Đường sắt

Cần hơn 220.000 tỷ đồng đầu tư các dự án đường sắt giai đoạn 2026 - 2030

07/04/2022, 18:07

Giai đoạn 2026-2030 cần hơn 220.000 tỷ đồng đầu tư nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có và làm các tuyến mới.

Cục Đường sắt VN cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển KCHT đường sắt quốc gia đến năm 2030 cần khoảng 240.000 tỷ đồng.

Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hiện ngân sách Nhà nước bố trí cho đầu tư KCHT đường sắt là 14.025 tỷ đồng. Như vậy giai đoạn 2026-2030, nhu cầu vốn cần đến hơn 227.000 tỷ đồng.

Trong hơn 227.000 tỷ, Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM nhu cầu vốn cần hơn 111.000 tỷ đồng; Các dự án nâng cấp đường sắt hiện có nhu cầu vốn hơn 36.000 tỷ đồng; Các tuyến đường sắt xây dựng mới (không bao gồm đường sắt tốc độ cao) nhu cầu vốn hơn 79.000 tỷ đồng.

img

Giai đoạn 2026-2030, cần hơn 36.000 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có. Ảnh: Thi công cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc - Nam gói 7.000 tỷ vốn trung hạn 2016-2020

Theo đó, tuyến đường sắt Bắc - Nam cần hơn 23.600 tỷ đồng, ưu tiên phân bổ các dự án: Cải tạo tuyến đường sắt khu vực Khe Nét (192 tỷ đồng); Cải tạo đường sắt khu vực đèo Hải Vân hơn (10.700 tỷ đồng); Di dời ga Đà Nẵng (hơn 8.000 tỷ đồng); Xây dựng đường gom, hàng rào cách ly giữa đường bộ và đường sắt tại các điểm có nguy cơ mất ATGT (2.200 tỷ đồng); Cải tạo, nâng cấp các ga đường sắt (hơn 2.000 tỷ đồng).

Đối với các tuyến khác, ưu tiên phân bổ các dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt các tuyến Hà Nội - Hải Phòng (3.900 tỷ đồng), Hà Nội - Lào Cai (2.100 tỷ đồng), Hà Nội - Đồng Đăng (hơn 1.800 tỷ đồng), Hà Nội - Thái Nguyên (660 tỷ đồng)...

Cùng đó là các dự án: Xây dựng các cầu đường bộ vượt đường sắt tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt có mật độ giao thông lớn (3.050 tỷ đồng); Nhánh đường sắt kết nối một số cảng biển như Nghi Sơn, Liên Chiểu… (823 tỷ đồng).

Đối với các tuyến đường sắt xây dựng mới, nhu cầu vốn hoàn thành xây dựng tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - cảng Cái Lân (xây dựng mới đoạn Lim - Phả Lại; nâng cấp, cải tạo đoạn Yên Viên - Lim, đoạn Phả Lại - Hạ Long) cần 6.000 tỷ đồng; Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng (thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng) song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (đến ga Nam Hải Phòng) kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện cần hơn 48.000 tỷ đồng; Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu 10.000 tỷ đồng; Đường sắt vành đai phía Đông: Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng hơn 8.000 tỷ đồng; Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành 6.600 tỷ đồng...

Để có thể triển khai các dự án này nhằm mục tiêu phát triển mạng đường sắt theo quy hoạch, theo Cục Đường sắt VN, cần thiết đề xuất cơ chế đột phá xây dựng tuyến đường sắt quốc gia giai đoạn đến năm 2030. Theo đó, tiếp tục khẩn trương xúc tiến đầu tư các công trình theo danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 01/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Có cơ chế để tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Đồng thời có cơ chế tăng cường trách nhiệm của các địa phương tham gia đầu tư xây dựng KCHT đường sắt như đền bù GPMB bằng nguồn kinh phí của địa phương; Dành quỹ đất để kết nối đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng, các cảng biển lớn, cảng cạn, cảng thủy nội địa, khu kinh tế, khu du lịch... với mạng lưới đường sắt quốc gia; Tham gia hỗ trợ đầu tư các tuyến đường sắt quốc gia qua địa bàn...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.