Xã hội

Căn cứ Cái Chanh ở Bạc Liêu được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt

30/04/2021, 10:08

Tỉnh Bạc Liêu vừa tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh (huyện Hồng Dân, Bạc Liêu).

img

Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh.

Ngày 29/4, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Lễ kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021) và đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh, tại xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khẳng định, ngày 30/4/1975, bằng sự mưu trí, dũng cảm, linh hoạt, Ban chỉ huy tổng công kích của tỉnh Bạc Liêu đã kết hợp sáng tạo giữa đấu tranh chính trị, binh vận với việc điều lực lượng vũ trang áp sát thị xã tỉnh lỵ để tạo sức ép về quân sự.

img

Nhà ở và làm việc của đồng chí Lê Duẩn năm 1949.

"Đồng thời, tổ chức đấu tranh tâm lý, thuyết phục, vận động, chính quyền ngụy từ bỏ ý định tử thủ, buông súng đầu hàng, "bàn giao chính quyền" vô điều kiện cho cách mạng, mà không phải đổ máu", ông Thiều nhấn mạnh.

Chiến thắng đó không chỉ thể hiện sự mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của quân và dân Bạc Liêu mà còn thể hiện được truyền thống nhân đạo, bao dung của dân tộc và bản chất đạo đức, văn minh của Đảng ta khi điều kiện lịch sử cho phép.

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu đề nghị Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa; Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, kết nối tour - tuyến để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách gần xa.

img

Căn cứ Cái Chanh được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Trong nửa đầu của thế kỷ 20, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta ngày càng ác liệt, cách mạng Việt Nam nói chung, Nam Bộ và Bạc Liêu nói riêng đặt ra những yêu cầu ngày càng lớn.

Do đó, đòi hỏi từng vùng, từng khu vực, từng địa bàn phải có những cơ sở, căn cứ Cách mạng thật bí mật và vững chắc để các cơ quan của Đảng, nhất là các đồng chí lãnh đạo được an toàn đứng chân, lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống quân thù. Xuất phát từ yêu cầu đó, khu Cái Chanh, thuộc ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân đã được chọn làm Khu căn cứ cách mạng lúc bấy giờ.

Từ khi được chọn, Khu Căn cứ Cái Chanh đã trở thành căn cứ địa vững chắc của nhiều cơ quan lãnh đạo của Đảng.

Từ năm 1949 - 1951, nơi đây là căn cứ của một số cơ quan thuộc Xứ uỷ Nam bộ; là địa bàn hoạt động của một số đồng chí lãnh đạo Đảng để lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam, như: đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam bộ, cùng một số đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như: Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm,…

img

Du khách tham quan khu Căn cứ Cái Chanh.

Từ năm 1950 - 1954, đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu lúc bấy giờ cũng đã chọn Căn cứ Cái Chanh làm nơi hoạt động để lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh nhà.

Có thể nói, từ khi được chọn làm Khu Căn cứ cho đến khi kháng chiến giành thắng lợi hoàn toàn, khu Căn cứ Cái Chanh đã làm tròn được vai trò, sứ mệnh lịch sử quan trọng của mình, đã chở che, nuôi dưỡng và phát triển lực lượng cách mạng, và là niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bạc Liêu.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 6 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị Di tích và lập hồ sơ Di tích Quốc gia Đặc biệt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.