Thể thao

Cần chuyên biệt ghế HLV các đội tuyển bóng đá quốc gia

25/02/2019, 09:52

Sau tất cả, HLV Park Hang-seo và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã tìm được tiếng nói chung trong việc san sẻ trách nhiệm...

img
Ông Lee Young-jin dẫn dắt đội tuyển U22 Việt Nam dự SEA Games 30 - Ảnh: Nhật Đoàn

Sau tất cả, HLV Park Hang-seo và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã tìm được tiếng nói chung trong việc san sẻ trách nhiệm cho ông thày người Hàn Quốc. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ mang tính chất tình thế, không thể giải quyết căn cơ vấn đề.

Giải pháp tình thế

Hôm nay (25/2), HLV Park Hang-seo cùng Ban huấn luyện sẽ họp với bộ phận chuyên môn của VFF để thống nhất kế hoạch tập luyện, thi đấu cho các đội tuyển trong phần còn lại của năm 2019. Ban đầu, cuộc họp này dự kiến cũng là thời điểm để VFF và HLV Park Hang-seo “chốt” việc có hay không để nhà cầm quân người Hàn Quốc tập trung dẫn dắt một đội tuyển thay vì “ôm” cả như hiện nay. Tuy nhiên, ngày 23/2, VFF đã ra thông báo sẽ để trợ lý Lee Young-jin dẫn dắt tuyển U22 Việt Nam dự SEA Games 29. Trong khi đó, HLV Park Hang-seo đóng vai trò cố vấn.

Nhìn qua ai cũng thấy đây là quyết định hợp lý của VFF trong bối cảnh HLV Park liên tục bày tỏ nguyện vọng được giảm tải công việc. Thực tế cũng cho thấy, ông Park có cái lý của mình bởi nếu tính cặn kẽ, trong năm 2019, vị thuyền trưởng xứ kim chi sẽ phải làm việc 105 ngày cường độ cao (bao gồm thời gian các đội tuyển tập trung, thi đấu) với 24 trận đấu chính thức cả thảy, chưa kể giao hữu. Ở tuổi 60, rõ ràng ông Park khó duy trì được cường độ làm việc như vậy.

Theo bình luận viên Vũ Quang Huy, việc để ông Lee Young-jin nắm tuyển U22 Việt Nam dự SEA Games là rất hợp lý: “Ông Lee là người có chuyên môn tốt, đã được kiểm chứng qua nhiều giải đấu sát cánh cùng HLV Park Hang-seo. Bên cạnh đó, do U22 và đội tuyển quốc gia có sự giao thoa lực lượng nên để một người từng làm việc với cả hai cấp độ đội tuyển này được giao trọng trách sẽ làm tốt hơn một người mới. Tôi tin ông Lee tạo được dấu ấn tại SEA Games sắp tới”.

Mặc dù vậy, trao đổi với Báo Giao thông, Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết: “Do lịch thi đấu SEA Games 30 của U22 Việt Nam và vòng loại World Cup 2022 của đội tuyển Quốc gia có sự trùng lặp nên VFF buộc phải điều chỉnh để đảm bảo các yêu cầu chuyên môn cho hai đội tuyển. Còn ở vòng loại U23 châu Á 2020, ông Park vẫn đảm nhận vai trò thuyền trưởng”. Như vậy, giải pháp VFF vừa đưa ra chỉ mang tính tình thế thay vì hướng tới sự chuyên biệt cho ghế thuyền trưởng ở các đội tuyển.

Đương nhiên, trong sự việc này còn phải nhìn từ phía VFF. HLV Park Hang-seo ký hợp đồng dẫn dắt đội tuyển quốc gia, Olympic và U23 Việt Nam. Khi thời hạn hợp đồng vẫn còn, hai bên chưa ngồi lại bàn thảo việc gia hạn, ông Park vẫn phải tôn trọng hợp đồng. Nhưng trước câu hỏi của Báo Giao thông rằng, VFF có tính tới việc có hai HLV cho đội tuyển quốc gia và U23 trong tương lai hay không, Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh đáp: “Hiện tại, chúng tôi điều chỉnh nhưng ông Park vẫn có mặt ở tuyển U22, đóng góp chuyên môn. Còn xa hơn thì chúng tôi chưa nghĩ tới và còn phụ thuộc vào lịch thi đấu của các đội tuyển”.

Đã đến lúc nghĩ tới sự chuyên biệt

Suốt chiều dài lịch sử bóng đá Việt Nam, HLV trưởng đội tuyển quốc gia kiêm luôn đội Olympic, U23 đã thành thông lệ. Những HLV tiền nhiệm như Toshiya Miura hay Nguyễn Hữu Thắng đều đôi lần rơi vào hoàn cảnh bị chồng lịch. Thế nhưng, chưa nhà cầm quân nào lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu giảm tải và được đáp ứng như HLV Park Hang-seo. Bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng, đây là điểm khởi đầu, thời cơ để bóng đá Việt Nam nghĩ tới việc tách bạch giữa HLV đội tuyển quốc gia và đội U23, Olympic.

“Các nền bóng đá trên thế giới hầu hết đều không dùng HLV kiểu kiêm nhiệm như Việt Nam. Ngay cả trong khu vực Đông Nam Á hiện nay họ cũng theo xu hướng này và theo tôi đã đến lúc bóng đá Việt Nam cần thay đổi. Chúng ta đã có những bước tiến lớn từ đào tạo trẻ tới thành tích ở đấu trường thế giới. Tương lai gần, các đội tuyển sẽ đứng trước những yêu cầu cao hơn về mặt chuyên môn và phương án kiêm nhiệm sẽ càng bộc lộ bất cập vì bị chồng chéo”, ông Huy phân tích.

Cũng theo bình luận viên Vũ Quang Huy, không chỉ tách biệt ở băng ghế huấn luyện, nhân sự cho các đội tuyển cũng nên tách biệt: “Hiện nay, tuyển U23 và đội tuyển quốc gia gần như là một về mặt nhân sự. Mô hình hai trong một này thường áp dụng khi lực lượng mỏng còn bóng đá Việt Nam hiện nay lực lượng kế cận khá dồi dào thì không nên để một cầu thủ chơi cho hai đội tuyển. Như vậy, không chỉ khiến cầu thủ đó bị ảnh hưởng mà các cầu thủ cũng bị giảm đi cơ hội lên tuyển. Đội tuyển quốc gia sẽ là tập hợp của những cái tên xuất sắc nhất còn U23 là tập hợp của những cầu thủ tiềm năng hoặc cần thử thách trước khi lên tuyển quốc gia”.

Trong khi đó, cựu danh thủ Dương Hồng Sơn cũng tán thành việc phải có hai HLV cho đội tuyển quốc gia và U23. Nhà vô địch AFF Cup 2008 chia sẻ thêm, việc nắm đội U23 nên để HLV nội đảm nhận: “Bóng đá Việt Nam đang có nhiều HLV làm đội trẻ rất tốt. Mà cấp độ U22, U23 suy cho cùng vẫn là cầu thủ trẻ. Kinh phí eo hẹp khiến VFF khó thuê được hai HLV giỏi song song, vậy tại sao không trao cơ hội cho các HLV trong nước. Có như vậy, HLV trong nước mới thấy cái đích để phấn đấu, trưởng thành. Tất nhiên, đội U23 hay U22 phải theo triết lý của đội tuyển quốc gia”.

Ngoài ra, cựu danh thủ Dương Hồng Sơn còn lên án bệnh thành tích ở các đội tuyển trẻ. “Bóng đá Việt Nam luôn yêu cầu HLV trưởng đội tuyển quốc gia phải làm cả U23 bởi thành tích (lứa U23 tham dự SEA Games). Với lứa U23, U22, quan trọng nhất là sự phát triển của cầu thủ, phát triển chiến thuật của toàn đội, tạo nền tảng cho chặng đường tiếp theo. Bóng đá thế giới đều theo quy luật như vậy nên các giải trẻ giành cho U23, U20, U19 thường không được các nền bóng đá lớn quan tâm. Nếu đã không đặt nặng thành tích, việc tìm HLV cho U23, U22 sẽ dễ dàng hơn”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.