Chuyện dọc đường

Cần có phi công “made in Việt Nam”

30/01/2018, 09:44

Câu chuyện ước mơ phi công “made in Việt Nam” không chỉ là chuyện nội địa hoá phi công...

phi-cong

 

Sau rất nhiều nỗ lực, nhân lực hàng không, đặc biệt là nhân lực kỹ thuật cao như phi công, kiểm soát viên không lưu đã tăng đáng kể, đáp ứng phần nào nhu cầu của một ngành hàng không đang phát triển chóng mặt với tốc độ 2 con số cũng như kế hoạch đầu tư lớn đội tàu bay của các hãng. 

Tổng công ty Hàng không VN - CTCP (Vietnam Airlines) đã áp dụng chính sách xã hội hóa về đào tạo phi công cơ bản theo phương thức các học viên tự túc chi phí đào tạo, ký cam kết tuyển dụng sau đào tạo và có chính sách cụ thể khuyến khích thu hút nhân tài. Thống kê cho thấy, lực lượng phi công là người Việt Nam của Vietnam Airlines đã tăng từ 49% năm 2012 lên trên dưới 70% ở thời điểm hiện tại.

Vietjet Air và Jetstar Pacific cũng đang thực hiện xã hội hóa đào tạo phi công với tỷ lệ phi công là người Việt Nam của Vietjet Air hiện xấp xỉ 20% so với con số 12% của năm 2015. Trong khi đó, tỷ lệ này của Jetstar Pacific ở mức trên dưới 15%/năm so với 10% năm 2014.

Các hãng hàng không đều đang triển khai áp dụng chính sách xã hội hóa về đào tạo phi công cơ bản theo phương thức các học viên tự túc chi phí đào tạo, ký cam kết tuyển dụng sau đào tạo và có chính sách cụ thể (trong đó có việc công khai thu nhập) khuyến khích thu hút nhân tài.

Tuy nhiên, câu chuyện ước mơ phi công “made in Việt Nam” ở đây không chỉ là chuyện nội địa hoá phi công mà còn là nội địa hoá đào tạo phi công.

Bao năm qua, với nhiều nỗ lực, các cơ sở đào tạo phi công trong nước vẫn mới chỉ thực hiện phần huấn luyện lý thuyết bay, chưa có các hoạt động huấn luyện bay dân sự trong nước. Các dự án thành lập được một cơ sở đào tạo phi công cơ bản, hoàn chỉnh tại Việt Nam đã có, xong vẫn chỉ nằm trên giấy, chưa được hiện thực hóa.

Theo các chuyên gia, tài chính không phải là vấn đề. Về mặt kỹ thuật ta cũng có thể làm được. Khó khăn chỉ là cơ chế. Cần lắm sự ủng hộ của các cơ quan chức năng về chủ trương, địa điểm, về cơ chế… để các trung tâm đào tạo phi công cơ bản hoàn chỉnh có thể ra đời, để phi công Việt thực sự 100% “made in Việt Nam”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.