Chuyện dọc đường

Căn cứ nào xử phạt người ra đường?

06/04/2020, 08:19

Khi đã có 3 trường hợp bị xử lý, có ý kiến vẫn cho rằng việc xử phạt là trái hiến pháp, vi phạm quyền tự do đi lại của cá nhân.

img
Tổ công tác phường làm việc với ba người ra đường không có lý do cần thiết tại phường Trúc Bạch, Hà Nội (Ảnh: Công an cung cấp)

Hôm qua, 3 người đầu tiên ở Hà Nội bị xử phạt vì ra đường không có lý do chính đáng, với mức phạt 200.000 đồng/người.

Trong đó, có 2 người đi câu cá và 1 người đi bán hoa.

Căn cứ để phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) ra quyết định xử phạt là Điểm a, Khoản 1, Điều 11 Nghị định 176/2013 về hành vi “không thực hiện biện pháp để bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của các cơ quan y tế”. Hành vi ra đường của 3 người trên không thuộc diện được phép, vi phạm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 05 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Trước đó, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung tuyên bố, từ ngày 4/4, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra và xử phạt những người cố tình ra đường không có lý do thực sự cần thiết. Lập tức, trên mạng xã hội nổ ra tranh cãi về việc thế nào là chính đáng hay không chính đáng và đâu là căn cứ để xử phạt.

Đến ngày 5/4, khi đã có 3 trường hợp bị xử phạt, việc tranh cãi vẫn tiếp tục diễn ra, có ý kiến cho rằng việc xử phạt là trái hiến pháp, vi phạm quyền tự do cá nhân.

Tuy nhiên, đa số đều ủng hộ động thái quyết liệt của Hà Nội và cho rằng, chỉ như vậy mới hạn chế được người dân ra đường khi không có việc thực sự cần thiết, giảm lây nhiễm virus khi chưa khoanh vùng được hết các nguồn lây.

Trước hết phải khẳng định, theo Hiến pháp, mọi công dân có quyền tự do đi lại, không hạn chế phạm vi. Tuy nhiên, ngày 1/4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 447 công bố dịch Covid-19 toàn quốc, khẳng định đây là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.

Theo đó, biện pháp cách ly là biện pháp cần thiết nhất để phòng chống, dịch bệnh lây lan, gây nguy hiểm cho toàn xã hội. Việc cách ly được Chính phủ hướng dẫn rõ tại Chỉ thị 16.

Chỉ thị 16 tuy không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng là văn bản áp dụng pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm vào tình huống cụ thể để điều hành của Chính phủ, mang tính chất mệnh lệnh bắt buộc thi hành của người đứng đầu, có giá trị pháp lý thi hành.

Chỉ thị 16 đã quy định các trường hợp cần thiết được ra đường gồm: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, cung cấp dịch vụ thiết yếu; cấp cứu, khám chữa bệnh; làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang...

Vì thế, việc xử phạt các hành vi thuộc diện không được phép là có cơ sở.

Cụ thể, Điều 8, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 đã quy định rõ những hành vi bị cấm, trong đó có các hành vi như: Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định; Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền...

Còn theo Nghị định 176/2013, hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 300 nghìn đồng. Chủ tịch, xã, phường có thẩm quyền ra quyết định xử phạt.

Có thể thấy, cùng với cả nước, Hà Nội đang nỗ lực thực hiện các giải pháp phòng chống khi dịch bệnh diễn biến rất phức tạp. Nhưng nếu không có sự ủng hộ, đồng thuận và chung sức của người dân, giải pháp nào cũng không thể hiệu quả. Và nói như Chủ tịch TP Hà Nội, chỉ cần 10% dân số không thực hiện thì sẽ đổ bể kế hoạch chống dịch.

Trong thời điểm này, những người đi câu cá, thậm chí tập thể dục nơi công cộng cần hiểu rõ: Chúng ta không thiếu gì thời gian để làm những việc đó một khi dịch đã được dập tắt. Hãy vì an toàn cho bản thân, gia đình, cộng đồng, hãy giảm bớt các nhu cầu cá nhân và tuân thủ tuyệt đối chỉ đạo của Chính phủ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.