Xã hội

Cần cơ chế để cán bộ "không dám, không muốn, không ham" tham nhũng

24/10/2021, 10:20

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, ngoài tuyên truyền, cần có cơ chế để cán bộ "không dám, không muốn, không ham" tham nhũng.

Tiếp tục kỳ họp thứ hai, sáng nay (24/10), Quốc hội thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

img

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà

Có cơ chế để cán bộ không dám, không muốn tham nhũng

Thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, thời gian qua, công tác này được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Trong chỉ đạo điều hành, công tác tuyên truyền nhận thức, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu và quy trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan đơn vị được người dân đồng tình ủng hộ, với nhiều biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.

"Công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát được thường xuyên, xử lý sai phạm rất kiên quyết không vùng cấm. Tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, tạo niềm tin tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần làm lành mạnh, trong sạch bộ máy nhà nước", ông Hòa nói.

Tuy nhiên, đại biểu đến từ đoàn Đồng Tháp cho rằng, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công, những nơi nhạy cảm trên các lĩnh vực dễ tiếp cận tham nhũng chưa được ngăn chặn có hiệu quả, đặc biệt là trong ngành y tế, cơ quan bảo vệ pháp luật.

"Nơi đây là liêm khiết trong sạch, nhưng lại có bộ phận không nhỏ tham nhũng rất nghiêm trọng, đến mức phải truy cứu hình sự gây bức xúc trong nhân dân, giảm lòng tin vào những người mà mình tin tưởng nhất", đại biểu Hòa nói.

Để công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả, đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng cho cán bộ, viên chức, người lao động để ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng; cần có cơ chế để cán bộ "không dám, không muốn, không ham" tham nhũng.

"Trong công tác thanh tra, kiểm toán giám sát trên các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, cán bộ thanh tra, kiểm toán phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi công vụ, không vì áp lực, hoặc nhiều lý do khác nhau mà bỏ qua sai phạm nghiêm trọng của tổ chức cá nhân sai phạm, nếu vi phạm phải xử nghiêm để răn đe", ông Hòa nói.

Đại biểu Hòa cũng cho rằng, cơ quan thẩm quyền cần sớm ban hành các quy định cụ thể về kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ, viên chức, người đứng đầu, nhằm khắc phục hạn chế công tác này trong thực tế.

img

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thừa Thiên Huế)

Tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác tội phạm chưa đạt mục tiêu

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng, trong năm 2021, tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác tội phạm, tỷ lệ giải quyết vụ án chưa đạt mục tiêu Quốc hội giao.

Một số vụ án, vụ việc còn kéo dài, án trả hồ sơ bổ sung giữa các cơ quan tố tụng còn xảy ra. Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị Giám đốc thẩm và tái thẩm chưa cao, kết quả thi hành án dân sự đạt thấp.

Theo ông Hải, có nhiều nguyên nhân dẫn đến một số tồn tại trên, như dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng vụ án, vụ việc phải giải quyết vẫn nhiều; điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán đang phải đối diện áp lực rất lớn đối với những quy định ngày càng chặt, đòi hỏi phải tăng cường trách nhiệm để tránh oan sai và tránh bỏ lọt tội phạm.

"Chế độ phụ cấp của điều tra viên còn hạn chế so với chức danh tư pháp khác. Thực hiện chính sách tinh giảm biên chế nên các ngành không đủ biên chế và các ngành chức danh tư pháp để đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ ngày càng tăng cao”, ông Hải nói.

Đại biểu đến từ đoàn Thừa Thiên Huế cho biết, trong báo cáo thì ngành công an, viện kiểm sát, tòa án nhân dân còn thiếu biên chế, nhất là đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán.

"Để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ được giao, giảm áp lực công việc, giảm oan sai, bỏ lọt tội phạm, đề nghị Quốc hội xem xét tăng hoặc bổ sung biên chế ít nhất cũng bằng biên chế trước năm 2015, khi chưa thực hiện chính sách cắt giảm biên chế trong ngành tòa án và viện kiểm sát nhân dân. Cùng với đó quan tâm chế độ phụ cấp cho điều tra viên trong lực lượng công an nhân dân", đại biểu Hải đề xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.