Xã hội

Cần giải pháp đột phá để cứu nền kinh tế

22/10/2014, 08:45

"Kinh tế Việt Nam khỏe không ra khỏe, yếu không ra yếu, cứ rề rà chả làm ăn được gì. Cần giải pháp đột phá hơn để năm 2015 khởi sắc trở lại", đại biểu Trần Du Lịch nói.

Đại biểu Trần Du Lịch, Đoàn TPHCM phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 21/10
Đại biểu Trần Du Lịch, Đoàn TPHCM phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 21/10

Vốn chờ công trình, thủ tục nhiêu khê

Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng, báo cáo Chính phủ cho biết kinh tế Việt Nam chạm đáy từ quý III năm ngoái, nhưng phục hồi quá yếu. “Kinh tế Việt Nam khỏe không ra khỏe, yếu không ra yếu, cứ rề rà chả làm ăn được gì. Chúng ta chờ đợi một quyết sách gì để năm tới nó vươn lên nhưng tới thời điểm này không thấy”, ông Lịch đề nghị cần có giải pháp đột phá hơn để năm 2015 khởi sắc trở lại.

“Làm sao tăng được tổng cầu? Kênh tín dụng không hấp thụ, kênh đầu tư xây dựng cơ bản thì vốn chờ công trình, thủ tục nhiêu khê; Trái phiếu dùng để kích cầu mà “nuốt” không được do nghẽn về thủ tục. Đáng lý khi quyết tăng đầu tư thì phải xử lý quy trình thủ tục liên quan tới giải ngân, thành ra nguồn tiền đầu năm không giải ngân được, làm cuối năm ùn lại. Bài toán này cứ lặp đi, lặp lại không giải quyết được.

"Công ty Quản lý tài sản (VAMC) không phải là mua nợ mà dồn cục lại rồi để đó, có bán được nợ đâu. Mấy năm còn không mua bán được cái nhà, nói gì tới mua bán nợ xấu”.

Đại biểu Trần Du Lịch, TP Hồ Chí Minh

Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng), báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế chỉ ra rằng, dù chịu tác động của tình hình kinh tế thế giới, xung đột khu vực, phức tạp ở biển Đông, thiên tai dịch bệnh... nhưng với sự điều hành và chỉ đạo của Chính phủ, 13/14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đã đạt và vượt. Khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2014 là 5,8%.

“Nếu những số liệu đó là chuẩn thì tình hình hết sức tốt đẹp. Nhưng tôi còn phân vân. Chẳng hạn, 9 tháng qua, số lượng doanh nghiệp (DN) đăng ký mới không đáng kể (chỉ 1.281 DN), trong khi số DN tạm dừng là trên 18 nghìn DN. Rồi DN không kê khai thuế, số nợ thuế khó đòi (trong đó có cả một số ngành đóng góp quan trọng cho ngân sách như: Than, khí hóa lỏng, xe máy...), vậy mà các chỉ tiêu, nhất là GDP vẫn hoàn thành. Hay như nợ công được đánh giá ở mức an toàn nhưng theo các chuyên gia cũng đã tới mức báo động. Chính phủ cần đánh giá thực tế để tìm ra giải pháp. Chứ còn nếu làm ra con số đẹp, để báo cáo thì thấy không ổn”, ông Vinh nêu ý kiến.

Cổ phần hóa DN đang gặp khó khăn

Đề cập đến tình hình cổ phần hóa DN tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng (ĐB tỉnh Lạng Sơn) cho biết, việc cổ phần hóa DN Nhà nước trong những năm qua đạt được nhiều thành công, từ con số hàng chục nghìn DN xuống chỉ còn khoảng 1 nghìn trong năm 2013. Năm 2014 và sang năm sau, dự kiến sẽ cổ phần hóa xong 500 DN nữa. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa hiện nay đang gặp khó khăn.

Vấn đề quyền sử dụng đất của các DN cộng thêm siết lại nhiều quy định chặt chẽ hơn nên sức hấp dẫn giảm. DN đang khá khó khăn, nhiều DN rơi vào nợ xấu, nên khi đưa phương án xác định giá trị DN và cổ phần hóa không hấp dẫn được nhà đầu tư. Hơn nữa thị trường chứng khoán không được tốt như trước”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Trong khi đó, một trong những vấn đề mà ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ làm rõ là việc thoái vốn. Theo ông Thông, báo cáo nêu ra việc thoái vốn của một số DN Nhà nước nhưng vốn đấy dùng vào đâu, hiệu quả như thế nào thì báo cáo của Chính phủ cả lần trước và lần này chưa rõ.

“Có thông tin chúng ta phải suy nghĩ, đó là trong khảo cứu về năng suất lao động, chúng ta gần xếp cuối. Vấn đề là ta đầu tư đến đâu mà năng suất đến đó. Tổ chức một nền sản xuất như thế nào để đưa lại một hiệu quả như vậy? Chính phủ cần nghiêm túc phân tích, tìm nguyên nhân để có cách đẩy năng suất lên. Chứ tái cơ cấu mà năng suất lao động thấp thì rất lãng phí. Đây là căn bệnh rất nặng”, ông Thông nói.

Bình Minh - Thiện Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.