Hạ tầng

Cần hơn 24 nghìn tỷ đồng để đầu tư nối thông đường Hồ Chí Minh

24/10/2020, 15:20

Để hoàn thành nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh quy mô hai làn xe cần thêm khoảng 24.210 tỷ đồng để đầu tư 289km còn lại.

img
Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) dài khoảng 2.744km, đến nay còn khoảng 289km vẫn chưa được đầu tư do thiếu vốn

Đường Hồ Chí Minh còn “tắc” 289km

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình thực hiện dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Trong báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, theo Nghị quyết 66/2013, Quốc hội đặt ra mục tiêu hoàn thành nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô tối thiểu hai làn xe, chiều dài khoảng 2.744km vào năm 2020. Đến nay, dự án đã hoàn thành 2.218km, đang triển khai đầu tư 237km, còn lại khoảng 289km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.

Cụ thể, tại khu vực phía Bắc, đường Hồ Chí Minh đoạn từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Chợ Bến (Hòa Bình) dài khoảng 273km đã hoàn thành 113km; Còn lại 160km chưa triển khai do thiếu vốn gồm: Đoạn Chợ Chu (Thái Nguyên) - ngã ba Trung Sơn (Tuyên Quang) dài 30km, đoạn Đoan Hùng (Phú Thọ) - Chợ Bến (Hòa Bình) dài 130km. Để nối thông khu vực phía Bắc cần bố trí vốn để triển khai 2 dự án thành phần với tổng mức đầu tư khoảng 17.867 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, để hoàn thành nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh quy mô hai làn xe cần thêm khoảng 24.210 tỷ đồng để đầu tư 289km còn lại.

Tiếp theo là đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) dài 1.532km, đến nay đã hoàn thành đầu tư 1.350km, đang triển khai xây dựng 182km, gồm: Dự án La Sơn - Túy Loan (77km) và Cam Lộ - La Sơn (98km). Trong đó, dự án La Sơn - Túy Loan sẽ hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác 66km đoạn La Sơn - Hòa Liên vào cuối năm 2020; đoạn Hòa Liên - Túy Loan dài 11km dự kiến hoàn thành vào năm 2022.

Còn lại, dự án Cam Lộ - La Sơn đã khởi công một số gói thầu vào tháng 9/2019. Đến nay, dự án đã triển khai thi công trên toàn dự án, sản lượng đạt khoảng 24%, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong năm 2021.

Khu vực miền Trung đã và đang triển khai nối thông tuyến từ Hòa Lạc đến Tân Cảnh, dự kiến đến năm 2021 sẽ hoàn thành toàn bộ. Giai đoạn sau 2021, tùy thuộc nhu cầu vận tải trên tuyến và khả năng nguồn lực sẽ nghiên cứu đầu tư hoàn chỉnh đoạn Cam Lộ - Túy Loan theo quy hoạch.

Đối với đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến qua khu vực Tây Nguyên từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) dài khoảng 553km, đến nay đã hoàn thành đầu tư xây dựng toàn bộ tuyến chính với quy mô hai làn xe.

Cuối cùng, đoạn tuyến từ Chơn Thành (Bình Phước) đến Đất Mũi (Cà Mau) có chiều dài khoảng 386km, đến nay, đã hoàn thành 202 km, đang thi công 55 km và chưa triển khai 129km do thiếu vốn gồm: Chơn Thành - Đức Hòa (74km, tổng mức đầu tư 2.547 tỷ đồng) và phần còn lại của dự án Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận (55km, tổng mức đầu tư 3.796 tỷ đồng). Nếu nối thông khu vực phía Nam cần bố trí vốn để triển khai 2 dự án thành phần với tổng chiều dài khoảng 129km (TMĐT 6.343 tỷ đồng).

Cần bổ sung vốn để thông toàn tuyến

Để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 66/2013 của Quốc hội, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội và các đoàn ĐBQH tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

Chính phủ cũng kiến nghị các đoàn ĐBQH các tỉnh có đường Hồ Chí Minh đi qua đang còn vướng mắc GPMB và đang triển khai thi công như: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế,… tiếp tục quan tâm chỉ đạo có giải pháp đẩy nhanh tiến độ GPMB để sớm bàn giao mặt bằng triển khai thực hiện dự án cũng như thực hiện tốt công tác quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ.

Ngoài ra, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn để triển khai các dự án Chợ Mới - Ngã ba Trung Sơn tỉnh Tuyên Quang; dự án Chơn Thành - Đức Hòa thuộc các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và phần còn lại của đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận thuộc các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu.

Trong báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nói rõ do nguồn lực đầu tư rất hạn hẹp, căn cứ kết quả nghiên cứu chủ trương đầu tư các dự án, khả năng cân đối nguồn lực và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 để tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư các đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, Chơn Thành - Đức Hòa, Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận;

Đối với đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến do nhu cầu vận tải chưa cao, hiện tại có QL2 và QL21A song hành đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải trong khu vực nên sẽ xem xét đầu tư theo quy mô đường cao tốc tùy theo nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực, dự kiến trong giai đoạn sau năm 2025.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.