trong công tác quản lý, bảo trì còn một số tồn tại như, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, đấu thầu sửa chữa định kỳ, giải ngân còn chậm, vệ sinh môi trường không thường xuyên...

Chuẩn hóa mô hình quản lý bảo trì đường bộ

Đánh giá 6 tháng đầu năm 2015, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhìn nhận ngành GTVT đã đạt được nhiều thành tích, trong đó có sự đóng góp của Tổng cục Đường bộ VN về công tác bảo trì đường bộ, đảm bảo trật tự ATGT, xây dựng kết cấu hạ tầng, siết tải trọng xe, điều kiện kinh doanh vận tải...

Thứ trưởng Trường cũng yêu cầu Tổng cục tập trung tăng cường công tác quản lý nhà nước về đường bộ, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện các quy hoạch ngành đường bộ và giúp cho các tỉnh phát triển GTNT. Việc xây dựng văn bản QPPL phải theo tinh thần dễ hiểu hơn, dễ thực hiện và đi vào cuộc sống.

Về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Thứ trưởng Trường cho rằng so với những năm trước đây thì bây giờ chúng ta đã có sự chủ động về nguồn vốn từ Qũy bảo trì đường bộ, ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA... tập trung cho công tác nâng cấp hạ tâng đường bộ. Nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để triển khai nguồn vốn này đi vào chuẩn mực. Để làm được điều này, Thứ trưởng Trường yêu cầu Tổng cục cần phải nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý chuẩn trong công tác quản lý, bảo trì đường bộ. Để trên cơ sở đó các Cục, Sở GTVT triển khai thực hiện đưa ra sản phẩm chuẩn mực, giảm chi phí gián tiếp để đưa nguồn vốn tối đa vào việc bảo trì đường bộ.

“Bên cạnh đó cũng cần chuẩn hóa việc giao kế hoạch hàng năm, nguồn vốn dành cho công tác bảo trì hàng năm dao động không lớn. Vì vậy, Tổng cục cần triển khai công tác này ngay từ đầu năm. Không để tình trạng có kế hoạch chi, rồi mới triển khai. Cần chuẩn hóa lại thế nào là sửa chữa thường xuyên, thế nào là sửa chữa định kỳ và thế nào là sửa chữa lớn? Trên cơ sở phần mềm quản lý, hàng quý cần phải chỉ ra được tuyến đường xấu để tăng cường sửa chữa. Nếu nắm chắc được lý lịch của từng con đường và quản lý chặt chẽ, thì sẽ không có những con đường xấu”- Thứ trưởng Trường khẳng định.

Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN thực hiện hiệu quả một số vấn đề như: công tác kiểm soát tải trọng xe; đào tạo và sát hạch lái xe; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.