Xã hội

Cần cơ chế giám sát các trung tâm bảo trợ xã hội

29/11/2019, 06:47

Nhiều bạn đọc cho rằng, phải tăng cường cơ chế giám sát chặt chẽ đối với các trung tâm bảo trợ xã hội.

img
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Dương nơi bé gái tố bị hiếp dâm trong thời gian dài

Vài ngày nay, thông tin một bé gái tố bị xâm hại trong Trung tâm Bảo trợ xã hội ở Bình Dương đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi, chỉ nửa tháng trước, hàng loạt bé gái ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội ở TP HCM cũng cho biết bị một nhân viên tên D. xâm hại tình dục trong thời gian dài.

Việc các bé gái bị xâm hại khi đang sống trong các trung tâm bảo trợ của Nhà nước là không thể chấp nhận và cần sớm trừng trị những kẻ phạm tội, đồng thời có giải pháp ngăn chặn tình trạng này xảy ra trong tương lai.

Nhiều bạn đọc đã gửi thư về hộp thư của Báo Giao thông hoặc bình luận ngay dưới các bài viết đưa tin về sự việc này cho rằng, phải tăng cường cơ chế giám sát xã hội với các mô hình này.

Bạn đọc Lê Anh Hòa (Hà Nội) viết: “Cách đây không lâu, gần nơi tôi ở có vụ việc tai tiếng khiến nhiều người mất niềm tin vào các trung tâm từ thiện. Đó là việc Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội tuồn hàng từ thiện ra ngoài bán. Người thì mang đến ủng hộ, kẻ thì mang đi bán hưởng lợi riêng. Sự việc kéo dài rất lâu mà không cơ quan nào phát hiện chỉ khi báo chí đưa tin mới ồn ào lên. Thiết nghĩ, các cơ sở bảo trợ xã hội đều do Nhà nước thành lập, vậy công tác giám sát hoạt động tại đây ra sao, vì sao không chủ động phát hiện ngăn chặn mà đến khi nạn nhân tố cáo hoặc báo chí vào cuộc mới lộ ra?”.

Bạn đọc Huệ Anh (TP HCM) lại cho rằng: “Cả nước có hàng trăm cơ sở bảo trợ xã hội đang chăm lo cho những đối tượng người già neo đơn, người tàn tật, các em nhỏ không nơi nương tựa. Chăm sóc cho các đối tượng này là chính sách nhân văn, cả xã hội có nghĩa vụ chung tay đóng góp. Tuy nhiên, lập ra không khó, khó là duy trì và giám sát các trung tâm hoạt động hiệu quả. Không nhất thiết phải dùng 100% vốn ngân sách. Nên phát huy bằng nguồn lực xã hội hóa nhưng phải có cơ chế minh bạch, công khai”.

Bạn đọc Tùng Lê (Bình Dương) hiến kế: “Cần xây dựng cơ chế giám sát xã hội với mô hình này. Lâu nay, cấp trên là Sở LĐ, TB&XH các tỉnh không mấy khi thanh, kiểm tra phát hiện ra các ung nhọt tại các trung tâm bảo trợ. Tôi cho rằng, đại diện Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ… ở địa phương hàng tháng, hàng quý hoặc phải đột xuất tới giám sát hoạt động của các trung tâm bảo trợ. Đây cũng là trách nhiệm của các tổ chức này. Có như vậy những người yếu thế khi vào đây mới không tiếp tục trở thành nạn nhân của những tội phạm như xâm hại tình dục, phân biệt khi đối xử…”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.