Giao thông

Căn cứ nào đưa ra vốn đường sắt tốc độ cao chỉ 26 tỷ USD?

09/07/2019, 16:10

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán tổng vốn đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chỉ khoảng 26 tỉ USD.

img
Đại diện Ban QLDA Đường sắt cho biết: Không rõ có tính toán, nghiên cứu nào của Bộ KH - ĐT để đưa ra con số 26 tỷ USD cho phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Hai cách đặt vấn đề hoàn toàn khác nhau

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa báo cáo Thủ tướng phương án thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Bộ này cho rằng, tốc độ chạy tàu trên trục Bắc - Nam khoảng 200km/h, thời gian di chuyển giữa Hà Nội - TP.HCM khoảng 8 giờ là hiệu quả. Với phương án trên tổng mức đầu tư dự án khoảng 26 tỷ USD, giảm hơn 32 tỷ USD so với đề xuất của Bộ GTVT.

Đề cập sự khác nhau giữa hai tổng mức đầu tư nêu trên, ngày 9/7, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, đây là hai cách đặt vấn đề khác nhau trong phương án đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và khác nhau về quy mô đầu tư, tốc độ khai thác.

“Phương án nghiên cứu mà Bộ GTVT trình Thủ tướng đã được tổ chức báo cáo đầu kỳ, giữa và cuối kỳ, có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan và hầu hết đồng thuận với phương án triển khai theo từng giai đoạn. Mặt khác, tổng mức đầu tư hơn 58 tỷ USD không cao hơn nhiều so với mức đầu tư 56,7 tỷ USD được tính toán trong báo cáo nghiên cứu được trình Quốc hội vào năm 2010. Việc tăng thêm 2 tỷ USD liên quan đến quy mô đầu tư và các yếu tố liên quan. Tổng mức đầu tư được đưa ra trong nghiên cứu báo cáo cũng căn cứ trên phân tích suất đầu tư khoảng 34 triệu USD/km đường sắt tốc độ cao, là suất đầu tư chung của thế giới”, đại diện Ban Quản lý dự án cho biết.

Về vấn đề công nghệ dự án, theo Ban Quản lý dự án, đây luôn là vấn đề khó, vì nền tảng công nghệ trong nước không có, phải nghiên cứu, dựa trên kinh nghiệm thực tế các nước trên thế giới.

“Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi không nhận được đề xuất, báo cáo nghiên cứu nào cho phương án đầu tư 26 tỷ USD. Sau khi báo nghiên cứu tiền khả thi được trình mới phát sinh đề xuất phương án trên. Tuy nhiên, không rõ có tính toán, nghiên cứu nào của Bộ KH-ĐT để đưa ra con số 26 tỷ USD cho phương án đầu tư trên. Việc đưa ra tổng mức đầu tư cần phải có căn cứ, dựa trên nghiên cứu, phân tích cụ thể và có sự phản biện mới có thể làm rõ”, đại diện Ban Quản lý dự án cho biết thêm.

Phương án của Bộ KH-ĐT và Bộ GTVT trình khác nhau thế nào?

Theo Bộ KH-ĐT, phương án thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Bộ này dẫn phân tích của các chuyên gia Đức và Hà Lan cho rằng với chiều dài hàng nghìn kilômet, tốc độ chạy tàu trên trục Bắc - Nam khoảng 200km/h là hiệu quả, tổng mức đầu tư dự án khoảng 26 tỉ USD, giảm hơn 32 tỉ USD so với đề xuất của Bộ GTVT.

Đặc biệt, nếu tính đến các yếu tố khác như sự hợp lý của hướng tuyến, giảm chiều dài tuyến đường sắt tốc độ cao thì tổng mức đầu tư sẽ tiếp tục giảm. Các chuyên gia cũng khẳng định với tốc độ khai thác 200km/h, thời gian di chuyển giữa Hà Nội - TP.HCM khoảng 8 giờ là hợp lý.

Theo thứ trưởng Bộ KH-ĐT Vũ Đại Thắng, phương án tối ưu là nâng cấp tuyến đường sắt cũ để chở hàng hóa và đầu tư mới một tuyến đường sắt tốc độ cao để chuyên chở khách. Thực tế, Chính phủ Hà Lan đã không thực hiện việc nâng cấp tuyến đường sắt Dusseldorf - Amsterdam từ 200km/h lên 300km/h vì chi phí vận hành tăng từ 1,8 tỉ euro lên 3,4 tỉ euro và không phát huy tối đa hiệu quả.

Trước đó, Bộ GTVT có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo tờ trình, đây là dự án thuộc nhóm quan trọng quốc gia, do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp đầu tư dự án.

Theo đề xuất tại báo cáo, tổng chiều dài dự án khoảng 1.559km chạy dọc hành lang Bắc - Nam, đi qua 20 địa phương, nối Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, 14km tại Hà Nội đi chung hạ tầng với tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội (đoạn từ ga Hà Nội đến ga Ngọc Hồi), còn 1.545km đi từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm; có 24 ga và 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 depot, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng.

Tốc độ thiết kế đoàn tàu 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h; được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách. Dự án có tổng mức đầu tư 1.334.459 tỷ đồng (58,71 tỷ USD). Dự án được chia thành 2 giai đoạn xây dựng: giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 561,6 nghìn tỷ đồng (24,71 tỷ USD), giai đoạn 2 là 772,6 nghìn tỷ đồng (34 tỷ USD).

Thời gian thực hiện dự kiến như sau: 2020 - 2032 nghiên cứu, đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM; giai đoạn 2 dự kiến từ 2032 - 2050 đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang, trong đó đoạn Vinh - Đà Nẵng hoàn thành năm 2040, đoạn Đà Nẵng - Nha Trang hoàn thành năm 2050.

Về công nghệ, nội dung tờ trình cho biết, nguyên lý chung của đường sắt tốc độ cao chạy trên ray là sử dụng động cơ điện và chạy trên ray tiêu chuẩn. Vấn đề cốt lõi tạo nên sự khác biệt là của công nghệ gồm công nghệ đoàn tàu và hệ thống thông tin tín hiệu điều khiển chạy tàu. Trong đó, công nghệ đoàn tàu sử dụng động lực phân tán (Nhật, Đài Loan); công nghệ hệ thống thông tin tín hiệu, sử dụng công nghệ truyền tín hiệu điều khiển qua sóng vô tuyến, đóng đường sử dụng phân khu di động.

“Việc lựa chọn công nghệ nêu trên đảm bảo tính đồng bộ, tiếp cận các công nghệ tiên tiến; thuận lợi cho việc tiếp nhận, chuyển giao sau này và giảm thiểu chi hí đầu tư xây dựng hạ tầng (trong bối cảnh quy mô công trình cầu, hầm chiếm 70%)”, nội dung tờ trình nêu.

Về tổ chức chạy, tàu, thời gian chạy tàu từ Hà Nội - TP.HCM là 5h20 phút (nếu không dừng ở một số ga) và 6h55 phút nếu dừng ở tất cả các ga. Thời gian khai thác từ 6-24h. Mô hình quản lý khai thác dự án là tách bạch quản lý với kinh doanh, theo đó thành lập tổng công ty nhà nước quản lý hạ tầng, còn nhà đầu tư thành lập các công ty vận tải để vận hành, khai thác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.