Chính trị

Cần cơ chế đặc biệt để Hà Nội phát triển hạ tầng

04/07/2017, 08:02

Cần có những cơ chế chính sách đặc biệt thu hút nguồn lực tạo cơ sở hạ tầng thiết yếu cho Thủ đô.

7

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội khóa XV

Phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội khóa XV, khai mạc sáng 3/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, cần có những cơ chế chính sách đặc biệt thu hút nguồn lực tạo cơ sở hạ tầng thiết yếu cho Thủ đô.

Mặt khác, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hà Nội siết chặt kỷ cương trong quản lý đô thị. Tăng cường công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị. Xử lý nghiêm những vi phạm về trật tự xây dựng, ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố…

Góp ý kiến trong phần thảo luận sau đó, ĐB Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho rằng, Hà Nội đã từng bước thay đổi cách nhìn của dư luận về “Hà Nội không vội được đâu”. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận Thủ đô đang gặp phải rào cản như nguy cơ tụt hậu về quản lý đô thị, công nghệ và trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra một xã hội hoàn toàn mới. “Câu chuyện bùng nhùng của taxi Uber và Grab thời gian qua thay đổi quan hệ xã hội, thách thức, vượt qua quy chuẩn hiện hành của luật pháp mà chúng ta không thể chối bỏ được. Liệu chúng ta có tụt hậu trong cuộc cách mạng 4.0 hay không?”, ông Thường đặt vấn đề và cho rằng, Hà Nội cần cải thiện năng lực kiến tạo, đồng thời cấp thiết hạn chế phương tiện giao thông cá nhân do sự phát triển không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện giao thông cá nhân.

Trước đó, ông Hà Minh Hải, Giám đốc Sở Tài chính đã báo cáo phương án sử dụng và trả nợ vốn vay lại nguồn vốn ODA của dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.

Theo đó, tổng nguồn vốn vay ODA của dự án theo phương án do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội lập là hơn 957 triệu euro (tương đương 24.589.185 triệu VND. Trong đó, vốn cấp phát là hơn 469 triệu euro (tương đương 12.523.060 triệu VND) và vốn vay lại là hơn 487 triệu euro (tương đương 12.066.125 triệu VND).

Về tình hình thực hiện, ông Hải cho biết, dự án đã hoàn thành đấu thầu và ký kết hợp đồng 8/9 gói thầu, hiện còn gói thầu số 9 - Hệ thống thẻ vé đang chuẩn bị, chưa triển khai đấu thầu. Đến nay, dự án thực hiện được khoảng 30% khối lượng, tiến độ thực hiện dự án đang có những chuyển biến tích cực, chủ đầu tư đã chủ động thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, các gói thầu xây lắp đã từng bước rút ngắn thời gian bị chậm, phấn đấu hoàn thành dự án vào năm 2021.

Cũng theo Giám đốc Sở tài chính, hiện dự án đang vay vốn của 4 nhà tài trợ là Chính phủ Pháp, AFD, EIB và ADB. Tổng nợ vay lại phải trả ước tính là 561,32 triệu euro và 112,31 triệu USD (tương đương 15.821.323 triệu VND). Trong đó, giá trị nợ vay lại phải trả trong giai đoạn 2017 - 2020 ước tính là 822.232 triệu VND.

Theo các hiệp định vay đã ký với nhà tài trợ, bắt đầu từ năm 2017, UBND TP sẽ phải trả nợ khoản vay lại đầu tiên với giá trị khoảng 6,69 triệu euro (khoảng 159,36 tỷ đồng), thời điểm trả nợ khoản vay lại cuối cùng là năm 2055.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.