Chính trị

Cần đánh giá cặn kẽ việc nhất thể hóa chức danh

28/03/2017, 07:32

Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với tỉnh Quảng Ninh về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước...

12

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với tỉnh Quảng Ninh ngày 27/3

Nhất thể hóa chức danh Đảng với chính quyền

Báo cáo với đoàn giám sát, bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, số lượng thành viên UBND các cấp của tỉnh năm 2016 tăng 176 thành viên so với năm 2011, do thực hiện tiêu chuẩn về đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính theo quy định. So sánh giữa năm 2011 và 2016, số cơ cấu tổ chức thuộc các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh tăng 1 chi cục, số phòng chuyên môn, văn phòng, thanh tra giảm 24 phòng; Số đơn vị sự nghiệp giảm 26.

Về việc nhất thể hóa một số chức danh, đã có 7/14 đơn vị hành chính nhất thể hóa chức danh Bí thư huyện ủy kiêm chủ tịch HĐND cấp huyện; 2/14 đơn vị hành chính nhất thể hóa chức Bí thư kiêm chủ tịch UBND cấp huyện; 75/186 xã nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cấp xã... Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện kiêm nhiệm các chức danh Trưởng ban dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ ở 11/14 đơn vị hành chính; Trưởng/Phó ban tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị tại 13/14 đơn vị hành chính. Nhất thể hóa chức danh Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra kiêm Chánh thanh tra và Trưởng ban tổ chức kiêm Trưởng phòng nội vụ…

Kết luận buổi giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Trưởng đoàn giám sát đánh giá Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong cải cách bộ máy hành chính, nhất là sáng kiến thành lập Ban Xúc tiến đầu tư thương mại, Trung tâm Hành chính công tỉnh và 14 huyện, nhất thể hóa một số chức danh cấp ủy và chính quyền. Chia sẻ với Quảng Ninh về tình trạng vượt cấp phó do lịch sử để lại, ông Định gợi ý Quảng Ninh thực hiện khoán kinh phí, khoán biên chế, khoán lãnh đạo. “Ví dụ T.Ư cho 15 hay 20 giám đốc sở, tỉnh muốn tổ chức bao nhiêu sở nằm trong số lãnh đạo này là được”, ông Định nói.

Về việc thực hiện tinh giản biên chế, tổng biên chế Bộ Nội vụ giao cho tỉnh năm 2011 là 2.915 biên chế, năm 2016 là 2.866 biên chế. Năm 2016, số công chức của tỉnh vượt 116 người. Tỉnh dự kiến giai đoạn 2015 - 2021 sẽ tinh giản 1.669 người, trong đó cho thôi việc 65 trường hợp, 27 trường hợp chuyển việc không hưởng lương ngân sách, còn lại về hưu trước tuổi. 

Sau khi nghe báo cáo, ĐB Trần Thị Dung, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đánh giá, Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong cải cách bộ máy hành chính, nhưng số lượng cấp phó tại nhiều cơ quan chuyên môn còn cao, như: Văn phòng UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Sở LĐ,TB&XH, Sở Nội vụ… bà Dung đề nghị tỉnh Quảng Ninh làm rõ thêm thực trạng này.

Đề cập đến mô hình nhất thể hóa các chức danh, trong đó có sự hợp nhất cơ quan Nhà nước với cơ quan Đảng, ĐB Nguyễn Tiến Sinh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình băn khoăn: “Khó khăn nhất mà tỉnh phải đối mặt khi thực hiện chủ trương này là gì? Chẳng hạn việc hợp nhất giữa Ủy ban Kiểm tra với cơ quan thanh tra, vậy thì việc xử lý mối quan hệ thế nào để hai chức danh này không bị nghiêng về bên này, nhẹ bên kia?”.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng cho rằng, Quảng Ninh là địa phương tiên phong trong thực hiện nhất thể hóa các chức danh, nhưng cần thiết phải đánh giá về ưu điểm, hạn chế khi kiêm nhiệm thế nào. Ví dụ, nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch HĐND sẽ thuận, nhưng khi bí thư kiêm chủ tịch UBND thì hiệu quả ra sao? Khi thực hiện nhất thể hóa như vậy, Quảng Ninh gặp những bất cập, hạn chế gì và cần đề xuất giải pháp, cơ chế tháo gỡ khó khăn ra sao để thực hiện tốt hơn?

Đề xuất khoán biên chế, khoán lãnh đạo

ĐB Ngô Trung Thành, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật băn khoăn trước tình trạng số lượng lãnh đạo một số sở, ngành còn tương đối nhiều, đặc biệt ở một số nơi có tới 50% cán bộ cấp phòng trở lên. Trước thực trạng đó, ông Thành đề nghị phải rà soát lại tình trạng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên. Ngoài ra, việc thi tuyển chức danh lãnh đạo còn nhiều ý kiến khác nhau, nên đề nghị đánh giá mặt được và chưa được cũng như những kiến nghị, đề xuất của tỉnh trong việc này.

Giải trình, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết, mục tiêu của tỉnh không phải giảm nhiều hay ít mà quan trọng là hiệu quả. Về nhất thể hóa các chức danh, ông Long cho biết, mục tiêu đề án đưa ra là nhất thể hóa ở cấp huyện, xã. Hiện nay, đã có hai huyện nhất thể hóa bí thư, đồng thời là chủ tịch UBND huyện. “Tiến tới Quảng Ninh sẽ thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh Đảng với chính quyền, như ở huyện đảo Cô Tô, Văn phòng Ủy ban với Văn phòng HĐND, Ủy ban Kiểm tra với cơ quan thanh tra sẽ coi như một. Lúc đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra sẽ kiêm Chánh thanh tra huyện. Đối với cấp xã, Quảng Ninh sẽ tiến tới mục tiêu 75% bí thư sẽ đồng thời là chủ tịch UBND”, ông Long cho biết.

Về số lượng cấp phó còn nhiều, vượt so với quy định, ông Long lý giải, hiện Quảng Ninh có 5 phó chủ tịch UBND tỉnh, theo quy định Quảng Ninh được 4 phó, còn một phó luân chuyển nên tổng cộng thành 5 cấp phó. Hay Sở KH&ĐT có 5 phó, trong năm nay sẽ có hai người nghỉ hưu, như vậy chỉ còn lại 3 phó theo quy định. Tương tự, các sở, ngành khác cũng đều có những lý do riêng, nhưng trong năm nay sẽ giảm và sẽ đảm bảo đúng số lượng cấp phó theo quy định. Riêng về lãnh đạo cấp phòng, ông Long cho biết, vấn đề này tỉnh đang rà soát lại, với thái độ cương quyết giảm theo đúng quy định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.