Hạ tầng

Cần khoảng 10 nghìn tỷ đồng để mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành

10/12/2020, 17:08

Cần khoảng 10 nghìn tỷ đồng để mở rộng 24km tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 8 làn xe.

img

Cần khoảng 10 nghìn tỷ đồng để mở rộng 24km đường cao tốc TP HCM đến Long Thành lên 8 làn xe.

Tổng công ty Cửu Long vừa có báo cáo tình hình thực hiện lập đề xuất phương án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Theo đó, điểm đầu phạm vi mở rộng tại vị trí sau cầu Bà Dạt, thuộc phường An Phú, quận 2, TP.HCM. Điểm cuối tại Km24+558, vị trí giao dự kiến với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Chiều dài đoạn mở rộng là 24km. Đoạn từ nút giao với cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu đến Dầu Giây giữ nguyên 4 làn xe, chưa mở rộng.

Về quy mô mở rộng, phần đường đoạn từ An Phú đến Vanh đai 2 gần 4km sẽ mở rộng mỗi bên 5,25m để đạt quy mô 8 làn xe. Đoạn Vành đai 2 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mở rộng mỗi bên 7,5m để đạt quy mô 8 làn xe. Trong đó, đoạn Vành đai 2 - Sông Tắc là cầu cạn, sau khi mở rộng gồm 2 đơn nguyên 19,75m riêng biệt song song. Đoạn Sông Tắc - nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi trên nền đường đắp đất, quy mô 8 làn xe, chiều rộng nền đường 42,5m.

Phần cầu, đoạn An Phú - vành đai 2 sẽ xây dựng thêm mỗi bên 1 cầu phía ngoài các cầu hiện hữu bề rộng 5,25m, chiều rộng mỗi đơn nguyên hoàn thiện là 17,5m. Đoạn vành đai 2 - nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ xây dựng thêm mỗi bên 1 cầu phía ngoài các cầu hiện hữu 7,5m.

Đặc biệt, trên tuyến có cầu lớn là cầu Long Thành, sẽ xây dựng 1 đơn nguyên hoàn chỉnh như giai đoạn 1, khoảng cách giữa 2 đơn nguyên cầu khoảng 12,75m.

img

Cầu Long Thành sẽ được xây dựng thêm một đơn nguyên để đảm bảo giao thông

Đối với nút giao An Phú, sẽ do TP.HCM thực hiện bằng vốn ngân sách nên không thuộc phạm vi nghiên cứu của dự án. Về nút giao vành đai 2, chỉ đầu tư mở rộng phần cầu cạn trong nút giao để đủ qui mô 8 làn xe cao tốc.

Các nút giao vành đai 3 và đường 319B, hiện đang và sẽ được đầu tư bởi các dự án có liên quan trong giai đoạn 2020 - 2025 nên không nằm trong phạm vi nghiên cứu mở rộng. Nút giao với Quốc lộ 51, trong giai đoạn 1, các nhánh rẽ đã được đầu tư với quy mô giai đoạn hoàn chỉnh, do đó, dự kiến chỉ cần đầu tư mở rộng phần cầu trong nút giao để đủ quy mô 8 làn xe cao tốc.

Nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (tuyến kết nối số 2 với CHKQT Long Thành), qui mô nút giao đã được thống nhất trong hồ sơ nghiên cứu khả thi cho hạng mục giao thông kết nối CHKQT Long Thành với giao thông khu vực do Tổng công ty cảng hàng không trình Chính phủ năm 2019.

Nút giao nếu được nghiên cứu triển khai đầu tư đồng bộ cùng các tuyến kết nối với CHKQT Long Thành trong giai đoạn 2021 - 2025 như dự kiến thì có thể góp phần giải quyết ùn ứ tại nút giao Quốc lộ 51.

Theo phương án mở rộng này, chỉ cần GPMB đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến hết cầu Long Thành, bổ sung mỗi bên thêm 3,5m. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.976,586 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 7.240 tỷ đồng.

Về phương án đầu tư, Tổng công ty Cửu Long đề xuất nhiều phương án, trong đó có phương án đầu tư PPP, BOT, đầu tư công và vay vốn ODA. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu vận tải của tuyến cao tốc cũng như phù hợp với kế hoạch đầu tư dự án CHKQT Long Thành dự án dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025, Tổng công ty Cửu Long kiến nghị Bộ GTVT xem xét phương án đầu tư công và tiếp tục có ý kiến với Nhà tài trợ JICA của Nhật Bản để xem xét tài trợ vốn ODA cho dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.