Mỗi nhà một căn hầm bí mật
Một ngày cuối tháng 7, phóng viên Báo Giao thông tìm về di tích cách mạng xóm Mồ Côi tại khối Trường Lệ (phường Cẩm Châu, TP Hội An). Từ đường Lý Thái Tổ, con đường bê tông rộng rãi chạy thẳng vào một doi đất có diện tích chưa đầy 1km2, nằm giữa cánh đồng lúa bao la. Bên trong là những căn biệt thự, nhà ở khang trang, nhiều công trình dân dụng đang được xây dựng.
Xóm Mồ Côi nay khang trang hơn với nhiều công trình nghỉ dưỡng được đầu tư.
Ít ai biết, doi đất này từng là căn cứ cách mạng của quân dân ta xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây cũng là là nơi bị lính ngụy càn quét năm 1967.
Theo tài liệu tại Bảo tàng Hội An, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, xóm Mồ Côi có vị trí hiểm yếu, người dân nơi đây có tinh thần cách mạng mạnh mẽ, Thị ủy Hội An địa điểm này thành lập Ban cán sự Công tác nội ô, do Phó Bí thư Thị ủy Hội An Trương Minh Lượng làm trưởng ban.
Nhờ mạng lưới cơ sở hoạt động tốt cùng sự giúp đỡ của người dân xóm Mồ Côi, ngày 14/7/1967, quân ta tổ chức đợt tấn công vào nhà lao Hội An, giải cứu được hơn 1.000 tù nhân.
Nhưng trong cuộc tấn công này, ông Nguyễn Cho, cán bộ bí mật của quân ta tại trại giam Hội An bị trúng đạn và hy sinh. Ngày nay, căn nhà cấp 4 ngay đầu xóm là nơi thờ tự liệt sĩ Nguyễn Cho và người anh ruột là liệt sĩ Nguyễn Dưỡng (hy sinh trên chiến trường Tây Nguyên năm 1961).
Trên bàn nước giữa sân, ông Nguyễn Hải Sơn (con liệt sĩ Nguyễn Dưỡng) lần giở ký ức kể về những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Ông Sơn kể, thời đó, xóm Mồ Côi được bao phủ bởi dày đặc bởi những rặng tre, lau sậy, nằm sát trung tâm thị xã Hội An. Nhà cửa ở đây chỉ được lợp tranh, vách bằng lá nhưng mỗi nhà đều có một căn hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ cách mạng.
Cuộc càn quét bất ngờ
Năm 1967, khi đó ông Sơn chưa đầy 20 tuổi, đang làm nhiệm vụ đưa thư, thông tin liên lạc cho cán bộ ẩn nấp trong xóm ra nội ô Hội An. Sau nhiều tổn thất, địch cũng phát hiện ra căn cứ bí mật này.
"Ngày 18/10/1967, khoảng một tiểu đoàn lính ngụy tấn công vào xóm Mồ Côi. Hỏa lực của địch quá mạnh khiến quân ta không thể chống cự", ông Sơn nhớ lại.
Lúc này, ông Trương Minh Lượng đang họp bàn công việc trong nhà ông Nguyễn Văn Việt (Bí thư Chi bộ Trường Lệ). Trước tình thế nguy cấp, ông Lượng chủ động rút lui về căn cứ Trà Quế. Tuy nhiên, dưới làn mưa đạn của kẻ thù, ông Lượng đã ngã xuống khi vừa rời khỏi xóm.
Về phần mình, lo sợ số tài liệu bí mật rơi vào tay giặc, các cơ sở của ta ở nội ô sẽ bị lộ, ông Việt sau khi tổ chức cho các cán bộ, du kích thoát ra ngoài đã phóng hỏa đốt nhà và tự thiêu.
"Xóm Mồ Côi, mảnh đất vốn là nơi sinh sống an yên của những người nông dân, là nơi che giấu những chiến sĩ cách mạng bỗng chốc trở thành mảnh đất hoang tàn không một bóng người sau cuộc càn quét quy mô của địch. Những căn nhà tranh bốc cháy ngùn ngụt, trong khi người dân bị áp giải ra ngoài", ông Sơn nhớ lại.
Sau trận chiến, địch đã bắt toàn bộ người dân trong xóm giam trong nhà lao Hội An, một số bị đày ra nhà lao Côn Đảo.
Đổi thay ở vùng đất cách mạng
Theo lời ông Sơn, sau khi dân xóm Mồ Côi ra tù, họ về gần xóm cũ sinh sống, tiếp tục tận lực góp sức cho cách mạng. Mãi đến sau năm 1975, những người di tản mới trở lại doi đất này sinh sống.
Ông Nguyễn Hải Sơn bên tấm bia di tích đặt ngay đầu xóm Mồ Côi.
Cách nhà ông Sơn vài bước chân là nhà ông Nguyễn Văn Cũ, một hộ dân gốc hiếm hoi còn lại của xóm Mồ Côi. Căn nhà cấp 4 được sơn màu vàng, cửa chính làm bằng gỗ. Nơi trang nghiêm nhất sau cánh cửa đó được dùng để thờ tự bà nội ông - Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Ân và những người con trai của mẹ.
"Khoảng 15 năm trước, những con dân gốc xóm Mồ Côi cũng dần rời xóm đến nơi khác sinh sống. Đến nay dân gốc của xóm này còn lại chỉ bốn hộ, mà nhà nào cũng có ít nhất 1 liệt sĩ", ông Sơn nhẩm đếm.
Ông Sơn cũng cho biết, khoảng từ năm 2015 đến nay, xóm Mồ Côi được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, xây dựng cơ sở nghỉ dưỡng. Từ đó, vùng đất này trở nên khang trang, sầm uất hơn.
Từ đường Lý Thái Tổ nhìn vào, con đường bê tông sạch sẽ, hai bên là những ruộng lúa xanh ngát. Trong xóm, những khu nghỉ dưỡng với mái ngói đỏ cam san sát, xen kẽ là những căn nhà của người bản địa. Một doi đất mọc giữa ruộng đồng nhìn xa như một đô thị thu nhỏ là minh chứng cho sự đổi thay của vùng đất anh hùng.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, xóm Mồ Côi là một trong những địa điểm được thành phố quan tâm vì đây là di tích cách mạng.
Theo ông Lanh, xóm Mồ Côi có vị trí độc đáo, không gian cảnh quan đẹp nên thu hút nhiều nhà đầu tư. Thành phố mới làm việc với xã Cẩm Châu để sắp tới khảo sát, đầu tư các điểm dừng chân, hạ tầng phụ trợ nhằm phát triển du lịch sinh thái, tăng thêm tiện ích, trải nghiệm cho du khách.
"Xóm Mồ Côi cũng như các địa chỉ đỏ khác, những vùng có nhiều đóng góp cho cách mạng đều được quan tâm đặc biệt. Đó cũng là nghĩa cử tri ân đối với người có công cách mạng. Đối với những gia đình chính sách, thành phố tuyệt đối không để họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn", ông Lanh chia sẻ.
Theo các tài liệu được lưu trữ tại bảo tàng Hội An, sau cuộc càn quét của địch năm 1967, từ năm 1969 cho đến ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, xóm Mồ Côi vẫn là căn cứ quan trọng để các lãnh đạo Ban cán sự nội ô lui tới hoạt động.
Trải qua các cuộc kháng chiến, xóm Mồ Côi có 10 liệt sĩ, 1 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 1 bà mẹ được phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng, 3 thương binh đang được hưởng chính sách của Nhà nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận