Người dân thông qua bầu cử để chọn ra các đại diện của mình (Trong ảnh: Bầu cử Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016 tại Hà Nam) |
Thời gian qua, ở hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội, số người tự ứng cử rất lớn nhưng qua các vòng đã loại dần và chỉ còn lại rất ít. Và từ trước đến nay, cũng phải thừa nhận rằng lượng người tự ứng cử ĐBQH nhiều nhưng tỷ lệ người trúng cử lại rất ít.
Như cách làm của một số nước trên thế giới, không chỉ người tự ứng cử mà cả người được cơ quan, tổ chức giới thiệu cũng phải tuân theo quy định lấy được chữ ký ủng hộ của cử tri nơi cư trú nhằm thể hiện sự đồng thuận của cử tri đối với ứng viên ứng cử ĐBQH. Người lấy được nhiều chữ ký là người được nhiều cử tri ủng hộ. Ngoài thu thập chữ ký, một số nước cũng yêu cầu ứng viên phải đặt cọc một số tiền nhất định để chi phí cho các hoạt động trong quá trình bầu cử. Nếu trúng cử thì sẽ được trả lại tiền, không thì tiền đó sẽ đưa vào công quỹ phục vụ cho các hoạt động chung.
Tuy nhiên, ở nước ta không có cơ chế ấy. Tôi cho rằng, lấy chữ ký ủng hộ của cử tri đối với những người tự ứng cử là rất cần thiết, nhưng nếu áp dụng quy định đặt cọc tiền thì chưa chắc chúng ta đã thực hiện được. Bởi với quy định này, với những người tự ứng cử là người yếu thế như dân tộc thiểu số, giáo viên, công nhân, họ làm gì có tiền để đặt cọc, trong khi đó, những người tự ứng cử thuộc các doanh nghiệp lại dễ dàng hơn.
Vì thế, điều quan trọng hơn là cần nghiên cứu quy định, làm sao những người tự ứng cử phải lấy được số phiếu ủng hộ nhất định của cử tri, thể hiện họ là người có uy tín đối với cử tri, được cử tri tin tưởng…
Một vấn đề khác cũng quan trọng không kém, đó là trong luật của chúng ta đã quy định tỷ lệ, cơ cấu cho tất cả các thành phần khác nhưng với người tự ứng cử không có. Vì thế, tới đây phải nghiên cứu hoàn thiện dần những quy định cho người tự ứng cử để tạo cơ hội, điều kiện cho họ được bình đẳng như những người được cơ quan giới thiệu. Còn nếu cứ để họ tự ứng cử rồi "rớt đài" thì muôn đời sẽ rất khó khăn với người tự ứng cử.
Cũng phải nhấn mạnh rằng, tiến trình dân chủ của chúng ta là cả lộ trình nên không thể cùng một lúc khắc phục ngay được những hạn chế này, nhưng về lâu dài nên tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người tự ứng cử, cho họ có cơ hội tốt hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận