Đường sắt đô thị

Cần cơ chế đặc thù phê duyệt, triển khai các dự án đường sắt đô thị

Việc thủ tục trình duyệt dự án phải qua nhiều cấp, có thể dẫn đến chậm trễ việc triển khai, ảnh hưởng tiến độ các dự án metro.

img
Đoàn tàu metro lần đầu tiên đặt bánh trên đường ray ở depot Long Bình (TP.HCM)
ngày 10/10 (Ảnh Nguyên Hằng)

Sự kiện đoàn tàu metro số 1 từ Nhật Bản về Việt Nam và đặt bánh lên đường ray ở depot Long Bình (TP.HCM) đã tạo ra cảm xúc hân hoan trong người dân TP.HCM và cả nước. Để đạt được thành công đó, có nỗ lực rất lớn của Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR).

Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (QLĐSĐT - MAUR) về thời khắc có tính cột mốc của dự án.

Đón đoàn tàu metro về khi cả thế giới đang vất vả chống dịch Covid-19 là nỗ lực rất lớn của lãnh đạo và toàn thể Ban QLĐSĐT, ông có cảm nhận gì đặc biệt?

Hiện nay, đoàn tàu đầu tiên của dự án tuyến Metro số 1 TP.HCM, Bến Thành - Suối Tiên đã đặt bánh trên đường ray của dự án. Đây là niềm vui rất lớn của lãnh đạo cũng như toàn thể Ban QLĐSĐT, đồng thời là minh chứng cho những nỗ lực của Ban trong thời gian qua đã có kết quả.

Trong suốt một năm vừa qua, chúng tôi đã cố gắng đẩy mạnh toàn lực cho công tác thực hiện dự án. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hạng mục của dự án chưa thể triển khai đúng tiến độ do nhiều nguyên nhân khách quan.

Đó là vật tư, thiết bị của dự án dù đã được đặt hàng, sản xuất ở nước ngoài nhưng do dịch Covid-19 nên các kỹ sư của Nhật không thể sang các nước được đặt hàng để tiến thành thí nghiệm, kiểm tra chất lượng tại nhà máy theo như quy định.

Tiếp đó, việc nhập khẩu vật tư, thiết bị về Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn do không có các chuyến vận chuyển, các chuyên gia đi cùng có khả năng không được nhập cảnh vào Việt Nam.

Trước các khó khăn vướng mắc nêu trên, với sự chủ động và linh hoạt trong công việc, lãnh đạo Ban và tập thể Ban QLĐSĐT đã tìm kiếm các giải pháp để có thể tiếp tục tiến hành các công việc của dự án.

img
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (giữa) cùng lãnh đạo UBND TP.HCM và lãnh đạo Ban QLĐSĐT trong một chuyến khảo sát dự án. (Ảnh N.H.)

Đó là những giải pháp gì, thưa ông?

Chúng tôi cho phép nhà thầu và tư vấn thuê bên thứ 3 độc lập (các công ty chuyên kiểm định, thử nghiệm) tại các nước sở tại sản xuất vật tư thiết bị tiến hành công tác kiểm tra thí nghiệm tại nhà máy và chủ đầu tư cùng tư vấn giám sát chặt chẽ.

Chúng tôi báo cáo UBND TP.HCM các cơ quan có thẩm quyền, cho phép chuyên gia nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam, thực hiện đúng quy định kiểm dịch y tế. Như mọi người đã biết, trước khi đoàn tàu được vận chuyển về Việt Nam, đoàn chuyên gia Nhật Bản đã nhập cảnh qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất và được cách ly 14 ngày theo quy định của nhà nước Việt Nam.

Riêng đối với việc nhập khẩu đoàn tàu về TP.HCM, trong suốt từ đầu năm đến nay, Ban QLĐSĐT đã theo dõi tiến độ thực hiện, phối hợp sát sao với nhà thầu chính Hitachi để thực hiện nhiều công việc.

Đó là xin cấp phép cho các chuyên gia kỹ thuật trong việc nâng hạ, vận chuyển, lắp ráp đoàn tàu được phép nhập cảnh phù hợp thời gian với việc vận chuyển tàu. Đồng thời tìm kiếm đơn vị vận chuyển phù hợp và chấp nhận thực hiện việc vận chuyển đoàn tàu từ Nhật về Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra.

Song song đó, chúng tôi tiến hành công tác thi công hoàn thiện khu vực thử tàu tại depot Long Bình (Q.9, TP.HCM), đảm bảo có thể tiến hành vận hành thử và kiểm nghiệm ngay lập tức sau khi đoàn tàu đầu tiên về được depot.

ràng là sau một thời gian dài đình trệ, gần đây tuyến metro số 1 đã tăng tốc ngoạn mục. Điều gì đã làm nên điều này, thưa ông?

Trong suốt khoảng thời gian từ giữa 2016 trở đi, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ thi công tuyến metro số 1 TP.HCM. Có thể nhìn nhận là dự án khá trì trệ và có lúc người dân TP.HCM nghi ngờ về việc dự án có hoàn thành hay không…

Tuy nhiên, từ đầu 2019 cho đến nay, bằng nhiều giải pháp, cách thức, sự nỗ lực của lãnh đạo, toàn thể tập thể Ban QLĐSĐT phối hợp với các nhà thầu và tư vấn của dự án, tiến độ thi công thực hiện dự án đã được cải thiện đáng kể. Các giải pháp có thể kể đến như:

Lãnh đạo Ban QLĐSĐT đã vạch ra các chiến lược và các kế hoạch thực hiện tổng thể cũng như chi tiết từng lĩnh vực của Dự án. Theo dõi, cập nhật và kiểm soát chặt chẽ các kế hoạch nêu trên cũng như tìm kiếm giải pháp tháo gỡ kịp thời khi có khó khăn.

Chú trọng ổn định đội ngũ nhân lực của Ban QLĐSĐT, bố trí nhân sự phù hợp với khả năng và chuyên môn nhằm phát huy tối đa năng lực và tính sáng tạo trong công việc của từng cá nhân ở từng vị trí công tác. Tiến hành tuyển dụng các nhân sự có kinh nghiệm, có trình độ và nhiệt huyết để đẩy mạnh tiến độ và chất lượng công việc thực hiện.

img
Đoàn tàu metro cập cảng Khánh Hội, TP.HCM sáng 8/10. (Ảnh NH)

Đặc biệt, có sự tham gia giải quyết công việc trực tiếp và đều đặn từ các cấp lãnh đạo của Ban QLĐSĐT đối với các công việc của dự án như rà soát và đẩy nhanh công tác giải ngân, thanh toán các khối lượng tồn đọng trong suốt thời gian dài, dở dang bị bỏ ngỏ trong suốt thời gian dài từ 2016. Quan trọng nhất trong số đó là công tác phê duyệt điều chỉnh 2 dự án tuyến Metro số 1 và số 2 trong cuối năm 2019.

Song song đó, chúng tôi tái lập và duy trì việc lãnh đạo Ban trực tiếp tham gia giải quyết công tác quản lý giao diện giữa các gói thầu với nhau. Về mặt kỹ thuật, đây là một trong các công tác cực kỳ quan trọng và đòi hỏi phải luôn được giải quyết hiệu quả của dự án do dự án có nhiều tổng thầu thi công ở các vị trí khác nhau cũng như trong lĩnh vực thi công công trình và cơ điện.

Trên hết, chúng tôi xác định củng cố đoàn kết nội bộ Ban QLĐSĐT, tập trung cao nhất trí tuệ, sức lực vì một mục tiêu hoàn thành các công trình Đường sắt đô thị cho TP.HCM.

img
Thông tin tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên
img
Dấu ấn và các điểm mốc quan trọng
img
Các gói thầu

MAUR có những kiến nghị, đề xuất gì trong thời gian tới?

Theo Luật Đường sắt năm 2017, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác đường sắt đô thị trên địa bàn quản lý.

Tuy nhiên, các dự án đường sắt đô thị với đặc thù vốn đầu tư lớn (hàng tỷ USD), thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia theo Luật Đầu tư công năm 2019 sẽ do Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án. Do đó, thủ tục trình duyệt dự án phải qua nhiều cấp, có thể dẫn đến chậm trễ việc triển khai.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này, kiến nghị cần nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù để phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh trong việc quyết định phê duyệt các dự án đường sắt đô thị.

Bên cạnh đó, các dự án đường sắt đô thị là những dự án có tính chất kỹ thuật phức tạp và đang được tài trợ từ các quốc gia có công nghệ khác nhau (Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha…) nên khó đảm bảo việc kết nối giữa các tuyến để phát huy hiệu quả của hệ thống. Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm nghiên cứu và ban hành quy chuẩn kỹ thuật dùng chung, làm cơ sở triển khai việc tích hợp và kết nối giữa các tuyến đường sắt đô thị.

Ngoài ra, việc sớm ban hành khung pháp lý như luật, nghị định, thông tư hướng dẫn riêng cho đường sắt đô thị là rất cần thiết, bao gồm tất cả các khía cạnh như giải phóng mặt bằng, khai thác quỹ đất dọc các tuyến cho đến trình tự, thủ tục phê duyệt, vận hành bảo dưỡng... nhằm đảm bảo sự đồng bộ trong quá trình triển khai Dự án.

“Hệ thống mạng lưới metro trong tương lai nếu được xây dựng hoàn chỉnh như kế hoạch và định hướng nêu trên, tôi tin rằng sẽ là một trong các giải pháp chính giải quyết bài toán giao thông của TP.HCM như hiện nay đã quá tải, chật chội, không thể mở rộng hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và mạnh của TP

Ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó ban QLĐSĐT TP.HCM

Mạng lưới metro TP.HCM trong tương lai

Theo Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM gồm:

Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị TP khoảng 220km, trong đó có khoảng 140 nhà ga với 8 tuyến (xuyên tâm và vành khuyên) nối các trung tâm chính của thành phố và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (Tramway hoặc Monorail).

Hệ thống này sẽ là hệ thống động mạch chính cho mạng lưới giao thông của TP. Trong tương lai, cùng với hệ thống xe buýt, nó sẽ tích hợp thành hệ thống giao thông công cộng hoàn chỉnh, dự kiến sẽ đảm đương khoảng từ 35-40% nhu cầu đi lại của người dân.

Những hình ảnh ghi dấu ấn đón đoàn tàu metro:

img
Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban QLĐSĐT (giữa) cùng lãnh đạo Ban và nhà thầu đi kiểm tra công tác chuẩn bị tại ga Depot Long Bình (Q.9)
img
Lãnh đạo Ban QLĐSĐT cùng kỹ sư, chuyên gia, nhà thầu kiểm tra đường ray tàu trước khi đoàn tàu metro đưa về và đặt chạy thử tại ga Depot Long Bình (Q.9)
img
Đúng như dự kiến, sau 8 ngày vận chuyển, 3 toa tàu metro số 1 đầu tiên cập cảng Khánh Hội (Q.4) vào 8h sáng 8/10
img
Đoàn tàu được các chuyên gia nước ngoài trực tiếp giám sát an toàn về cảng
img
Đưa đoàn tàu lên tổ hợp xe có sức chở trên 200 tấn
img
Tổ hợp xe có sức chở trên 200 tấn được kết nối với các rơ-moóc thủy lực chuyên dụng 12 trục nối nhau đưa tàu metro về Depot Long Bình (Q.9) tối 10/10
img
Đêm 10/10, đoàn tàu metro đã được CSGT, xe cứu hỏa "hộ tống" về depot Long Bình an toàn, người dân TP.HCM hiếu kỳ đội mưa đứng xem
img
Đoàn tàu được các thiết bị đặt xuống đường ray Depot Long Bình , Q.9
img
10h15 ngày 10/10, sau những cân chỉnh tỉ mỉ dưới sự giám sát và vận hành nghiêm ngặt, tàu metro số 1 đã được cẩu đặt lên các thanh ray

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.