Xã hội

Cần cơ chế ràng buộc cụ thể để cán bộ không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm

24/05/2023, 06:45

ĐBQH Phạm Văn Hoà cho biết giải bài toán làm gì để cán bộ mạnh dạn, dám làm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong công tác tổ chức cán bộ hiện nay.

Không dám làm do luật chồng chéo chỉ là đổ thừa

Chiều 23/5, đại biểu Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Uỷ ban Pháp luật đã trao đổi với PV Báo Giao thông bên hành lang Quốc hội về tình trạng cán bộ công chức, người đứng đầu né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ hiện nay.

img

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà

Trong bài phát biểu khai mạc phiên họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cần có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Theo ông, cần có giải pháp cụ thể nào để khắc phục, chấn chỉnh tình trạng này?

Không chỉ trong bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ cũng từng nói rất nhiều lần trong các hội nghị, họp giao ban, họp tổng kết quý, năm, họp báo về tinh thần trách nhiệm, sự né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ, ngành, các cơ quan, các cá nhân lãnh đạo.

Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, cần quan tâm chú ý nhiều hơn, cần có cơ chế ràng buộc một cách cụ thể để không còn tái diễn tình trạng cố tình đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hiện nay.

Có như vậy, tình hình phát triển kinh tế đất nước, tình hình lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các ngành, các cấp mới đạt hiệu quả cao. Nếu không sẽ gây chậm trễ, ảnh hưởng đến những công việc quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như: giải ngân vốn đầu tư công, vốn đầu tư xây dựng cơ bản, các công trình thiết yếu, các lĩnh vực cần phải vực dậy nền kinh tế.

Theo tôi, cần phải có cơ chế chính sách đặc thù để bảo vệ công lý, trách nhiệm, bảo vệ cán bộ để họ yên tâm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với công việc của mình.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất ban hành Nghị quyết chấn chỉnh cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm. Có nên ban hành riêng một Nghị quyết về nội dung này không?

Tôi cho rằng trong điều kiện hiện nay, có thể chỉ cần Chính phủ ban hành Nghị định, bao gồm nhiều nội dung, trong đó có nội dung về tinh thần trách nhiệm của công chức, viên chức và người đứng đầu là đủ pháp lý, đủ hiệu lực, sẽ phù hợp và hợp lý hơn là Quốc hội ban hành Nghị quyết.

Một trong những nguyên nhân thường được lấy ra để biện minh cho việc không dám làm, đó là pháp luật còn có sự chồng chéo, có thể đúng với luật này nhưng chưa đúng với luật kia.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nhiều địa phương kêu luật pháp chồng chéo nhưng khi đề nghị chỉ ra cụ thể chồng chéo chỗ nào thì không chỉ ra được. Là Ủy viên Uỷ ban Pháp luật, ông có thấy sự chồng chéo không?

Tôi cho rằng, nói luật chồng chéo luật chỉ là đổ thừa. Sau đại dịch Covid-19 cùng với một số vụ đại án liên quan đến cán bộ bị điều tra, khởi tố đã khiến nảy sinh tâm lý chùn bước trong cán bộ, công chức.

Hiện nay các cơ quan điều tra đang đi vào hồi tố, xử lý những sai phạm trong quá khứ từ 5 - 10 năm trước đây của các cán bộ. Trong khi họ nghĩ rằng, thời điểm đó họ làm đúng và vì vậy, đến nay họ đã lên chức cao.

Có những cán bộ bị tù tội vì sai phạm trong công tác nhiều năm trước, còn ở vị trí hiện tại họ đang làm rất tốt, được nhiều người khen ngợi.

Vậy vì sao sai phạm xảy ra từ rất lâu, nay mới phát hiện ra. Đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan tư pháp, kiểm toán, thanh tra, ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đã phanh phui... các đại án này.

Tôi cho rằng, có thể vì chứng kiến những sự việc này đã khiến các cán bộ, công chức hiện nay nảy sinh tâm lý e ngại, không dám xông pha làm công việc của mình, dù họ có năng lực, có trách nhiệm, có phẩm chất.

img

Quang cảnh kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV

Nếu cán bộ không dám nghĩ, dám làm, mục tiêu GDP năm 2023 rất khó đạt

Hệ luỵ sẽ thế nào nếu tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm kéo dài trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn hiện nay?

Tôi cho rằng, nếu tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, làm theo kiểu "ầu ơ ví dầu" tiếp tục kéo dài chắc chắn sẽ khiến tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, trong lúc này, hơn bao giờ hết, chúng ta rất cần những cán bộ cốt cán, cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn giỏi, có tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám xông vào các công việc cần thiết để đôn đốc, thực hiện các nhiệm vụ của mình nhằm vực dậy nền kinh tế đang khó khăn như trong báo cáo 4 tháng đầu năm 2023 của Chính phủ nêu vừa qua.

Nếu không, GDP cuối năm sẽ không đạt theo mục tiêu đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội.

Tăng trưởng GDP quý I/2023 chỉ đạt 3,32%, giảm sâu so với cùng kỳ, trong khi đó dự báo nền kinh tế trong các quý còn lại của năm cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo đại biểu cần có giải pháp đột phá như thế nào để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% GDP năm 2023?

Tôi cho rằng, đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% GDP cả nước năm 2023 trong bối cảnh hiện nay rất khó khăn, do đó, việc có những giải pháp đột phá là cực kỳ quan trọng.

Tuy nhiên, nói khó chứ không phải không đạt được. Nếu cơ chế chính sách được tháo gỡ ngay từ lúc này, cùng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của công chức, viên chức và người đứng đầu có sự quyết liệt trong phân công cụ thể từng công việc, tôi cho rằng, sẽ đạt được mục tiêu về GDP năm 2023.

Trong đó, cần tập trung tháo gỡ những vấn đề cốt lõi hiện nay như: giải ngân vốn đầu tư công phải đạt mục tiêu đề ra, lúc đó kinh tế mới phát triển được, GDP mới tăng.

Hay từ nay đến cuối năm cần vực dậy thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán.

Song song với đó, chú trọng phát triển doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp đang ngưng hoạt động quay trở lại cũng như tạo môi trường hoạt động tốt cho các doanh nghiệp mới đăng ký, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, số lượng công nhân đông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.