Quản lý

Cần có biển số riêng cho xe kinh doanh vận tải

06/02/2018, 09:05

Tới đây, các cơ quan chức năng sẽ xem xét bổ sung quy định xe kinh doanh vận tải có màu biển số riêng...

10

Dù có biển cấm nhưng việc phân biệt xe cá nhân và xe Uber, Grab vẫn gặp nhiều khó khăn - Ảnh: Khánh Linh

Khó xử lý vi phạm vì biển số cùng màu trắng

Đầu tháng 1/2018, Sở GTVT Hà Nội cắm biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi, trong đó có Uber, Grab hoạt động tại 11 tuyến phố trung tâm trong khung giờ cao điểm. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, đến nay, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra. Mặc dù, có biển cấm nhưng loại hình xe hợp đồng Uber, Grab vẫn tìm cách qua mặt CSGT ra vào đón, trả khách.

Thừa nhận việc phân biệt xe cá nhân và xe Uber, Grab rất khó khăn, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, theo quy định xe Uber, Grab đều phải dán phù hiệu xe hợp đồng. Sở đã yêu cầu các công ty kinh doanh xe hợp đồng phải dán phù hiệu trên xe. Nhưng có tình trạng họ dán phù hiệu rất nhỏ.

"Nhiều nước quy định màu biển số riêng để dễ nhận diện xe kinh doanh vận tải, phân biệt với xe cá nhân hay xe kinh doanh vận tải được ưu tiên. Bên cạnh đó, nhiều nước dùng cách này trong tổ chức giao thông hay để hạn chế phương tiện cá nhân. Đối với xe kinh doanh vận tải, cần yêu cầu về lái, phụ xe, quản lý kỹ thuật phương tiện an toàn khác hơn so với xe cá nhân, không chỉ là trách nhiệm của người lái mà còn là trách nhiệm của người sở hữu phương tiện. Trong đảm bảo ATGT, việc phân biệt phương tiện kinh doanh vận tải và phương tiện không kinh doanh vận tải bằng màu biển số là cách thức thuận lợi cho công tác đảm bảo trật tự ATGT”.

Phó Chủ tịch chuyên trách
Ủy ban ATGT Quốc gia
Khuất Việt Hùng

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, taxi truyền thống có logo, mào, phù hiệu, số điện thoại nhưng “taxi công nghệ” mặc dù có phù hiệu nhưng lại rất nhỏ, khó nhận diện và có xe dán, xe không. “Không dễ, nếu không muốn nói là khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm, vì xe hợp đồng dưới 9 chỗ, nếu bỏ tem thì không phân biệt được với xe cá nhân”, ông Hùng nhận định.

Từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, phải phân biệt màu sơn giữa xe không kinh doanh và các phương tiện vận tải kinh doanh từ taxi, xe hợp đồng, xe chở khách tuyến cố định, xe chở hàng hóa đều cấp chung biển số 1 màu, có thể màu vàng như một số nước. Xe cá nhân không kinh doanh giữ biển số màu trắng như hiện nay, còn các xe kinh doanh phải quy định màu vàng. Làm được như vậy, nhìn vào ai cũng biết, công tác quản lý cũng dễ dàng hơn, thay vì phải theo nhóm, theo nhiều loại hình rất phức tạp như hiện nay. Mặt khác, nếu các xe kinh doanh được cấp biển số 1 màu, cũng giúp loại bỏ các loại logo, phù hiêu rườm rà, gây lãng phí. Ông Nguyễn Công Hùng cho rằng, biển số màu vàng sẽ giúp cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong kiểm soát xe kinh doanh, tạo sự công bằng thực sự cho mọi loại xe. Còn các xe của Nhà nước thì biển màu xanh, xe quân đội biển đỏ.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN cho rằng: “Cứ xe kinh doanh thì cấp biển số một màu sẽ dễ dàng nhận biết, quản lý. Đơn cử Grab hay Uber, bản chất cũng là taxi, đưa vào một loại hình quản lý như taxi. Mà muốn xử lý loại hình này cũng không dễ dàng vì nhiều xe chạy là xe cá nhân, nếu họ không chở khách, bỏ logo dán trên kính xuống thì “chịu” không xử phạt được”.  

Đề nghị sửa luật

Trao đổi  với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, việc quản lý phù hiệu, biển hiệu giữa các loại hình kinh doanh vận tải đang không có sự minh bạch. Xe kinh doanh vận tải được cấp phù hiệu lên đến 7 năm nên rất khó kiểm soát đối với xe vận tải hàng hóa hay hợp đồng, khi phù hiệu bị mờ hoặc lái xe không dán phù hiệu sẽ làm khó lực lượng chức năng xử lý do không biết được xe đó có kinh doanh vận tải hay không.

Theo ông Huyện, trong lần sửa luật này, tổng cục sẽ đề xuất bổ sung quy định màu, biển số riêng là màu vàng với toàn bộ phương tiện kinh doanh vận tải để phân biệt với xe cá nhân. “Hiện, xe của cơ  quan quản lý nhà nước có màu biển xanh, xe quân đội có biển màu đỏ, còn lại xe kinh doanh vận tải và xe cá nhân đang có chung màu biển trắng nên khi xe kinh doanh vận tải vi phạm rất khó cho lực lượng chức năng phát hiện để xử phạt, nhất là đối với xe hợp đồng và xe Uber, Grab”, ông Huyện lý giải và khẳng định: “Khi quy định màu biển riêng, người dân và lực lượng chức năng sẽ biết ngay đó là xe kinh doanh vận tải, dễ dàng xử phạt phương tiện vi phạm, giúp cơ quan quản lý thuận lợi trong tổ chức, điều hành giao thông và kiểm tra, xử lý vi phạm. Đảm bảo công bằng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình kinh doanh vận tải”.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho rằng, đây cũng là giải pháp tốt để quản lý xe dù, xe trá hình, còn nếu chỉ quy định màu biển số riêng chỉ để thay phù hiệu, biển hiệu cần tính toán kỹ, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp. Với số lượng lớn xe kinh doanh vận tải trong cả nước, khi thay đổi doanh nghiệp sẽ mất chi phí lớn do mất nhiều thời gian đăng ký lại biển số, các thủ tục tại ngân hàng và xe phải dừng kinh doanh.

“Nếu chỉ quy định màu biển số chung cho xe kinh doanh vận tải mà không có sự thay đổi đồng bộ chính sách quản lý vận tải, thủ tục hành chính vẫn giữ nguyên sẽ khó giải quyết vấn đề. Cần có giải pháp tổng thể giải quyết vấn đề bình đẳng trong kinh doanh giữa các loại hình vận tải, có sự bình đẳng về thuế và phải thay thế được nhiều thủ tục hành chính hiện nay như phù hiệu, biển hiệu, giấy phép kinh doanh. Khi đó, doanh nghiệp chỉ có nghĩa vụ kinh doanh và nộp thuế”, ông Hải phân tích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.